07:17 31/07/2020

Nguồn cung hàng hóa dồi dào dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Tại nhiều địa phương, nguồn cung hàng hóa, lương thực thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… được các doanh nghiệp chuẩn bị dồi dào, đáp ứng nhu cầu cho người dân trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh
Người dân đến mua hàng hóa tại Vinmart+ Bạch Mai (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chiều 31/7. Ảnh: Minh Phương.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thị trường hàng hóa tháng 7 tương đối sôi động với các hoạt động kích cầu, khuyến mại theo các chương trình xúc tiến thương mại Bộ Công Thương và các địa phương phát động, triển khai. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, tương đối ổn định. Trong giai đoạn này, do vào mùa nắng nóng, học sinh đang nghỉ hè nên nhu cầu du lịch, dịch vụ cũng tăng cao, thị trường sôi động.

Tuy nhiên, sau khi Đà Nẵng, Quảng Nam công bố các ca mắc COVID-19, thực hiện cách ly toàn thành phố Đà Nẵng, tâm lý người dân đã e ngại hơn, nhu cầu đi du lịch giảm. Trong giai đoạn Đà Nẵng và Quảng Nam công bố có người mắc COVID-19, các địa phương, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó đã chủ động hàng hóa thực phẩm thiết yếu cung ứng đầy đủ, giá cả ổn định.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong đợt dịch lần trước, Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa và hướng dẫn các địa phương triển khai theo đúng các kịch bản đã đề ra. Nay dịch bùng phát trở lại, Bộ Công Thương đã kích hoạt lại các kịch bản này. Đồng thời, căn cứ theo tình hình thực tế, có công văn gửi các địa phương, doanh nghiệp về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thực phẩm thiết yếu.

Đại diện Vincommerce cho biết, từ ngày 24/7, sau khi Bộ Y tế  công bố ca nhiễm COVID-19 thứ 416 tại Việt Nam; toàn bộ gần 3.000 cơ sở kinh doanh bán lẻ của Vincommerce (131 siêu thị VinMart và 2900 cửa hàng VinMart+) luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa. Theo đó, 100% siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ đảm bảo đủ số lượng hàng hóa thiết yếu đã cam kết với địa phương, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. 

Đặc biệt, với danh mục hàng hóa thiết yếu như gạo, mỳ omachi, rau sạch VinEco, thịt sạch MEATdeli, nước mắm, nước tương Chin-su, nước tinh khiết của Vincommerce nói riêng và Tập đoàn Masan nói chung cam kết không tăng giá bán, luôn sẵn có tại mỗi cửa hàng.

“VinCommerce đã chuẩn bị hơn 2,5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn; hơn 3 triệu chai nước rửa tay các loại cho thời gian ngắn hạn tới hết tháng 9/2020. Theo diễn biến tình hình dịch bệnh, VinCommerce xây dựng các kịch bản để cam kết đầy đủ hàng hóa, hỗ trợ phục vụ nhu cầu của người dân và phòng chống dịch bệnh”, đại diện VinCommerce cho biết.

Ghi nhận trong những ngày vừa qua tại hệ thống Siêu thị VinMart và VinMart+ chỉ có sự biến động nhẹ ở thị trường miền Trung; miền Bắc và miền Nam thị trường khẩu trang, nước rửa tay, nhu yếu phẩm tương đối ổn định. 

Chú thích ảnh
Hàng hóa thiết yếu vẫn đầy đủ tại siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng. Ảnh chụp chiều 31/7. Ảnh: Phạm Hùng.

Tại Đà Nẵng, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, Sở Công Thương Đà Nẵng đã có công văn gửi các đơn vị như: Trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, vật tư, thiết bị y tế... trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xây dựng kế hoạch cân đối, dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ số lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường.

Tuy nhiên, do tâm lý người dân lo lắng, tối 29/7 và sáng 30/7, trên địa bàn thành phố đã xảy ra tình trạng nhiều người dân đổ xô đi mua hàng về tích trữ. Tuy nhiên hàng hóa tại các chợ, siêu thị của thành phố Đà Nẵng vẫn hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa, hàng hóa không bị đứt đoạn và liên tục về hàng ngày.

