01:12 25/01/2016

Người trẻ trên sân chơi tình nguyện

Sau một đêm đường dài và quanh co lạc lối trên chiếc xe ô tô ghế ngồi, đoàn tình nguyện Tủ sách Giấc mơ đặt chân đến xã Tả Van, huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai vào một buổi sáng tháng một nhiều sương và gió lạnh của núi đồi.

Dự án TSGM triển khai tại lớp 4, trường tiểu học Tả Van, xã Tả Van, huyện Sa Pa.

Tủ sách Giấc mơ (TSGM) là một dự án của tổ chức Giấc mơ Việt Nam (GMVN), có mục tiêu nâng cao năng lực, thói quen đọc sách cho học sinh dân tộc miền núi thông qua mô hình thư viện lớp học. Bước sang năm thứ ba, kế thừa những kinh nghiệm đã được đúc rút, TSGM tiếp tục mở rộng dự án đến trường tiểu học và THCS Tả Van, xã Tả Van huyện Sa Pa, điểm trường có đối tượng học sinh chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, không có nhiều điều kiện tiếp cận sách vở và các nguồn thông tin khác.

Trong các năm trước, mô hình tủ sách lớp học dự án TSGV đã được triển khai tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình và huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu và chứng minh là một mô hình có hiệu quả với học sinh bán trú, học sinh dân tộc nội trú trên phương diện thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen học tập. Ngày chưa có TSGM, học sinh trường THCS Đồng Nghê, xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình hầu như không có thói quen đọc sách. Nhưng điểm cuối hành trình của dự án ghi nhận con đường tri thức của học sinh đã có sự biến chuyển.

"Giáo dục là một quá trình lâu dài, không thể ngày một ngày hai cho ra kết quả. Điều chúng tôi tìm kiếm không nằm ngay trước mắt và có thể thấy được ngay. Đâu đó người ta từng nói, một cuốn sách có thể thay đổi số phận một con người. Việc thay đổi nhận thức của học sinh sẽ giúp các em thay đổi hành động, thay đổi tương lai của chính mình", anh Nguyễn Hoàng Việt nói.

Trong một năm triển khai TSGM, trung bình mỗi học sinh đọc từ 6 – 7 đầu sách các em yêu thích từ thư viện lớp học gần 100 quyển thuộc nhiều mảng khác nhau: văn hóa, xã hội, truyện tranh, sách tham khảo... Đáng mừng hơn, không chỉ dừng lại ở vai trò thụ động là đối tượng thụ hưởng cái sẵn có, chính học sinh đã chủ động tìm đọc thêm thông tin ở các nguồn sách khác.

Việc hình thành thói quen đọc sách, một cách rất tự nhiên và tất yếu, kéo theo sự thay đổi trong thế giới quan và nhận thức về nghề nghiệp tương lai. Ở giai đoạn khởi động của dự án TSGM năm 2015 tại xã Tả Ngao, huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu, giấc mơ nghề nghiệp của học sinh là những nghề trong tầm mắt như giáo viên, bộ đội, công an. Nhưng sau một năm đồng hành, giấc mơ của các em đã có thêm nghề kĩ sư, làm bác sĩ, làm nghề nghiên cứu hay lái xe... Riêng với học sinh nội trú, ý thức học tập được nâng lên khi đọc sách trở thành thói quen mới ngoài giờ lên lớp thay vì những trò tiêu khiển giết thời gian khác.

Anh Nguyễn Hoàng Việt, trưởng ban điều phối dự án TSGM đánh giá, cùng với việc tham gia dự án, các em học sinh có sự trưởng thành rõ rệt, nhất là về sự tự tin. Không chỉ học sinh hình thành thói quen đọc sách, chính các bậc phụ huynh cũng thay đổi cách nghĩ về việc đọc sách, từ chỗ không quan tâm đến ủng hộ về mặt tinh thần. Bản thân chính quyền địa phương cũng như các thầy cô giáo tại các điểm trường đều đồng tình ủng hộ mô hình tủ sách lớp học và mong muốn dự án tiếp tục triển khai.


Vẫn là chơi để... học


Để một dự án TSGM hoạt động trôi chảy, đạt được kết quả và có tác động rõ rệt, một nhân tố quan trọng chính là đội ngũ tình nguyện viên (TNV) được tuyển qua mỗi dự án. Họ chính là những đại sứ giấc mơ, có cam kết với dự án về thời gian, có kinh nghiệm, kĩ năng và lòng nhiệt huyết nhất định. Ngoài phần quỹ được kêu gọi từ cộng đồng và bán đấu giá vật phẩm “handmade” do chính các TNV thực hiện..., kinh phí mỗi chuyến đi đều là sự san sẻ giữa các TNV.

"Học sinh là những người chịu trách nhiệm với số phận của mình. Việc chúng tôi làm là truyền cảm hứng. Và nếu chúng tôi đã gieo được ước mơ cho học sinh, đó đã là thành công. Có một câu nói rất nổi tiếng, thiên tài 1% là bẩm sinh, 99% là nỗ lực", chị Hoàng Thị Thu Huyền, phó ban điều phối dự án tâm sự.

Như anh Nguyễn Hoàng Việt chia sẻ, ngoài mục đích chính và quan trọng nhất là nâng cao năng lực của học sinh dân tộc miền núi, GMVN còn nhắm đến việc tạo ra một môi trường để thanh niên, TNV rèn luyện bản thân, nâng cao tinh thần trách nhiệm. "TNV là những người sẵn sàng chi trả để học tập và phục vụ cộng đồng... tình nguyện không đơn thuần là 'đi cho', mà còn là 'đi học'", anh Việt chia sẻ. Với con số gần 300 TNV hiện nay, TSGM đã tạo ra một mạng lưới những người sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cả hoạt động tình nguyện lẫn những mối quan tâm khác của cuộc sống.

Sau những trải nghiệm riêng trong một chuyến đi chung, đi đến cái ta để tìm thấy cái tôi ấy, có những TNV tìm thấy được sở thích, mục đích sống, tự học cách tìm thấy những giá trị nhất định cho bản thân, được truyền cảm hứng và tiếp tục cuộc hành trình truyền cảm hứng.

Tôi còn nhớ có lần từng tranh luận với một người bạn trong một quán café về chủ đề không lãng phí thực phẩm bởi lí do nhiều trẻ em châu Phi đang chết đói. Phần thức ăn không bị lãng phí quả thực không trực tiếp giải quyết vấn đề thiếu lương thực ở châu Phi, nhưng giá trị thu được nằm ở sự thay đổi tư duy của người sử dụng thực phẩm. Và khi tư duy thay đổi, cuộc sống của chúng ta thay đổi.

GMVN là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập năm 2011 chỉ với 9 thành viên và hiện có 20 thành viên nòng cốt tại cả ba miền. GMVN đặt ra sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam bằng việc tổ chức thực hiện những dự án giáo dục hướng tới đối tượng trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa.


Bài và ảnh: Anh Tiếu