04:09 23/04/2021

Nguy cơ từ hàng loạt 'hố tử thần' tại vùng đồng bằng Thổ Nhĩ Kỳ

Những "hố tử thần" đủ lớn để nuốt chửng một chiếc xe buýt đã trở thành hình ảnh nổi bật lột tả mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạn hán tại vùng trồng ngũ cốc ở khu vực đồng bằng Thổ Nhĩ Kỳ.

Nông dân ở đây đang không khỏi lo lắng về nguy cơ những chiếc hố này lan rộng và "tấn công" nơi ở của họ. 

Chú thích ảnh
Một 'hố tử thần' ở Konya. Ảnh: barrons.com

"Tình hình hạn hán đang ngày một tồi tệ hơn". Đây là lời chia sẻ của nông dân Tahsin Gundogdu, người chuyên trồng khoai tây để bán cho tập đoàn thực phẩm Mỹ PepsiCo. Người đàn ông 57 tuổi đã chứng kiến sự hình thành của những chiếc hố khổng lồ trong 10 tới 15 năm qua, mà nguyên nhân là người dân lạm dụng khoan giếng tìm kiếm nguồn nước ngầm để phục vụ tưới tiêu. 

Với độ sâu hun hút, những "hố tử thần" xuất hiện khi các hang động ngầm do hạn hán tạo ra không còn chịu đựng được trọng lượng của lớp đất phía trên. Điều này đặt người nông dân vào thế "tiến thoái, lưỡng nan". Tuy nhiên, việc tiếp tục phụ thuộc vào những mạch nước ngầm có thể sẽ gây ra vấn đề còn nghiêm trọng hơn.  Nhằm giảm thiểu việc sử dụng nước ngầm trong khi vẫn có nước tưới cho cây trồng, người dân phải tìm đến các biện pháp khác tốn kém hơn, đồng nghĩa với thu nhập của họ bị sụt giảm. Tuy nhiên, vẫn có một số nông dân sử dụng nước ngầm trái phép để tưới cho cây trồng. Nếu tình trạng này không được giải quyết, hạn hán sẽ gây tổn hại cho người nông dân và người tiêu dùng ở mức tương đương hoặc thâm chí còn tồi tệ hơn cú sốc kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra. 

Giáo sư Fetullah Arik, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu "Hố tử thần" thuộc Đại học Kỹ thuật Konya, đã thống kê được hiện có khoảng 600 hố sụt lún ở đồng bằng Konya, gần gấp đôi con số 350 được ghi nhận vào năm ngoái. Các chuyên gia hy vọng chính phủ sẽ nỗ lực khắc phục hậu quả của tình trạng hạn hán cực đoan. Theo nông dân Sezer, chính phủ có thể tạo ra những hệ thống chuyển nước đến các đồng bằng.  Ông Murat Akbulut, người đứng đầu chi nhánh Konya của Cơ quan các Kỹ sư Nông nghiệp (ZMO) của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ý tưởng này có thể gợi mở một "giải pháp quan trọng" cho Konya, nơi có hồ Beysehir với trữ lượng nước đã giảm từ 450 triệu tấn xuống còn 123 triệu tấn trong năm 2020. Ông Akbulut cho biết sự sụt giảm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề tưới tiêu cho vùng đồng bằng khi gần 77% lượng nước của Thổ Nhĩ Kỳ là phục vụ cho ngành nông nghiệp.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với 2 loại hạn hán. Loại đầu tiên thuộc về vấn đề khí tượng do thời tiết khô và loại thứ hai là liên quan vấn đề thủy văn, có nghĩa là mực nước thấp ở các suối, hồ chứa và mạch nước ngầm. Tháng trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tổ chức diễn đàn đầu tiên về nước, cam kết sẽ "đổi mới và nâng cấp hệ thống thủy lợi nông nghiệp". Tuy nhiên, ông Baki Remzi Suicmez, người đứng đầu ZMO, cho rằng nếu tháng 4 và 5 tới lượng mưa không đủ thì nguy cơ hạn hán nông nghiệp sẽ còn tiếp diễn ở hầu hết các khu vực. Thậm chí ngay cả khi có nhiều mưa cũng sẽ không khiến tình trạng hạn hán biến mất.

Kỹ sư địa chất Servet Cevni lưu ý tác động của hạn hán đặc biệt nghiêm trọng tại vùng hồ nằm ở Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, biển hồ Salda, vốn được ví là "Maldives của Thổ Nhĩ Kỳ nhờ dòng nước màu ngọc lam và bờ cát trắng, đã bị thu hẹp tới 30m trong 10 năm qua. Trong khi đó, mực nước tại hồ Burdur gần trung tâm thành phố đã bị "rút" mất 11km, cho thấy sự cần thiết phải triển khai chính sách nước khẩn cấp. Kỹ sư Cevni đặc biệt nhấn mạnh cần phải có những biện pháp cứng rắn để xử lý tình trạng lãng phí nước.

Phương Oanh (TTXVN)