Anh Hoàng Long (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho biết, những ngày trước cũng có tình trạng người dân tại một số nơi ở Đà Nẵng đổ xô đi mua đồ tích trữ. Tuy nhiên nhà anh  Long vẫn chỉ đi chợ, siêu thị mua đồ ăn uống đủ cho 2-3 ngày như mọi khi.

“Tôi và người thân trong gia đình có đến một số siêu thị như Mega Market, Vinmart, Lote đều thấy hàng hóa đầy ắp, các mặt hàng thiết yếu như rau, thịt... như mọi khi. Còn nước rửa tay, khẩu trang vải cũng không thiếu, khẩu trang y tế ở nhiều nơi vẫn giữ giá 80.000-100.000 đồng/hộp 50 cái”, anh Long cho biết.

Cùng với việc đáp ứng cung cầu hàng hóa, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng đặc biệt được Bộ Công Thương quan tâm triển khai. Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, ngay từ khi dịch bùng phát, Tổng Cục đã chi đạo lực lượng QLTT địa phương toàn quốc tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường. Trong đó tập trung vào mặt hàng trang thiết bị y tế và lương thực thực phẩm. Tại nhiều địa phương như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, An Giang... lực lượng QLTT đã kiểm tra và phát hiện nhiều khẩu trang không rõ nguồn gốc và hóa đơn chứng từ.

Chú thích ảnh
Tại Mega Market Hoàng Mai, hàng hóa vẫn đầy ắp. Ảnh: Thu Trang.

Tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, tại các siêu thị lớn như Mega Market Hoàng Mai, Vinmart Yên Sở cùng với hệ thống cửa hàng Vinmart +, các hàng hóa thiết yếu vẫn rất dồi dào, không có hiện tượng người dân chen lấn, đi mua hàng tích trữ. Tại các siêu thị, khẩu trang vải cũng được bày bán, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Ngay sau khi Hà Nội có công điện, ngành Công Thương Thủ đô đã ban hành công văn đến hệ thống các trung tâm siêu thị, cửa hàng thương mại đề xuất rà soát, bổ sung nguồn hàng theo đúng phương án thành phố yêu cầu.

Tháng 6 vừa qua, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường từ tháng 6/2020 đến tháng 4/2021, trong đó tập trung triển khai đến các doanh nghiệp trên thành phố về việc tăng cường dự trữ hàng hóa. Đồng thời ban hành kế hoạch bình ổn thị trường.

Đồng thời, Sở Công Thương cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. Rà soát các doanh nghiệp sản xuất nước sát khuẩn và khẩu trang phục vụ người dân.

“Trong đợt dịch đầu năm, nhiều doanh nghiệp đổ xô đi sản xuất khẩu trang. Trong đó khẩu trang y tế tiêu thụ tốt, còn khẩu trang vải tiêu thụ khó khăn hơn khi dịch cơ bản được kiểm soát. Lần này, các doanh nghiệp sẵn sàng đưa hàng ra kinh doanh, đảm bảo đủ phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Trong ngày 29/7, Sở Công Thương Hà Nội đã đi khảo sát thị trường và nhận thấy mặt hàng khẩu trang y tế có dấu hiệu tăng giá. Sở Công Thương Hà Nội đề nghị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra ngay các cơ sở bán mặt hàng này để không xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước, dịch bệnh COVID-19 đang quay lại và diễn biến khó lường. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xây dựng các kịch bản liên quan đến đối phó với dịch trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ của Tổ điều hành. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ, căn cứ theo các kịch bản đã đề ra, xem xét các yếu tố biến động mới của thị trường để tiếp tục triển khai các giải pháp sẵn sàng đối phó với dịch COVID-19. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo ổn định thị trường, không để thiếu hàng, sốt giá.

Thu Trang/Báo Tin tức