11:23 20/11/2011

Nguy cơ Thái Lan rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị mới

Theo báo “Bưu điện Băngcốc” ngày 19/11, Thái Lan đang đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị mới khi làn sóng phản đối ân xá cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra biến thành các cuộc biểu tình trên đường phố.

Theo báo “Bưu điện Băngcốc” ngày 19/11, Thái Lan đang đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị mới khi làn sóng phản đối ân xá cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra biến thành các cuộc biểu tình trên đường phố.

Mặc dù Phó Thủ tướng Chalerm Yubamrung - người chủ trì cuộc họp nội các bí mật mà nhiều người cho là nhằm tìm cách ân xá cho Thaksin - đã khẳng định rằng, dự thảo sắc lệnh ân xá là đúng pháp luật và không vì cá nhân nào, nhưng các lực lượng chính trị đối lập vẫn lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Ngày 19/11, Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) hay còn gọi là phong trào “Áo vàng” đã tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào ngày hôm nay (21/11) để phản đối. Người phát ngôn của PAD, ông Panthep Puapongpan, nêu rõ việc mở rộng diện đối tượng được ân xá - trong đó có cả trường hợp của ông Thaksin - là hành động gây sức ép với Hoàng gia và PAD cực lực phản đối. Trước đó, chiều 18/11, hơn 1.000 thành viên thuộc Phong trào chính trị đa sắc màu và Phong trào đoàn kết Thái Lan đã tổ chức biểu tình kéo dài 2 giờ tại công viên Lumpini ở trung tâm thủ đô Băngcốc để phản đối việc ân xá cho ông Thaksin. Một nhóm thành viên của phong trào đa sắc màu do thủ lĩnh Tul Sitthisomwong dẫn đầu cũng kéo tới trụ sở Hội đồng Nhà nước để trao thư phản đối, đồng thời tuyên bố mọi nỗ lực nhằm ân xá cho ông Thaksin sẽ khiến chính phủ trả giá bằng sự sụp đổ.

Theo kế hoạch, phong trào đa sắc màu ngày 21/11 sẽ trình thư phản đối lên Hội đồng cơ mật và ngày 22/11 sẽ tổ chức biểu tình trước trụ sở chính phủ. Trả lời phỏng vấn báo chí từ Đubai, ông Thaksin - tâm điểm của sự phản đối – nói, ông không biết về cuộc họp nội các bí mật và cũng không nghĩ sẽ có tên trong danh sách 26.000 người được đề nghị ân xá vì đây là sắc lệnh ân xá thường niên chứ không phải ân xá đặc biệt. Bà Yingluck cũng cho rằng vì dự thảo sắc lệnh ân xá sẽ được Hội đồng nhà nước xét duyệt trước khi trình lên Hoàng gia ra quyết định cuối cùng, nên dự thảo sắc lệnh của chính phủ chỉ là một bước nhỏ trong tiến trình nhiều bước nhằm ban hành một sắc lệnh ân xá thường niên.

Quân đội, được cho là có ảnh hưởng mạnh đối với chính trường, vẫn tránh đưa ra quan điểm về vấn đề ân xá với lý do đó là vấn đề của các chính trị gia chứ không phải của quân đội. Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha đã từ chối trả lời báo giới về vấn đề này, còn Tư lệnh Quân khu 1 - Trung tướng Udomdej Sitabutr - nói: “Tư lệnh Lục quân Prayuth muốn tướng lĩnh quân đội tập trung giúp nhân dân khắc phục lũ lụt”.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva ngày 19/11 một lần nữa kêu gọi Thủ tướng Yingluck không nên “kích nổ” một cuộc khủng hoảng chính trị mới bằng sắc lệnh ân xá. Theo ông Abhisit, sắc lệnh ân xá sẽ “xát muối vào vết thương dân tộc vốn vẫn đang há miệng và điều đó sẽ hủy hoại uy tín của chính phủ”. Ông Abhisit cho rằng, để ngăn chặn nguy cơ làn sóng phản đối lan rộng và biến thành rối loạn chính trị, Thủ tướng Yingluck cần khẩn trương công bố rõ lập trường của chính phủ về ân xá và giải tỏa những nghi ngờ rằng sự thay đổi nội dung trong sắc lệnh năm nay so với các sắc lệnh truyền thống chẳng qua là nhằm giúp ông Thaksin thoát khỏi án tù.

Nguyễn Xuân Trọng (P/v TTXVN tại Thái Lan)