02:10 20/02/2016

Người tuổi Thân

Loang loáng trong hàng trăm khuôn mặt dưới sân ga, chợt Thân nhoáng thấy khuôn mặt vô cùng quen thuộc của cô bé hàng xóm. Cô bé ấy học sau Thân ba lớp, thường ngày vẫn sang Thân hỏi bài vở. Có lần còn bị anh mắng vì tội không thuộc 7 hằng đẳng thức…

Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Tôi đây thì lại bùi ngùi tuổi Thân…
(Ca dao)

Ngẫm cuộc đời và cái tuổi mình, ông Thân thấy cũng đôi lúc ngậm ngùi thật.

Đang là học sinh phổ thông năm cuối, chàng trai Thân “xém” xung phong lên đường nhập ngũ. Ngày ra đi, đoàn tàu chở tân binh rùng rùng chuyển bánh. Một rừng cánh tay phía dưới vẫy vẫy. Bao khuôn mặt quen và không quen nhòe nước. Thân và các tân binh khác cũng giơ tay vẫy rồi gào to “Thống nhất… thống nhất”.

Loang loáng trong hàng trăm khuôn mặt dưới sân ga, chợt Thân nhoáng thấy khuôn mặt vô cùng quen thuộc của cô bé hàng xóm. Cô bé ấy học sau Thân ba lớp, thường ngày vẫn sang Thân hỏi bài vở. Có lần còn bị anh mắng vì tội không thuộc 7 hằng đẳng thức… Vậy mà thấy cô bé đứng đó, trân trân nhìn mình, chàng trai vô tư nhe hàm răng trắng nhởn vẫy vẫy. Cô bé òa khóc, rồi quay đầu chạy...

… Sau bảy năm, Thân xuất ngũ. Mẹ giục anh nhanh chóng yên bề gia thất rồi chép miệng “Cái con bé Quyên, mấy năm rồi, năm nào cũng ngóng chờ con mà chẳng có lấy một lá thư, một lời hỏi thăm nó một câu. Rồi cuối cùng phải lấy chồng, theo chồng về tận Thái Bình rồi! Rõ khổ! Trước hôm cưới, cứ ôm mẹ khóc. Rồi cuối cùng chỉ nói một câu nếu bác viết thư cho anh Thân thì cho cháu gửi lời hỏi thăm anh ấy!”.

Minh họa: Trần Thắng

Nghe mẹ kể, Thân chết lặng. Quả thật, bảy năm quân ngũ, sống giữa lằn ranh sự sống và cái chết, chưa bao giờ Thân nghĩ về cô bé ấy. Có chăng chỉ là những kỷ niệm gia đình, làng xóm, có thấp thoáng bóng cô bé lúc lắc tóc đuôi gà sang nhà anh học bài. Thôi. Cũng coi như một kỷ niệm…

Thân lấy vợ là cô giáo mầm non dạy học cạnh nhà. Chuyện chẳng có gì đáng kể khi con trai của Thân mới được gần một tuổi thì vợ anh bị ung thư xương và ra đi rất nhanh…

Vậy đó… đã gần 30 năm, Thân đơn lẻ nuôi con, chăm sóc bố mẹ. Thân lầm lũi, cắm mặt vào đồng ruộng, khi nông nhàn thì đi làm thuê làm mướn. Rồi các cụ lần lượt về với tiên tổ. Thằng Tuấn học xong đại học, nhận công tác trên tỉnh và đã lập gia đình. Ông Thân lên chức ông nội được vài năm và vẫn ở một mình trong căn nhà các cụ để lại. Con trai thương cha, mỗi lần đưa vợ con về, lại giục cha lấy vợ. Ông chỉ ậm ừ. Nhiều lúc ông đùa “Cách đây mười năm cha còn đi bước nữa được. Chứ bây giờ già rồi. Thôi! Nghỉ! Nghỉ cho khỏe!”.

Mấy hôm trước, ông nhận được cú điện thoại của con trai. Sau những câu hỏi thăm thông thường, cậu con trai nói giọng bí ẩn “Cha nói chuyện với một người quen của cha nhé”. Đầu dây bên kia là tiếng nói của một người đàn bà “Ông Thân à! Ông nhận ra tôi không? Quyên hàng xóm ông đây…” . Thì ra cậu con trai trước đây đã từng nghe bà nội kể về cô Quyên, từng rất yêu bố nhưng bố vô tình. Cậu đã xin nghỉ vài hôm về tận nhà cô ấy để gặp gỡ, thăm dò…

Qua câu chuyện, ông Thân được biết, cách đây gần chục năm, chồng Quyên đã mất vì bạo bệnh. Cậu con trai duy nhất công tác và lấy vợ mãi ngoài Hà Nội. Quyên cũng ở một mình...

- Tôi nhớ làng mình lắm ông ạ. 30 năm xa làng, tôi chưa có dịp về lại lần nào. Không biết làng mình giờ ra sao?

