07:23 19/07/2012

Người thương binh làm dâu trăm họ

Thấy chúng tôi tìm đường vào bãi đỗ xe Cầu Đơ (quận Hà Đông, Hà Nội), mấy chị bán hàng chợ Hà Đông liền bảo: “Bến xe Cựu chiến binh, bến xe ông Thốn thương binh à, chú cứ đến phường Hà Cầu, qua ngõ 1 hỏi là biết”.

Thấy chúng tôi tìm đường vào bãi đỗ xe Cầu Đơ (quận Hà Đông, Hà Nội), mấy chị bán hàng chợ Hà Đông liền bảo: “Bến xe Cựu chiến binh, bến xe ông Thốn thương binh à, chú cứ đến phường Hà Cầu, qua ngõ 1 hỏi là biết”.

 

Ông Thốn (bên phải) cùng CCB kiểm tra tình hình bãi xe tĩnh Cầu Đơ.

Gần xế chiều, trời hè còn nắng gắt, xe về nhiều, có cả xe tải của cảnh sát giao thông chở xe vi phạm đến giao cho bãi trông coi. Đích thân ông Nguyễn Văn Thốn và các cựu chiến binh (CCB) chỉ dẫn xe vào bãi tập kết, rồi xếp đặt gọn gàng. “Nhờ làm ăn cẩn thận, sạch sẽ, gọn gàng nên bãi xe được nhiều người đăng ký gửi, và lực lượng chức năng cũng chở nhiều xe vi phạm đến đây hợp đồng trông coi chờ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Phạm Quang Tiềm, Chủ tịch Hội CCB quận Hà Đông nhận xét.


Năm 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thốn nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã lên đường tòng quân. Tháng 4/1968, anh lính trẻ Nguyễn Văn Thốn cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam, tác chiến quanh vùng Biên Hòa - Đồng Nai. Ông Thốn kể: “Sau Tết Mậu Thân năm 1968, chiến sự quanh vùng này diễn ra ác liệt do địch tăng cường càn quét. Tôi được bổ sung vào đơn vị trinh sát đặc công Quân khu 7; tham gia nhiều trận đánh, đặc biệt là đánh kho bom Long Bình”.


Với phương châm tạo sức mạnh từ cộng đồng, hàng năm Hội CCB Hà Đông phát động mỗi hội viên tiết kiệm 1.000 đồng/tháng ủng hộ quỹ “Nghĩa tình đồng đội xóa nhà dột nát”, trong 4 năm qua ủng hộ được hơn 410 triệu đồng xóa nhà dột nát cho 9 hội viên CCB trong quận và các tỉnh bạn là thương binh, bệnh binh, chất độc da cam. Trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ năm 2012, hội CCB và đoàn phật tử Hà Đông trao tặng quà cho 80 hội viên tiêu biểu với số tiền 500.000 đồng và quà.

Trong một đợt chống càn vào tháng 2/1971, trong khi bảo vệ khu căn cứ, ông Thốn bị trúng mảnh đạn pháo vào bả vai, vỡ xương vai phải khiến tay phải gần như liệt. Ông Thốn được xác định là thương binh 2/4. Được sự động viên của cấp ủy, năm 1972, ông Thốn trở ra Bắc chữa trị và đi học tại Trường Quản lý kinh tế của Bộ Luyện kim (cũ). Do gia đình khó khăn, ông Thốn xin về địa phương và làm rất nhiều nghề từ tráng bánh đa đến thợ hồ... Đến tháng 9/2002, được sự đồng ý của chính quyền, ông Thốn lập bến xe tĩnh của CCB tại khu Cầu Đơ và 1 bến Đồng Mai. Ông Thốn cho biết: “Ngày đầu gian khổ lắm, khu Cầu Đơ toàn lau sậy phải dọn dẹp, san lấp tạo mặt bằng, rồi huy động vốn để xây dựng bãi để xe. Lúc đầu lương chỉ có 35.000 đồng/tháng. Sau này Nhà nước thu hồi phần đất bên ngoài theo quy hoạch, bãi xe chuyển dịch vào phía trong với diện tích hiện là 3.700 m2 chia làm 2 khu: khu gửi xe và khu trông xe bị tạm giữ do cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đến gửi. Trước chúng tôi làm cả dịch vụ rửa xe và làm than tổ ong, nay chỉ tập trung trông giữ xe. Sắp tới khu đất 5% của 48 hộ liền kề đó với diện tích 8.000 m2 sẽ được chúng tôi thuê lại mở thêm dịch vụ để thu hút tạo thêm công ăn việc làm. Hiện bến xe có 15 người, chủ yếu là CCB, ngoài ra có cháu là con thương binh, liệt sĩ... Đến nay, thu nhập mỗi người đã nâng lên 3- 4 triệu đồng/tháng”.


