07:11 21/07/2020

Nguy cơ đến năm 2100 loài gấu Bắc Cực phải chật vật để sinh tồn

Một nghiên cứu mới đã đưa ra kết luận đáng báo động, theo đó đến năm 2100 loài gấu Bắc Cực sẽ chật vật để sinh tồn nếu con người không kịp thời giảm khí thải nhà kính.

Chú thích ảnh
Băng tan ảnh hưởng không nhỏ đến loài gấu Bắc Cực. Ảnh: Guardian

Kênh CNN (Mỹ) dẫn thông tin đăng trên tạp chí Nature Climate Change ngày 20/7 về cảnh báo này.
Theo đó nếu tình trạng khí thải nhà kính không được xử lý, đến cuối thế kỷ này gấu Bắc Cực sẽ chỉ còn xuất hiện ở quần đảo Nữ hoàng Elizabeth (Canada).

Trong trường hợp khí thải nhà kính thuyên giảm thì đến 2080 “dân số” gấu Bắc Cực vẫn sẽ theo đà giảm.

Ông Péter K. Molnár tại Đại học Toronto Scarborough nhận xét vào mùa đông, loài gấu Bắc Cực săn hải cầu để lấy năng lượng sinh tồn trong những tháng mùa hè khi băng tan và chúng buộc phải tiến sâu vào đất liền.

Nhưng trong những thập niên gần đây, băng tan dần và gấu Bắc Cực buộc phải sống trong khoảng thời gian dài không có thức ăn. Ông Péter K. Molnár nhấn mạnh rằng gấu Bắc Cực cần thức ăn và để tồn tại và do vậy băng là thứ không thể thiếu. Do vậy, ông Péter K. Molnár nói con người cần kiểm soát biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu do ông Péter K. Molnár nhận thấy quãng thời gian gấu Bắc Cực tồn tại không cần thức ăn khác biệt dựa trên tình trạng của cá thể gấu. Nhưng gấu con sẽ chịu tác động đầu tiên, tiếp đó là gấu mẹ. Gấu cái trưởng thành chưa có con có khả năng chịu đói trong 255 ngày.

Trong khoảng thời gian từ 2007-2019 là 13 năm có lượng băng trên biển thấp nhất trong mùa hè. Dữ liệu này thu thập qua vệ tinh từ năm 1979. Kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Bắc Cực đã trải qua tình trạng ấm lên tăng gấp đôi so với trung bình toàn cầu.

Một nghiên cứu khác từng cảnh báo rằng nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được xử lý thì đến năm 2040 hoặc 2050 Bắc Cực phải đối mặt với nguy cơ không còn băng.

Hà Linh/Báo Tin tức