… Cả đêm đó ông Thân không ngủ. Quá khứ như thước phim quay chậm. Ông nhớ cô bé hàng xóm đen nhẻm, tóc buộc đuôi gà nhảy chân sáo sang nhà hỏi ông bài tập… Ông nhớ đôi mắt nhòe nước của cô bé ấy trên sân ga ngày ông nhập ngũ. Kỳ lạ sao, trong ngần ấy năm ở quê, hình bóng của cô bé ấy luôn lu mờ trong ông? Vậy mà chỉ sau cuộc nói chuyện qua điện thoại, quá khứ kỷ niệm ào ào tới, quấy bùng tâm trí ông.

Lan man, ông nghĩ đến sợi dây liên lạc cho ông gặp lại ngày xưa…

Tuấn đang làm việc trên tỉnh, nhiều lần về đón ông lên ở cùng, nhưng lần nào ông cũng chỉ ở với con cháu vài ngày lại ngoay ngoảy đòi về vì không chịu được cảnh ăn không ngồi rồi. Nhiều lần, Tuấn bắt gặp cha ngồi ở sân đăm đăm nhìn vô định khiến Tuấn nao nao. Gần ba chục năm nuôi con, từ đứa bé sài đẹn, quặt quẹo vì thiếu sữa mẹ, hơi mẹ đến bây giờ là một công chức có một gia đình hạnh phúc công ơn ấy nặng như nước Biển Đông mà cha vẫn chưa nghĩ một chút gì cho mình, chưa biết sống cho mình. Liệu mình có ích kỷ khi không tìm cho cha nguồn hạnh phúc sưởi ấm phần đời còn lại của cha?

Công cuộc tìm người xưa cho cha được vợ chồng Tuấn bí mật thực hiện.

Tuấn xin nghỉ tranh thủ vài hôm về Thái Bình, theo địa chỉ mà người quen gia đình “bé Quyên” cho. Không vất vả lắm, Tuấn đã tìm ra “bé Quyên” trong ngôi nhà của bà ở một con ngõ hẻm. Tiếp chuyện anh là người phụ nữ nhỏ bé, nhưng rất mặn mà. Tuấn giới thiệu và sơ qua tình hình làng quê cho bà nghe. Khi kể về bố mình, Tuấn chăm chú theo dõi từng thay đổi trên nét mặt người phụ nữ. Bà cúi xuống, hàng mi run run, mắt đỏ hoe.

- Nhiều đêm không ngủ, cô hay nhớ về ngày xưa. Làng mình, nghèo nhưng tình nghĩa lắm. Chiến tranh, bao trai tráng ra trận, bao người ngóng chờ mà thất vọng cháu ơi!

Bà sụt sịt. Tuấn dò thêm về hoàn cảnh của bà. Hơn chục năm nay, bà Quyên ở vậy nuôi con ăn học và bây giờ công ăn việc làm ổn định, nhà mãi trên Hà Nội... Khi chia tay, bà nắm mãi tay Tuấn “Cháu nhớ cho cô gửi lời thăm bố cháu…”.

Sợi dây liên lạc cực kỳ nhanh và thuận lợi cứ như có người chỉ đường, dẫn lối vậy. Sau lần ấy, Tuấn âm thầm dò ý cha. Rằng nếu gặp người tâm đầu ý hợp hoặc người đã biết cha từ trước, giờ muốn về ở cùng cha liệu cha có ưng? Ông Thân lần nào cũng dứt khoát “Bố bảo không là không! Ai lại mấy chục năm khổ cực trăm bề còn ở một mình được. Giờ già rồi, con cháu đề huề lại đổ đốn ra!”. Ông Thân nhăn mặt, phẩy tay, đi ra cửa. Tuấn biết đó chính là thái độ không bằng lòng của cha.

Không nản lòng, Tuấn điện thoại làm quen với người con duy nhất của bà Quyên. Rồi hai anh em gặp nhau. Hơn Tuấn 5 tuổi nhưng Hòa - con trai bà Quyên rất thanh niên tính. Khi Tuấn ướm chuyện mối manh cho mẹ đi bước nữa, Hòa nắm chặt tay Tuấn: “Tình cờ thế nào mà ông với tôi giống nhau. Hai nhà chúng ta cũng giống nhau. Nhất trí! Nhất trí! Nói thật nhiều lúc thấy cụ bà hom hem bên vườn rau mà mình thương đến thắt ruột… Để các cụ cô đơn trong chính căn nhà của mình là tội của những người con đấy”…

Những ngày cuối năm đi qua nhanh chóng. Cái rét ngọt cuối đông cứ len lỏi tê tái. Ông Thân quanh quẩn bên chậu hồng trà. Vài ngày nữa đến ngày giỗ bà ấy, cũng là ngày cuối năm. Nhanh quá. Vậy là bà ấy đi gần ba chục năm rồi… Đang nghĩ miên man, có tiếng xe máy đầu ngõ… ông quay ra, thấy con trai hơn hớn về đến sân. Nó cười tươi:

- Hôm nay con mang về cho bố “món quà” này.

