05:10 17/05/2012

Nguồn thủy sinh sông Nậm Rốm đang bị “tận diệt”

Những ngày qua,hàng trăm người dân ở các xã ven đô thành phố Điện Biên Phủ đổ xô về sông Nậm Rốm để khai thác, đánh bắt tôm, cua, cá. Điều nguy hại là hàng trăm con người về đây với muôn vàn cách thức khai thác, đặc biệt là dùng xung điện, bình kích để “tận diệt” thuỷ sinh.

Những ngày qua, tại tỉnh Điện Biên đã xuất hiện một “sự lạ” khi hàng trăm người dân ở các xã ven đô thành phố Điện Biên Phủ đổ xô về sông Nậm Rốm để khai thác, đánh bắt tôm, cua, cá. Điều nguy hại là hàng trăm con người về đây với muôn vàn cách thức khai thác, đặc biệt là dùng xung điện, bình kích để “tận diệt” thuỷ sinh.

Tại các phường Mường Thanh, Tân Thanh thuộc thành phố Điện Biên Phủ nơi dòng Nậm Rốm chảy qua, mặc cho cái nắng của miền Tây Bắc đang như đổ lửa, nhưng trên các ngả đường từ các xã như Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông (huyện Điện Biên)... người dân vẫn tấp nập kéo về lưu vực sông Nậm Rốm để tận thu, khai thác thuỷ sản. Phương tiện đánh, bắt giản đơn và thủ công là chài, lưới, vó, lu..., hiện đại hơn là những bình xung điện có giá lên tới vài triệu đồng.

Trên chiều dài hàng trăm mét nối dài từ cầu Thanh Bình, qua cầu Mường Thanh dẫn đến cầu Mới (Quốc lộ 12 nối dài) thuộc 2 phường Tân Thanh, Mường Thanh của thành phố Điện Biên Phủ là cảnh hàng trăm người dân già trẻ, lớn bé, gái trai “dàn trận” trên lòng sông để tận thu tôm, cua, cá. Như biết rõ lợi thế, hiệu dụng của các phương tiện mình mang đi đánh bắt thuỷ sản, ở những chỗ nước đục, dòng chảy mạnh, có độ sâu là những tay chài, lưới tìm đến hành nghề.

Ngược lại ở những chỗ dòng chảy yếu, nước nông là địa bàn các bà, các chị đứng ngồi “phục” tôm, cá để tung vợt. Nhưng thế mạnh của cánh dùng bình kích, xung điện thì tỏ ra vượt trội: Mọi vị trí, địa bàn nông sâu, bờ cỏ, lau lách... đều có thể “hoành hành” được. Kẻ tung vó, quăng chài, người chao vợt, hì hục dậm lu, hớt rổ, rá..., tiếng nói cười, tiếng gọi nhau khi phát hiện ra điểm có tôm, cá của hàng trăm con người đã làm không khí thêm ồn ào.

Càng về cuối chiều, người dân kéo về khu vực này càng đông, việc khai thác theo kiểu mạnh ai nấy làm đã làm càng khiến khúc sông ngay giữa lòng thành phố thêm huyên náo. Trên các điểm cầu Mường Thanh, Thanh Bình, cầu Mới, Quốc lộ 12 (nối dài) người đi đường thấy lạ nên đã dừng xe, đứng ngồi xem rất đông, gây cản trở giao thông, đi lại. Nhiều tư thương buôn bán ở các chợ trên địa bàn cũng ra đây để thu mua tôm cá của người dân.

 

Cảnh người dân đánh bắt cá ồ ạt trên sông Nậm Rốm không chỉ xảy ra tại 3 điểm cầu nêu trên mà suốt chiều dài trên 20 km từ khu vực chân cầu Thanh Bình chạy ngược dòng sông lên các xã Thanh Xương, Sam Mứn, cầu C4...


Theo nhiều người đánh bắt thuỷ sản ở đây cho hay, để “đi trước, đón đầu” nguồn tôm cá, nắm cơ hội hơn thì lưu vực sông thuộc các điểm chân cầu Mường Thanh, Thanh Bình, cầu Mới mới là “địa hạt chuẩn” vì ở đây diện tích lòng sông tương đối rộng, mực nước sâu và lưu lượng dòng chảy vừa phải nên thuận tiện cho việc tung vó, quăng chài, thả kích, chao vợt hay mò bắt bằng tay không...

 

Tìm hiểu về hiện tượng người dân ồ ạt đi khai thác thuỷ sản trên sông Nậm Rốm, đại diện Công ty TNHH Quản lý thuỷ nông Điện Biên cho biết, ngày 15/5 đơn vị cho mở cống đập đầu mối Huổi Phạ (xây dựng từ năm 1963), thuộc phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ để xả bùn, cát, nạo vét hệ thống kênh mương theo định kỳ nhằm đảm bảo sự hoạt động cho công trình. Ngày 25/5, đơn vị sẽ mở nước để phục vụ sản xuất lúa mùa, năm 2012. Lịch đóng, mở nước của Công ty đã thực hiện theo Thông báo số 52 (căn cứ trên nội dung làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành ngày 9/5) đến các đơn vị dùng nước; các đơn vị cụm, trạm trong toàn công ty.

 

Việc Công ty TNHH Quản lý thuỷ nông Điện Biên thực hiện xả cát, đất tránh bồi lắng đập đầu mối là việc làm đúng, có lợi. Tuy vậy, khi người dân đổ xô đi khai thác thuỷ sản trên sông Nậm Rốm - dòng sông là chứng nhân lịch sử, niềm tự hào của người dân đất "Mường Trời", thì cái hại nhãn tiền đã thấy. Rất mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp để quản lý tốt nguồn lợi thuỷ sinh trên con sông này trước hành động người dân khai thác một cách vô tội vạ.

Xuân Tiến