11:12 07/11/2022

Người thương binh gần 20 năm đấu tranh cho quyền lợi từ trồng rừng

Gần 20 năm nay, ông Phan Trọng Đình (78 tuổi, thương binh hạng 3/4, nguyên chuyên viên của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng) vẫn đến tìm đến các cấp chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi cho mình. Nguyên nhân là gần 30 năm trước, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng 6,3 ha rừng thông 2 lá theo hợp đồng với Nhà nước, nhưng chưa được hưởng quyền lợi từ việc này.

Chú thích ảnh
Những cây thông cụ Đình trồng từ năm 1994, giờ đã thành 1 cánh rừng xanh tốt.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 1/7/1994, ông Phan Trọng Đình (sinh năm 1945, địa chỉ ở 01A Mê Linh, Phường 9, thành phố Đà Lạt) khi đó là chuyên viên của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng đi biệt phái xây dựng chính quyền cơ sở ở huyện Đơn Dương. Ông đã ký Hợp đồng khoán quản lý bảo vệ và trồng rừng số 07-HĐ-BQL với Ban Quản lý rừng đặc dụng Lâm Viên - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ diện tích rừng của 5 huyện, thành phố từ Di Linh đến Đà Lạt. Trong biên bản bàn giao hiện trường khoán quản lý bảo vệ và trồng rừng, bên nhận đã được bàn giao 12ha; trong đó có 6,3 ha đất trống có bản đồ, tọa độ rõ ràng ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Hợp đồng nêu rõ người nhận phải trồng rừng tái tạo cảnh quan trên diện tích đất trống; quản lý bảo vệ, phòng, chống cháy rừng trên toàn bộ diện tích nhận khoán trong thời hạn 50 năm.

Khi nhận diện tích trên, ông Phan Trọng Đình đã lập phương án trồng rừng để đơn vị chủ rừng phê duyệt, sau đó làm hồ sơ vay Kho bạc tỉnh Lâm Đồng 50 triệu đồng và huy động các nguồn khác với tổng số tiền 272 triệu đồng để trồng xong 6,3 ha thông 2 lá trong 2 năm từ 1994 - 1995. Sau khi được Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho phép (có ký tên đóng dấu xác nhận) vào đơn, ông đã chi thêm 9 triệu đồng, dựng một căn nhà bảo vệ rừng bằng gỗ lợp tôn trên diện tích được giao khoán bên cạnh đường quốc lộ chạy qua. Gần 30 năm, khu vực này đã trở thành một cánh rừng tươi xanh nhất của huyện. Diện tích thông do ông Đình trồng hiện đã trưởng thành với những cây có đường kính gốc 30 - 50cm, không có vị trí nào bị lấn chiếm đất hoặc có dấu hiệu bị lửa cháy và cũng không còn đất trống.

Năm 1996, Ban Quản lý rừng đặc dụng Lâm Viên bàn giao toàn bộ diện tích rừng quản lý tại huyện Đơn Dương cho Ban Quản lý rừng Công an huyện Đơn Dương. Những người đã ký hợp đồng giao khoán trồng rừng và bảo vệ rừng với chủ rừng cũ tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết, không có gì thay đổi.

Năm 1999, ông Phan Trọng Đình làm đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý đất rừng trồng trên diện tích 12 ha được giao. Sau đó, Ban Quản lý rừng Công an huyện Đơn Dương làm các báo cáo về việc “hai hộ Nguyễn Hơn và Phan Trọng Đình nhận 195,8 ha để quản lý bảo vệ và trồng rừng nhưng đến nay chưa thực hiện trồng rừng trên đất trống, đồi trọc”, việc “2 hộ này không bố trí người canh gác thường xuyên, để xảy ra cháy rừng, lấn chiếm rừng”… nhưng không hề có biên bản ghi nhận các vụ việc; diện tích nhận khoán của 2 hộ này không liên quan đến nhau.

Tháng 3/2002, một số người (không rõ của đơn vị nào) đã tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ nhà bảo vệ rừng của ông Đình dù năm 1994 căn nhà này đã được Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho phép xây dựng bằng văn bản. Việc cưỡng chế, ông Đình cũng không hề biết. Khi được người dân báo lại, ông xuống đến nơi thì căn nhà đã bị tháo dỡ, không biết đem đi đâu. Đáng chú ý, trong các hồ sơ giải quyết vụ việc, văn bản của cơ quan chức năng có nhắc đến việc cưỡng chế này nhưng hoàn toàn không hề lưu trữ văn bản nào liên quan như Biên bản vi phạm, Quyết định cưỡng chế, Thông báo cưỡng chế…

Chú thích ảnh
Nhóm phóng viên làm việc với cụ Đình (ngồi ngoài cùng bên phải) và những người tham gia bảo vệ cánh rừng này.