Một người đàn bà bước vào sân, ngượng nghịu:

- Ông Thân ơi! Tôi quên hằng đẳng thức thứ 4 rồi. Tôi đến nhờ ông giảng cho đây!

Trời! Đúng là cô ấy của ngày xưa. Tuy da có một chút nhăn nheo, tuy mái đầu có một chút tóc bạc nhưng đôi mắt ấy không thể lẫn vào đâu được.

- Ba mươi năm rồi, mà tôi nhận ra cô ngay.

- Ông cũng vẫn thế.

- Tất nhiên chúng ta già rồi…

Tuấn lấy cớ phóng xe sang nhà bạn. Trong nhà, đôi bạn già vẫn tiếp tục kể mãi chuyện ngày xưa… “Ông còn nhớ hôm ý…” “Ờ tôi vẫn nhớ. Thế cô còn nhớ…”…

Thoáng cả hai bâng khuâng về một miền ký ức xa lắc xa lơ mà cứ tưởng như mới ngày nào. Đâu chỉ có ký ức xa xôi mà gần gũi đó, cả hai ông bà đều có những khoảng buồn trầm lắng. Ấy là những lúc cuộc đời đã cướp mất những người thân yêu nhất của mình. Kể cũng lạ, cuộc đời của cả hai ông bà có những sự trùng hợp và quan trọng nhất các con của ông, bà đều quan tâm săn sóc bố, mẹ…

Ông phá tan bầu yên lặng:

- Lâu lắm rồi, cô mới về làng cũ. Kế hoạch của cô thế nào?

- …

- Là tôi nói cô còn đi thăm ai nữa không?

Bà Quyên nhìn ông với cái nhìn lạ lẫm. Một lúc sau bà mới chậm rãi:

- Lần đi này tôi có hai ý định. Thứ nhất là thăm lại làng cũ, quê hương thứ hai của tôi. Thứ nữa là đến thắp cho các cụ và bà ấy nén hương tưởng nhớ…

- ...

Bà nghẹn ngào: … Rồi tôi lại về nhà. Các cháu chắc mong tôi lắm…

Ông Thân ngồi lặng. Trong thâm tâm ông muốn giữ bà ở lại vài hôm, nhưng ông không thể nói nên lời. Bà Quyên đứng dậy ra bàn thờ thắp thêm nén hương, đứng lặng trước di ảnh của những người quá cố. Một lúc lâu sau, bà sụt sịt quay ra:

- Đến thăm ông, thấy ông khỏe mạnh là tôi mừng lắm rồi. Giờ cho phép tôi được về, không thì chậm chuyến xe khách.

Ông Thân hốt hoảng đứng vụt dậy, nắm tay bà:

- Hôm nay bà ở lại đây. Mai về. Chúng ta còn bao nhiêu chuyện muốn nói.

Bà nhẹ nhàng gỡ tay ông:

- Tôi cần về. Chuyện nào chưa nói hết thì nói sau cũng được ông à!

Ông Thân buông tay bà trong tiếc nuối. Thực lòng, ông không muốn xa bà lúc này, nhưng thấy thái độ bà ấy có vẻ kiên quyết ông đành chịu…

Kể từ lúc bà Quyên ra khỏi nhà, ông Thân cảm thấy có gì rất lạ chen vào ngổn ngang trong ông. Ngồi phịch xuống ghế mà thấy căn nhà đột nhiên rộng rãi quá. Bộ ấm chén sao mà thừa thãi. Đêm nằm mà thấy giường thênh thang. Hết nghĩ đến bà Quyên, ông lại thấy hình bóng mẹ thằng Tuấn hiện về cười cười…

Lại một đêm không ngủ, cái lạnh tê tái len lỏi vào từng mạch máu, tế bào. Cái lạnh núp dưới cái tên LẺ BÓNG thật khắc nghiệt. Ông nhớ từng chi tiết cuộc gặp gỡ với bà Quyên. Ông nhớ ánh mắt lạ lẫm của bà khi ông hỏi đến mục đích chuyến đi chơi… Ông chợt bật dậy, vớ điện thoại gọi bà.

Chuông vừa đổ, đầu máy bên kia đã nhấc máy như đang chờ sẵn:

- A lô!

- Quyên đấy ư? Tôi… Tôi… anh… anh Thân đây…

Rồi ông nói nhanh như sợ bị chặn “… Anh không thể… không thể không gọi cho em… sau cuộc gặp gỡ hôm qua, anh thấy mình không thể...”.

Ông như bị hụt hơi. Bà Quyên nhẹ nhàng “Anh cứ bình tĩnh, sao như bị ai đuổi đánh vậy?”...

Sau cuộc nói chuyện hàng tiếng đồng hồ với bà Quyên, ông Thân ngủ một giấc thật sâu đến tận sáng bảnh mắt mới dậy.

Bên ngoài xuân đang đến nhè nhẹ. Sắp sang xuân Bính Thân rồi.

Ờ. Năm nay mình vừa tròn Lục thập Hoa giáp.

Ông mỉm cười, bâng khuâng.

Một vòng đời mới lại tiếp tục nở hoa chăng?

Trần Thị Minh