10:07 17/10/2016

Nguy cơ chạy đua vũ trang mới trên vũ trụ

Với những vệ tinh sát thủ, vũ khí laze gây mù, thiết bị phá sóng tinh vi, các cường quốc quân sự thế giới đang lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến ngoài không gian - kích động một cuộc chạy đua vũ khí mới đầy nguy hiểm.

Giới chức quân sự Mỹ trong những năm gần đây đã lên tiếng cảnh báo về khả năng các vệ tinh của họ - nền móng cho sức mạnh quân sự của Mỹ - bị gây tổn hại. Ban đầu chỉ dành riêng cho Mỹ và Liên Xô, nhưng giờ đây vũ trụ đã trở thành nơi mà ngày càng nhiều các quốc gia và các hãng tư nhân có thể tiếp cận được.

Và Moskva với Bắc Kinh đang ra sức thể hiện các khả năng tấn công vũ trụ của mình, gây nên mối lo ngại sâu sắc cho các nhà chiến lược Mỹ. Tư lệnh Không quân Mỹ Deborah Lee tại một sự kiện hồi tháng trước đã phát biểu: “Chúng ta đang thay đổi văn hóa trong hoạt động vũ trụ bởi vì chúng ta cần phải hiểu được … những gì sẽ xảy ra nếu một cuộc xung đột trên Trái đất được mở rộng lên tới trên Vũ trụ. Làm cách nào chúng ta bảo vệ được những tài sản của chúng ta?”.

Tên lửa Trường Chinh-2D mang theo vệ tinh Thiên Hội-1C được Trung Quốc phóng lên vũ trụ tháng 10/2015. Ảnh: Tân Hoa xã

Năm 2015, hành vi đầy bí ẩn của một vệ tinh Nga đã gây ra những đồn đoán về khả năng Moskva đang phát triển các vệ tinh tấn công có khả năng hoạt động và tiếp cận mục tiêu trong không gian. Không hề cảnh báo hay giải thích, vệ tinh này trong vài tháng tự mình di chuyển vào vị trí giữa hai vệ tinh Intelsat trong quỹ đạo địa tĩnh, tiến lại gần một vệ tinh Intelsat trong khoảng cách 10 km trước khi lại di chuyển ra xa.

Trung Quốc cũng đã thể hiện khả năng đưa các vệ tinh nhỏ, quỹ đạo thấp, có khả năng tác động tới một vệ tinh khác. Teresa Hitchens, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh thuộc Đại học Maryland, cho biết năm 2013, Trung Quốc đã phóng 3 vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo, trong đó một vệ tinh có cánh tay rô-bốt.

Theo Lầu Năm Góc và nhiều chuyên gia Mỹ, rõ ràng Washington cần đẩy mạnh các nỗ lực quân sự trong không gian, và không để hệ thống thông tin liên lạc của mình trở thành gót chân Asin của lực lượng quân đội. Tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Vũ trụ của Lực lượng Không quân Mỹ, hồi tháng 9 nói với các nghị sĩ: “Bộ Quốc phòng đã tích cực hành động để tăng cường phản ứng trước những động thái mà chúng ta thấy từ phía Trung Quốc và Nga. Tôi cho rằng chúng ta cần phải tiến nhanh hơn nữa trong các hành động phản ứng”.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng Mỹ nên tỏ ra kiềm chế, và nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc có thể đã sở hữu một số vũ khí tấn công mà Trung Quốc và Nga đang hy vọng có được. Bà Samson nói: “Tôi cho rằng một số nhân vật trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ đang thổi phồng về việc họ chưa bao giờ cảm thấy yên tâm khi Mỹ đang mất đi vai trò cường quốc chi phối trên vũ trụ”.

Sau năm 2004, Mỹ đã có được trạm phá sóng di động mà có thể ngăn chặn việc truyền thông tin qua vệ tinh ngay từ mặt đất. Mỹ cũng đã thử nghiệm sử dụng tên lửa để phá hủy vệ tinh và mới đây đã chế tạo được 4 vệ tinh có thể được phóng vào quỹ đạo và theo dõi hoặc giám sát các vật thể khác trong không gian.

Nhà nghiên cứu Hitchens cho rằng Nga và Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi kịp bước tiến của Mỹ. Bà nói: “Nó dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ, nơi mọi người bắt đầu phát triển mọi thứ vì mục tiêu thực tế”.

Chiến tranh không gian có thể sẽ mang lại hậu quả thảm khốc cho nhân loại, khi một vệ tinh phát nổ sẽ tạo ra một loạt mảnh vỡ mà có thể hủy hoại các vệ tinh khác trong dây chuyền phản ứng. Bà Hitchens nói: “Chúng ta đang ở vị thế vô cùng nguy hiểm hiện nay: nếu chúng ta thực sự rơi vào cuộc chiến có sử dụng vũ khí hủy diệt vệ tinh, thì chúng ta sẽ hủy hoại môi trường vũ trụ đến mức độ chúng ta sẽ khó có thể đạt được những lợi ích như những gì các vệ tinh mang lại cho xã hội”.
TTXVN/Tin Tức