10:15 11/10/2011

Nguy cơ mất ca trù ở Phú Thọ

Phú Thọ là một trong 15 địa phương của cả nước có nghệ thuật hát ca trù, nhưng hiện nay loại hình nghệ thuật này đang bị mai một, có nguy cơ biến mất khỏi cộng đồng dân cư.

Phú Thọ là một trong 15 địa phương của cả nước có nghệ thuật hát ca trù, nhưng hiện nay loại hình nghệ thuật này đang bị mai một, có nguy cơ biến mất khỏi cộng đồng dân cư.



Theo ông Tạ Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du Lịch Phú Thọ, loại hình nghệ thuật hát ca trù đã tồn tại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ rất lâu, nhưng mãi đến năm 2006, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ mới tổ chức được 2 lớp học hát cho 20 diễn viên của các đoàn nghệ thuật của tỉnh và 50 học viên yêu nghệ thuật hát ca trù tại các xã, phường trên địa bàn. Đến năm 2010, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát ca trù với 15 thành viên tham gia, tuy nhiên CLB này khó thu hút được sự quan tâm của lớp trẻ , hoạt động cầm chừng, vài ba buổi một năm.

Ca trù rất cần được bảo tồn.



Nghệ nhân dân gian duy nhất của tỉnh Phú Thọ là cụ Phạm Thị Bang ở xã Bình Bộ (Phù Ninh) được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng, năm nay đã trên 90 tuổi nay rất già yếu. Cụ cũng là người duy nhất của tỉnh Phú Thọ thuộc nhiều làn điệu hát ca trù cổ, đặc biệt là tài gõ phách. Cùng một lúc cụ có thể gõ 3 - 4 que trống trên cùng một bàn tay. Cụ Phạm Thị Bang kể: Cụ sinh ra ở huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), ngày còn trẻ, cụ và em gái nổi tiếng hát ca trù hay nhất vùng . Sau này lớn lên, cụ về tận xã Bình Bộ (Phù Ninh) lấy chồng, làn điệu ca trù đã ăn sâu vào tâm khảm và theo cụ cho đến ngày nay. Trong nghệ thuật hát ca trù, người hát phải đảm bảo đủ yếu tố như độ vang, dền, nền, nảy nhưng ít người trong giới làm được điều này. Nhưng đối với cụ Bang, cả 4 yêu tố trên đều đạt được đến trình độ chuẩn.

Mặc dù tuổi cao nhưng cụ vẫn thường hát và truyền dạy cho con cháu những làn diệu ca trù cổ, nhiệt tình tham gia hát tại các buổi tiệc làng, các buổi liên hoan, hội diễn văn nghệ của huyện, của tỉnh... Nhiều con cháu theo học cụ đã cơ bản nắm kỹ các làn điệu của ca trù, có thể tham gia hội diễn, biểu diễn phục vụ nhân dân trong làng và các làng vùng lân cận. Một trong ít các học trò của cụ là nghệ sĩ chèo Minh Luân của Đoàn chèo Phú Thọ đã đạt giải cao trong các đợt liên hoan toàn quốc về hát ca trù. Chị cũng hát và múa được nhiều làn điệu ca trù cổ và đã đạt đến trình độ chuẩn về sử dụng các loại nhạc cụ như phách, đàn đáy, gõ trống con...

Cũng theo ông Tạ Bá Khiêm, việc bảo tồn nghệ thuật hát ca trù rất khó khăn, hiện nay các nghệ nhân hát ca trù trên địa bàn tỉnh tuổi đã cao, sức yếu không còn khả năng truyền dạy trực tiếp cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, giới trẻ lại thờ ơ với nghệ thuật hát ca trù, tài liệu sơ sài, cơ sở vật chất thiếu thốn, các nhạc cụ phục vụ cho các diễn viên không có, nên việc khôi phục và bảo tồn loại hình nghệ thuật này là rất khó khăn. Mặt khác, ca trù không phải loại hình nghệ thuật nổi trội của tỉnh Phú Thọ, nên việc đầu tư khôi phục lại loại hình nghệ thuật này chưa được tỉnh quan tâm...

Để thực hiện việc bảo tồn và duy trì ca trù, tỉnh Phú Thọ cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân lão thành, đồng thời tăng cường tổ chức các lớp truyền nghề cho lớp trẻ. Tỉnh cũng nên ban hành cơ chế quản lý, tổ chức và kinh phí hoạt động cho các Câu lạc bộ ca trù, sớm đưa ca trù vào giảng dạy trong các trường nhạc, bên cạnh việc phục hồi, truyền dạy ca trù, tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật này.../.


Lâm Đào An