Đến tháng 4/2002, Ban Quản lý rừng Công an huyện Đơn Dương có Thông báo số 34/TB-QLR về việc đơn phương hủy bỏ hợp đồng khoán, sau đó đơn vị này không thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng. Cũng trong tháng 4/2002, UBND Đơn Dương ban hành Quyết định số 140/QĐ-UB về việc không chấp nhận đơn xin giao đất, giao rừng trên diện tích 12ha.

Ông Phan Trọng Đình cho biết, do hoàn toàn không biết gì về Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng trên nên gần 20 năm sau đó, gia đình ông vẫn miệt mài chăm sóc, bảo vệ số cây thông mới trồng và diện tích rừng được giao khoán. Ông không chấp nhận Quyết định của UBND huyện Đơn Dương về việc không cấp Giấy chứng nhận giao đất rừng và cho rằng mình vẫn là người đang thực hiện hợp đồng trong thời hạn 50 năm. Vậy nên đến năm 2018, ông làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 1.808m2, là phần đất trũng nhỏ, nằm ven cánh rừng gia đình nhận khoán. Đây là diện tích mà từ năm 1976, khi còn là chuyên viên Tỉnh ủy biệt phái xuống cơ sở, gia đình ông trồng khoai mì, rau củ để cải thiện đời sống (có xác nhận của Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ khi đó).

Để giải quyết đơn này, ngày 5/1/2019, đại diện các đơn vị chuyên môn của UBND huyện Đơn Dương gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND thị trấn Thạnh Mỹ và Ban Quản lý rừng phòng hộ D’Ran (đổi tên từ Ban Quản lý rừng Công an huyện Đơn Dương) đã xuống thực địa. Biên bản làm việc ghi rõ: “Vị trí ông Phạn Trọng Đình xin giao hiện là đất trống, không có cây rừng, chưa giao cho ai quản lý sử dụng, nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp. Đoàn thống nhất ghi nhận hiện trạng trên và các hồ sơ liên quan để là cơ sở tham mưu cho UBND huyện xem xét giải quyết việc xin giao đất cho ông Phan Trọng Đình theo quy định”. Tuy nhiên, đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Đình vẫn không được UBND huyện Đơn Dương chấp thuận. Sau nhiều năm khiếu nại, đến năm 2021 - 2022, UBND huyện Đơn Dương và UBND tỉnh Lâm Đồng lần lượt có Quyết định giải quyết là không chấp nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đối với diện tích 12 ha rừng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích 1.808m2 cho gia đình ông Đình.

Ngày 1/11/2022, làm việc với phóng viên TTXVN, ông Hà Văn Vinh - Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xác minh đơn kiến nghị của ông Phan Trọng Đình từ tháng 2/2022 cho biết: Diện tích 12 ha đất rừng mà ông Phan Trọng Đình đề nghị cấp Giấy chứng nhận thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng Đặc dụng Lâm Viên (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ D’Ran) và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng nên không thể cấp cho ông Đình.

Chú thích ảnh
Cánh rừng do cụ Đình trồng và bảo vệ là 1 trong những cánh rừng xanh tốt nhất ở địa phương.

Về các vấn đề khác như diện tích 6,3 ha rừng thông hiện hữu thực tế do ai trồng, tại sao ông Phan Trọng Đình không được thanh lý hợp đồng và thanh toán số tiền trồng rừng, tại sao tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nhà bảo vệ rừng hợp pháp của ông Đình mà không có hồ sơ và không thông báo cho đương sự… ông Hà Văn Vinh cho biết việc này ông không được giao nên không trả lời phóng viên.  
Trước đó ngày 12/7/2022, tại buổi làm việc với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đã cung cấp cho phóng viên các văn bản liên quan đến đơn khiếu nại của ông Phan Trọng Đình. Ông Tịnh cho biết: Do UBND huyện đã ra quyết định giải quyết khiếu nại nên vụ việc này hiện đang thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hồ sơ vụ việc hiện đã chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị được UBND tỉnh giao xử lý đơn khiếu nại này.

Vậy là ông Phan Trọng Đình vẫn tiếp tục hành trình để bảo vệ những thành quả lao động của mình. Những người lãnh đạo, quản lý trực tiếp thời kỳ đó như ông Trương Thành Trung (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp), Tiến sĩ Phó Đức Đỉnh (nguyên Trưởng ban Quản lý rừng Đặc dụng Lâm Viên), ông Lê Chính (nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ)… đều có văn bản hoặc ghi xác nhận việc ông Phan Trọng Đình đã trồng 6,3 ha rừng đúng phương án và hợp đồng được giao. Trên thực tế, cánh rừng do gia đình ông Đình trồng và quản lý là một trong những cánh rừng xanh tốt, được bảo vệ tốt nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Tin, ảnh: Chu Quốc Hùng (TTXVN)