Bến xe tĩnh Cầu Đơ hoạt động lấy chữ tín làm đầu, có quy định và hoạt động nề nếp, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến xung quanh, giao nhận xe đúng quy trình. “Chính vì vậy, có lần 1 xe máy được công an bàn giao tại bến, khi giao nhận, phát hiện trong cốp có 300 triệu đồng, chúng tôi lập biên bản và tìm chủ xe giao lại. Vì vậy, các chủ xe rất tin tưởng. Nhiều chủ xe quanh khu vực cũng muốn đến gửi, nhưng vì chưa mở rộng bãi nên đành từ chối, đợi khi mở rộng sẽ tiếp tục trông giữ xe cho bà con”, ông Thốn tâm sự.

 

Người tổ trưởng gương mẫu


Ông Phạm Quang Tiềm, Chủ tịch Hội CCB quận Hà Đông còn nhận xét: “Ông Thốn còn là tổ trưởng được mọi người yêu mến”. Cả chục năm làm tổ trưởng, ông xây dựng quy ước nếp sống văn minh đô thị để mọi người tuân thủ. “Khó nhất là việc đảm bảo vệ sinh trong khu dân cư trong quá trình đô thị hóa. Tổ dân phố khu Cầu Đơ này có tới 500 hộ và hơn 2.000 nhân khẩu, chia làm 11 cụm. Khi thực hiện vệ sinh môi trường, chúng tôi phải đi vận động theo cụm như không thả rông chó, đổ rác đúng giờ, đúng quy định. Việc nhỏ vậy thôi nhưng mất cả một thời gian dài đó”, ông Thốn tâm sự.


Đó là chưa kể trong quá trình đô thị hóa, việc tranh chấp đất đai, xích mích gia đình, cái gì cũng đến tay. Có lần hai gia đình ở ngõ 1, khu Cầu Đơ xích mích trong việc tranh chấp xây dựng tường giáp ranh, nghe dân báo hai nhà đang chuẩn bị gậy gộc đánh nhau, ông tức tốc đến giải quyết. Vì từng làm nghề xây dựng, bằng cách căn chỉnh tường, kết hợp giải thích của ông, hai gia đình đã giảng hòa với nhau. Hoặc như chuyện nhà anh Thắng (ở ngõ 1, khu Cầu Đơ) uống rượu say đóng cửa không cho vợ vào, chị vợ lại chạy qua kêu ông. “Tôi sang gõ cửa, anh Thắng hùng hổ đi ra, thấy mặt tôi liền cười, tôi bảo vợ anh đi bán hàng về muộn, nuôi cả gia đình, không thương thì thôi để ầm hàng xóm lên. Sau lần đó, gia đình bớt căng thẳng”, ông Thốn cho biết.


“Làm tổ trưởng mệt lắm, nhưng được cái bà con quý mến, việc gì cũng đến tay, nhưng đã từng là một người lính, nên tôi nghĩ đã làm phải có trách nhiệm. Mới đây các cháu nghỉ hè, tôi vận động tổ dân phố và các CCB đầu tư cho các cháu tham gia chương trình văn nghệ “Kể chuyện theo dấu chân người anh hùng”, được giải nhất của phường và giải ba của quận. Chúng tôi rất tự hào vì đó cũng là dịp các cháu ôn lại truyền thống”, ông Thốn cho biết. Ngoài việc xây dựng đoàn kết khu dân cư, tăng cường đảm bảo trật tự trị an tốt trong phường, ông còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như ủng hộ Tết người nghèo, ủng hộ cho đồng bào lũ lụt Hà Tĩnh 40 triệu đồng và phối hợp với doanh nhân CCB tặng 10 suất quà, trị giá 50 triệu đồng, cho con em CCB trong quận.


Vừa làm tổ trưởng dân phố, vừa làm trưởng bến xe tĩnh, tạo công ăn việc làm cho anh em CCB, ông Nguyễn Văn Thốn được ví như “người làm dâu trăm họ”. Ghi nhận đóng góp của ông, thành phố Hà Nội, quận Hà Đông, hội CCB các cấp đã tặng nhiều bằng khen. Đó là lời động viên để người CCB này tham gia tích cực hơn vào công tác xã hội, theo đúng lời căn dặn của Bác: Thương binh tàn nhưng không phế.


Bài và ảnh: Xuân Cường