Chi tiêu quốc phòng Mỹ vượt mốc 1.000 tỷ USD – nhưng không phải lĩnh vực nào cũng được ưu ái. Liệu đây là chiến lược dài hạn hay chỉ là canh bạc chính trị ngắn hạn?
Lầu Năm Góc tại Washington D.C., Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN
Theo trang tin army-technology.com, Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) vừa công bố đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài chính 2026 của Tổng thống Donald Trump, một gói chi tiêu khổng lồ lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD. Đây là ngân sách quốc phòng lớn nhất hành tinh, cao hơn đáng kể so với Trung Quốc – quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, ước tính vượt quá 300 tỷ USD theo phân tích của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Con số trên không chỉ phản ánh tham vọng tăng cường an ninh nội địa và khả năng răn đe Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn cho thấy sự ưu tiên phục hồi cơ sở công nghiệp quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho quân nhân Mỹ.
Số tiền khổng lồ đi về đâu?
Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ, yêu cầu ngân sách năm tài chính 2026 tăng 13,4% so với năm tài chính 2025. Tổng cộng, con số đạt 1,01 nghìn tỷ USD.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết ngân sách lịch sử này "ưu tiên tăng cường an ninh nội địa, kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phục hồi cơ sở công nghiệp quốc phòng". Trong đó, khoản tiền 113 tỷ USD sẽ tập trung vào các ưu tiên của Tổng thống Trump, bao gồm đóng tàu, phòng thủ tên lửa, sản xuất đạn dược và các sáng kiến nâng cao chất lượng cuộc sống cho quân nhân.
Nếu chia nhỏ, ngân sách đề xuất được phân bổ như sau: Lục quân Mỹ: 197,4 tỷ USD; Hải quân Mỹ: 292,2 tỷ USD; Không quân Mỹ (USAF): 301,1 tỷ USD (trong đó 40 tỷ USD dành cho Lực lượng Không gian, tăng 30% so với năm tài chính 2025).
Các khoản đầu tư đáng chú ý khác bao gồm: Đầu tư ban đầu 25 tỷ USD vào hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome (Vòm Vàng); 60 tỷ USD cho hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, bao gồm cả ba nhánh của bộ ba hạt nhân; 3,1 tỷ USD để tiếp tục sản xuất máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II; 3,5 tỷ USD tài trợ cho máy bay chiến đấu F-47 Next Generation Air Dominance của Không quân Mỹ, tài trợ cho 19 tàu chiến mới của Hải quân Mỹ, duy trì 287 tàu; 15,1 tỷ USD đầu tư vào an ninh mạng; 1,3 tỷ USD cho cải thiện chuỗi cung ứng cơ sở công nghiệp; 2,5 tỷ USD cho việc mở rộng sản xuất tên lửa và đạn dược.
Đề xuất cũng bao gồm mức tăng lương 3,8% và khoản đầu tư 5 tỷ USD vào nhà ở cho quân nhân.
Ai là "bên thắng" và "kẻ thua" trong khoản tiền tỷ USD?
Dù có vẻ khó tin rằng khoản ngân sách hơn 1 nghìn tỷ USD lại có "người thắng" và "kẻ thua", nhưng thực tế là hầu hết các đề xuất ngân sách của Tổng thống Mỹ đều được sửa đổi khi các chính trị gia vận động hành lang để đảm bảo hoặc duy trì lợi ích quốc phòng trong khu vực bầu cử của họ.
Bên thắng cuộc: Không quân Mỹ vẫn là lực lượng nhận được khoản đầu tư lớn nhất trong số các lực lượng quân sự Mỹ, với các chương trình trọng điểm như phi đội B-21 Raider đang được xây dựng và máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu F-47 đang được lên kế hoạch.
Lực lượng Không gian chứng kiến mức tăng ngân sách ấn tượng 30%, phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của không gian trong chiến lược quốc phòng.
Các lĩnh vực như đóng tàu, phòng thủ tên lửa, sản xuất đạn dược và hiện đại hóa hạt nhân cũng nhận được các khoản đầu tư đáng kể, cho thấy sự ưu tiên rõ ràng của chính quyền Trump.
Có lẽ, "người thắng lớn" thực sự là chính Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo Fox Walker, nhà phân tích quốc phòng tại GlobalData, Quốc hội Mỹ vốn không có kế hoạch phân bổ 1 nghìn tỷ USD hàng năm cho chi tiêu quân sự cho đến tận năm 2030, nhưng giờ đây con số đó đã thành hiện thực.
Kẻ thua cuộc: Đề xuất ngân sách năm tài chính 2026 khuyến nghị hủy bỏ máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát E-7 Wedgetail, loại máy bay đang được Australia sử dụng và Vương quốc Anh đang được chuyển giao, do lo ngại về khả năng sống sót trong môi trường xung đột.
Số lượng máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II bị giảm đáng kể, từ 74 máy bay trong năm tài chính 2025 xuống còn 47 máy bay. Đây là một tín hiệu cho thấy sự thay đổi trong ưu tiên mua sắm.
Một vấn đề đáng chú ý là thiếu thông tin về nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá quốc phòng (RDT&E). Vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết kết quả của một cuộc đánh giá nội bộ đã xác định "các chức năng dư thừa, không cần thiết, không theo luật định" trong Văn phòng Giám đốc Thử nghiệm và Đánh giá Hoạt động, dẫn đến một loạt các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc cắt giảm nhân sự, dự kiến tiết kiệm được “hơn 300 triệu USD” mỗi năm.
Điều "kỳ lạ" nữa là Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu rõ số tiền họ chi cho trí tuệ nhân tạo (AI), mặc dù lĩnh vực này là nền tảng trong cuộc cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc, như nhận định của chuyên gia Walker.
Nhìn chung, ngân sách quốc phòng nghìn tỷ USD của Mỹ là một bức tranh phức tạp của những ưu tiên chiến lược và những điều chỉnh nội bộ. Trong khi một số chương trình và lĩnh vực được bơm vốn mạnh để đối phó với các mối đe dọa địa chính trị hiện tại và tương lai, những lĩnh vực khác lại phải đối mặt với cắt giảm hoặc chậm trễ. Liệu gói ngân sách này có thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi hay sẽ tiếp tục là chủ đề của những cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ?