02:10 16/02/2012

Người thầy thuốc nhân dân hết lòng với dân bản

Lúc bấy giờ đời sống của bà con còn rất nghèo, dịch bệnh diễn ra thường xuyên, y sĩ Huấn cùng với cán bộ trạm không quản khó khăn lội suối, vượt núi, đi bộ hai, ba ngày đường rừng để khám, chữa bệnh và tuyên truyền cho bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Tôi từng nghe mọi người nói về ông, người Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Công Huấn, 58 tuổi, có 37 năm gắn bó với nghề y ở vùng đất Lai Châu đầy khó khăn là sự đam mê, tận tụy với nghề. Từ khi còn là nhân viên y tế và trở thành người cán bộ quản lý, ông luôn khắc ghi câu nói của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu" để tu dưỡng đạo đức, chuyên môn chăm lo sức khỏe cho người dân. Ông cũng luôn trăn trở và đưa ra những quyết sách phù hợp để ngành y tế Lai Châu phát triển...

Gặp bác sĩ Nguyễn Công Huấn nhân dịp ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, ông rạng ngời niềm vui vì nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2012 cả nước có 74 người được phong tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân; và riêng Tây Bắc, ông là một trong hai người được phong tặng.

Bác sĩ Nguyễn Công Huấn đang hướng dẫn nhân viên y tế cơ sở về chuyên môn.


Danh hiệu thầy thuốc nhân dân là kết quả của suốt một chặng đường dài mà ông đã cống hiến không mệt mỏi cho ngành y tế Lai Châu, là tỉnh khó khăn nhất cả nước. Trong câu chuyện của chúng tôi, ông nhớ về người cha, người là niềm tự hào và tấm gương để ông có động lực phấn đấu. Tham gia lực lượng dân quân du kích ở địa phương từ kháng chiến chống Pháp và làm cán bộ xã, năm 1963 theo tiếng gọi của Đảng, cha ông đã để lại vợ hiền, con thơ xung phong lên Lai Châu để xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm, cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh. Chín năm sau, ông Huấn 17 tuổi thì cả gia đình rời Kiến Xương (Thái Bình) lên Lai Châu lập nghiệp. Trong niềm xúc động của sự hồi tưởng ông đọc cho tôi nghe bài thơ “Nghĩ về cha” mà ông vừa viết ngày 9/2/2012.

Mẹ gồng gánh con thơ về xứ núi
Nặng bước đường trơn, kẽo kẹt lời ru
Con được gần cha cả hai mùa giông tố
Cha nở nụ cười ấm áp buổi chiều đông

Tây Bắc khó khăn hiệu triệu trái tim hồng
Người đảng viên chứa chan nhiệt huyết
Để lại con thơ, vợ hiền, tiến bước
Những sải dài, vững chãi một niềm tin

Đại thủy nông Nậm Rốm đã mọc lên
Để Mường Thanh cánh đồng thêm trĩu hạt
In vết chân cha, lưng còng dáng mẹ
Tuổi thơ con khôn lớn từng ngày

Bước vào đời với bao nỗi gian truân
Nhớ lời dạy của cha, ầu ơ của mẹ
Tình của cha và tình đồng chí
Tiếp cho con ngọn lửa kiên cường

Về với bản làng rất mực yêu thương
“Thầy thuốc Nhân dân”, hôm nay con nhận
Là công cha, nghĩa mẹ khắc ghi
Ơn Đảng dắt dìu mỗi bước con đi…

Suốt đời con xin tâm niệm, nghĩ suy
Sao cho tâm, tài xứng cùng y đức
Nguyện lấy đời cha làm tấm gương mẫu mực
Để trọn đời là Thầy thuốc Nhân dân.

Lên Lai Châu, ông được gần gũi với những bạn trẻ và bà con dân bản nghèo đói, lạc hậu và dịch bệnh. Chính vì vậy, lúc ngồi trên ghế nhà trường ông đã ước mơ sẽ trở thành thầy thuốc góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho người nghèo. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Y tế Lai Châu (cũ) năm 1975, y sĩ Nguyễn Công Huấn đã tình nguyện về xã biên giới Sì Lờ Lầu (Phong Thổ) để công tác. Lúc bấy giờ đời sống của bà con còn rất nghèo, dịch bệnh diễn ra thường xuyên, y sĩ Huấn cùng với cán bộ trạm không quản khó khăn lội suối, vượt núi, đi bộ hai, ba ngày đường rừng để khám, chữa bệnh và tuyên truyền cho bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Công Huấn (người đeo kính) đang thực hiện công tác kiểm tra ở cơ sở.


Trong những năm 1990, chương trình phòng chống bướu cổ được đưa lên thành chương trình Quốc gia, lúc này ông Nguyễn Công Huấn cũng học xong Đại học Y và được điều về làm Phó Trưởng Trạm Phòng chống bướu cổ. Nhiệm vụ nặng nề hơn khi trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ người bướu cổ là 58%, cao nhất cả nước. Với mục tiêu là giảm nhanh tỷ lệ bướu cổ xuống mức dưới 30%, bác sĩ Huấn cùng cán bộ trạm tham mưu đề xuất các biện pháp và giải pháp thực hiện. Anh em trong trạm tổ chức liên tục các đợt xuống cơ sở để khám, tiêm, cho uống thuốc và kiểm tra giám sát chất lượng muối iốt, tuyên truyền trong nhân dân biết cách bảo quản, sử dụng muối iốt. Sau 4 năm tích cực triển khai, kiên trì bám cơ sở, tỷ lệ bướu cổ ở Lai Châu giảm xuống một cách rõ rệt là dưới 30%, không còn trẻ em sinh ra thiểu năng trí tuệ do thiếu iốt. Bác sĩ Huấn còn nhớ, ngày cùng anh em về cơ sở, thấy một số cháu nhỏ sinh ra bị đần độn do thiếu muối iốt thì thương cảm. Ông quyết tâm cùng cán bộ, nhân viên trong trạm lăn xả với công việc, băng rừng đến với vùng sâu để khám, chữa trị và tuyên truyền nhằm mục đích giảm nhanh người bướu cổ và nâng cao nhận thức của bà con về cách phòng ngừa loại bệnh này.

Khi Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng chống phong và da liễu năm 1994, bác sĩ Nguyễn Công Huấn cũng nhận nhiệm vụ mới, Giám đốc Trung tâm Phòng chống phong và da liễu Lai Châu. Thời điểm này, tỷ lệ bệnh phong ở Lai Châu là 6,5 bệnh nhân/10.000 dân, bệnh nhân mới phát hiện bị tàn phế độ II cao chiếm 60%. Nhiệm vụ đặt ra rất lớn, ông trực tiếp lập kế hoạch, cùng với anh chị em trong trung tâm đến tận bản, từng gia đình để điều tra và kết hợp tuyên truyền giáo dục. Năm 1999 tỷ lệ bệnh nhân bị tàn phế độ II giảm xuống dưới 20%. Đồng thời, ông Nguyễn Công Huấn còn gần gũi động viên các bệnh nhân yên tâm điều trị, phục hồi sức khỏe để về với gia đình. Theo ông cái được lớn hơn đó là cách nhìn nhận về bệnh phong ở cộng đồng đã được thay đổi, mọi người không còn sợ bệnh phong, không lánh xa, kỳ thị với bệnh nhân, họ đã đối xử với bệnh nhân phong bình đẳng, gần gũi.

Nói về chữ "thầy", ông tâm sự: Cuộc đời mình có ý nghĩa với chữ "thầy" lắm đấy! Vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo. Bây giờ về trạm y tế các xã làm công tác kiểm tra, nhân viên cứ gọi mình là thầy. Nghe vậy trong lòng thấy hạnh phúc lắm, vì đó là thế hệ mà mình và nhà trường đã dày công để đào tạo. Các em ra trường, tỏa về các bản làng cống hiến cho sự nghiệp ngành y tế ở vùng núi rừng, gió nắng này. Hôm nay gặp lại các em, tôi tự hào về điều mình đã làm... Khi Lai Châu chia tách tỉnh và thành lập tỉnh Lai Châu mới thì từ cương vị Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế Lai Châu cũ, bác sĩ Nguyễn Công Huấn được giao trọng trách là Giám đốc Sở Y tế Lai Châu mới. Từ những năm đầu thành lập, ngành y tế gặp muôn vàn khó khăn. Nhân lực y tế vừa thiếu vừa yếu, toàn ngành có 1.084 cán bộ y tế, trong đó có 2,56 bác sỹ/10.000 dân, 0,09 dược sĩ đại học/10.000 dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tuyến tỉnh đến tuyến huyện xã cũ, lạc hậu... Trước tình hình đó, với cương vị là người đứng đầu ngành y tế của tỉnh, ông đã chủ động tham mưu với tỉnh các nội dung cụ thể để có những quyết sách mang tính đột phá nhằm đưa ngành y tế Lai Châu đi lên như: Đề án đào tạo nguồn nhân lực, Đề án củng cố mạng lưới y tế cơ sở... và đề xuất các chính sách phù hợp với tình hình của Lai Châu. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và mua sắm trang thiết bị y tế.

Đến nay, biên chế toàn ngành tăng 2,5 lần, đạt tỷ lệ 5 bác sỹ/10.000 dân, 0,57 dược sỹ/10.000 dân; các bệnh viện đa khoa từ tỉnh đến huyện được xây dựng khang trang, thiết bị dần được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Công Huấn cũng cho biết, nhờ vào công tác khám chữa bệnh và tuyên truyền tốt nên trong những năm gần đây những hủ tục cúng con ma, làm tà thuật để chữa bệnh của người dân giảm rất nhiều. Người dân đã nâng cao ý thức, khi sinh đẻ, ốm đau, bệnh tật đều đến trạm xá, bệnh viện để khám, xin thuốc và chữa trị theo hướng dẫn. Đây là sự trưởng thành, lớn mạnh và là tâm huyết của những người dày công xây dựng, là niềm tin yêu tin tưởng của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Trong câu chuyện, ông không nhắc nhiều đến thành tích của cá nhân mình mà hết lời nói về đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ở các xã heo hút đang ngày đêm âm thầm lặng lẽ giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân. Họ là những bông hoa, là chiến sĩ áo trắng không ngại vất vả, gian lao xứng đáng với danh hiệu "Thầy thuốc như mẹ hiền". Ông cũng cảm ơn người vợ đã sát cánh, lo lắng cho chồng con, là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. Để rồi trong ông luôn nặng nợ với mảnh đất này, gần cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp y tế trên vùng đất khó, được Đảng và Nhà nước ghi nhận trao tặng nhiều bằng khen, huân, huy chương… Nhưng theo ông Huấn, phần thưởng và hạnh phúc nhất của người thầy thuốc là thấy người bệnh được lành bệnh, không có dịch bệnh, người dân khỏe mạnh...

Việt Hoàng