01:09 09/01/2012

Người "thổi" hồn vào những gốc cây khô

Ông Nguyễn Văn Ba, dân địa phương thường gọi là Ba Bình An (ngụ tại ấp 4, xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre) là một nghệ nhân nổi danh trong tạo hình kiểng khô...

Với nhiều sáng tạo độc đáo, không theo khuôn mẫu nào, ông Nguyễn Văn Ba, dân địa phương thường gọi là Ba Bình An (ngụ tại ấp 4, xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre) là một nghệ nhân nổi danh trong tạo hình kiểng khô (tạo hình các tác phẩm nghệ thuật từ những gốc cây khô nhiều năm tuổi). Tác phẩm “độc mộc hóa kình ngư”, được hoàn thành vào tháng 2/2011 đã giúp tên tuổi ông được biết đến rộng rãi trong nghề còn khá mới mẻ này.



Nghệ nhân Nguyễn Văn Ba bên tác phẩm con rùa. Nguồn: VOVonline.



Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, ông Ba đang khẩn trưởng hoàn thành một cặp rồng để trưng bày và giới thiệu tại Hội hoa xuân tỉnh Bến Tre. Ông Ba bắt đầu theo đuổi nghề từ năm 2005, sau hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển. Tác phẩm đầu tiên ông mang đi trưng bày tại Hội hoa xuân tỉnh Bến Tre năm 2006 mang tên “Rồng đến nhà tôm”. Trong đó, con rồng được tạo hình từ gốc cây quao hàng trăm năm tuổi, còn tôm được tạo nên từ gốc mai to nhất mà ông từng kiếm được. Tác phẩm đã được UBND tỉnh Bến Tre trao bằng khen vinh danh một sáng tạo độc đáo và Hội sinh vật cảnh tỉnh đã phong cho ông danh hiệu nghệ nhân hoa kiểng.

Từ đó đến nay, hàng trăm tác phẩm nghệ thuật đã được ông sáng tạo. Tất cả các sản phẩm này đều có thể coi là độc nhất, bởi nghệ nhân can thiệp rất ít, giữ đến trên 80% hình thù, kiểu dáng ban đầu. Trong khi việc chế tác không dựa trên bất kì hình ảnh, khuôn mẫu nào mà dựa hoàn toàn vào trí tưởng tượng.

Tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông đem hàng chục tác phẩm ra trưng bày và bán cho du khách. Hầu hết các tác phẩm đều được các du khách cả trong và ngoài nước khen ngợi. Và nhờ đó, nghệ nhân gần 60 tuổi, chưa từng trải qua bất kì trường lớp nào liên quan đến mỹ thuật và vào nghề với những công cụ đục đẽo hết sức thô sơ như được tiếp thêm sức mạnh cho những sáng tác của mình.

Cuối năm 2010, ông được một người dân tại xã ven biển Thới Thuận, huyện Bình Đại liên lạc để bán một gốc mù u trên 200 tuổi. Sau khi đến xem và thỏa thuận giá cả, ông thuê xe chở về và bắt tay vào việc chế tác. Sau gần 4 tháng, từ một gốc cây xù xì không rõ hình thù gì, một “kình ngư” được ra đời trong sự thán phục của khách tham quan và sự tự hào của chủ nhà. Ông đặt tên tác phẩm này là “độc mộc hóa kình ngư”. Đây là một “kình ngư” khổng lồ với chiều dài 6,3 m, chiều cao 1,2 m và vòng thân 3,4 m. Được đảm bảo tính tự nhiên đến 90%, nghệ nhân này chỉ điều chỉnh một số chi tiết nhỏ. Theo ông Võ Thành Thượng, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Bến Tre, đây là tác phẩm độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị trong cả nước. Ông Ba Bình An cho biết: Ông muốn bán con cá này với giá 1 tỉ đồng và một số người sưu tầm đã trả mức giá từ 400 – 700 triệu đồng.

Từ sự thành công của nghệ nhân Ba Bình An, tỉnh Bến Tre có khoảng 30 người tham gia nghề này, phần lớn đều lớn tuổi và tập trung chủ yếu tại thành phố Bến Tre.


Hưng Thịnh