11:00 02/11/2012

Nguy cơ ngộ độc từ thức ăn đường phố

Thói quen tiêu dùng các loại thức ăn đường phố ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các loại thức ăn này lại có nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao, trong khi đó các cơ quan chức năng không thể kiểm soát triệt để.

Thói quen tiêu dùng các loại thức ăn đường phố ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các loại thức ăn này lại có nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao, trong khi đó các cơ quan chức năng không thể kiểm soát triệt để.

 

Đủ loại hóa chất


Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng thực phẩm bày bán rong diễn ra nhan nhản ở các cổng trường hoặc trước cổng bệnh viện. Bên cạnh việc bày bán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì các loại thức ăn này còn sử dụng các loại hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.


 

Thức ăn đường phố có thể gây ngộ độc thực phẩm.

 

Theo ghi nhận, tại các cổng trường như: Trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh), trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1)..., nhất là vào thời điểm học sinh tan học, thực phẩm được hàng rong bán tràn lan bằng các loại xe đẩy, xe kéo. Các loại thức ăn đường phố được học sinh ưa chuộng, nhất là bánh tráng trộn, bắp luộc, cá viên chiên..., dù được bày bán khá mất vệ sinh.


Chợ Kim Biên là nơi bán hóa chất lớn ở khu vực phía Nam, người tiêu dùng cần loại hóa chất nào cũng có, các loại hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm được bày bán lẫn lộn với nhau. Người tiêu dùng và người kinh doanh, chế biến thực phẩm do kém hiểu biết và vì lợi nhuận nên đã sử dụng các loại hóa chất mua ở đây một cách tràn lan trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là các loại thức ăn đường phố. Theo sự mách bảo của giới kinh doanh ở chợ Kim Liên, các loại cá viên chiên, bò viên có thể pha trộn với bột tạo dẻo, bột tạo dính, bột tạo săn chắc để làm cứng... Các loại bánh tráng trộn thì cũng sử dụng nhiều các loại phẩm màu hóa chất. Các loại hóa chất như: đường hóa học, hàn the, bột làm trắng... cũng được tiêu thụ khá chạy để sử dụng trong chế biến thực phẩm.


Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc sử dụng hóa chất, phụ gia, thiếu kiểm soát trong các loại thực phẩm đường phố sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cụ thể như món bánh tráng trộn được trộn từ các loại thực phẩm như muối tôm khô có chứa nhiều phẩm màu, bò khô và nước bò cũng ướp tẩm nhiều phẩm màu cho đẹp mắt. Bên cạnh đó, đa số các loại túi ni lông dùng để đựng bánh đều không có nguồn gốc rõ ràng và đa số sản xuất từ nhựa tái chế.
Ngoài ra, gần đây các cơ quan thông tin lại phát hiện “bí kíp” luộc ngô mềm ngọt, mau chín, đỡ tốn kém của những người bán là sử dụng loại đường hóa học, muối diêm, pin...Với việc ăn ngô luộc được chế biến từ những “bí kíp” trên thì người tiêu dùng sẽ không tránh khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm và quan trọng hơn là nếu sử dụng lâu dài thì sẽ dẫn đến mắc các bệnh mãn tính.


Theo Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm (ATTP) Việt Nam, không được phép dùng pin trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào. Vì pin chủ yếu chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium... nên đặc biệt độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa, sinh sản của con người. Bên cạnh đó, muối diêm dù là hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng các nhà khoa học luôn khuyến cáo về tính độc hại của nó nếu dùng quá liều. Với muối diêm, nếu dùng quá giới hạn cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa thành chất gây ung thư, nhất là ung thư gan, dạ dày.

 

Cần kiên trì giám sát

Theo thông tin Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP Hồ Chí Minh: Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm của thức ăn đuờng phố rất khó khăn do ý thức kém của người kinh doanh và của cả nguời tiêu dùng. Hơn nữa, việc kiểm soát về VSATTP của các cơ quan chức năng còn hạn chế.


Theo ông Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đối với thức ăn đường phố, trước mắt chính quyền địa phương cần kiên trì giám sát VSATTP như: Phải có đủ nước sạch cho chế biến thực phẩm và vệ sinh bát đĩa, sử dụng hóa chất phụ gia đúng theo quy định...


Ông Sơn còn nhìn nhận: Việc quản lý các chất phụ gia thực phẩm cần chặt chẽ hơn nữa. Cần sắp xếp việc buôn bán hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm ở những nơi riêng lẻ, không để bán tự do và lẫn lộn hai loại hóa chất trên ở một số chợ như hiện nay. Đây có thể là một biện pháp hữu hiệu góp phần giảm sử dụng hóa chất cấm trong các loại thực phẩm một cách tùy tiện như hiện nay.


Đan Phương