09:00 10/09/2021

Người tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine nào?

Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đang lo lắng về việc đã đủ thời gian để tiêm mũi 2 vaccine Moderna nhưng vẫn chưa có lịch tiêm; trong khi đó, một số trường hợp khác thắc mắc khi tiêm mũi 1 là vaccine Moderna nhưng mũi 2 lại được tiêm bằng vaccine Pfizer.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine véc tơ virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...

Chú thích ảnh
Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng, chống dịch, ngày 8/9, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng, khi nguồn cung vaccine COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2.

Cụ thể: Nếu tiêm mũi 1 là vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 bằng vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Theo ThS.BS. Nguyễn Minh Hiền, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trong trường hợp bất khả kháng tạm thời không có cùng loại vaccine mRNA, người tiêm mũi 1 là vaccine Moderna có thể được cân nhắc tiêm mũi 2 là vaccine Pfizer với khoảng cách tối thiểu 28 ngày giữa hai liều tiêm. Sau khi hoàn tất hai mũi tiêm vaccine thì người được tiêm chủng xem như đã hoàn thành lịch tiêm vaccine COVID-19.

Th.S.BS Nguyễn Minh Hiền thông tin thêm, một số quốc gia như Canada và Anh đã có những khuyến cáo chính thức về việc có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vaccine Moderna, mũi 2 là vaccine Pfizer hoặc ngược lại khi không có vaccine sẵn có và đã trì hoãn lịch tiêm trên 8 tuần. Cho đến nay, không ghi nhận biến cố bất lợi nghiêm trọng nào sau tiêm chủng của việc tiêm trộn 2 vacicne này trong cùng một liệu trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Nhiều người lo ngại tiêm mũi 2 trễ sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine và phải tiêm lại từ đầu, Th.S. BS Nguyễn Minh Hiền thông tin: Nếu mũi thứ 2 của vaccine Moderna được tiêm sau khoảng thời gian tối thiểu 28 ngày thì người dân cũng đừng nên hoang mang và lo lắng. Bởi thời gian cách xa nhau của 2 mũi vaccine Moderna có thể lên đến 6 tuần – 16 tuần (tuỳ nghiên cứu) sau liều đầu tiên mà vẫn đạt được hiệu quả bảo vệ. Vì vậy không cần tiêm vaccine lại từ đầu nếu tiêm vaccine mũi 2 trễ hơn khoảng thời gian tối thiểu được khuyến cáo.

Đánh giá trong thử nghiệm lâm sàng cấp phép của Moderna cho thấy, ngay cả khi chỉ tiêm một liều thì hiệu lực bảo vệ chung của vaccine (1-108 ngày) đạt 80% và sau tối thiểu 14 ngày là 92,1%. Nghiên cứu vaccine Moderna trong thế giới thực cho thấy, sau tối thiểu 14 ngày tiêm, một liều Moderna hiệu quả chống bệnh COVID-19 có triệu chứng là 72% với biến thể Delta và 83% với biến thể Alpha, đồng thời khả năng giảm nguy cơ nhập viện, tử vong lên tới 96%.

Nghiên cứu đánh giá về lịch tiêm tiêu chuẩn và lịch tiêm trì hoãn mũi tiêm thứ hai trên những người tiêm vaccine Pfizer và Moderna, trong đó có hơn một nửa là người già 60-74 tuổi tại Quebec, Canada ghi nhận hiệu quả bảo vệ giảm nhập viện do COVID-19 đạt hơn 95% và kéo dài đến 16 tuần với 1 mũi tiêm duy nhất.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức