01:23 24/01/2013

Người Tây Ban Nha đổ xô học tiếng Đức

Xu hướng học tiếng Đức đang thịnh hành ở Tây Ban Nha trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở xứ sở bò tót này đang diễn ra nghiêm trọng. Theo đó, nhiều thanh niên đang cố gắng “cày” học tiếng Đức với mong muốn có cơ hội tìm được việc làm ở Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Xu hướng học tiếng Đức đang thịnh hành ở Tây Ban Nha trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở xứ sở bò tót này đang diễn ra nghiêm trọng. Theo đó, nhiều thanh niên đang cố gắng “cày” học tiếng Đức với mong muốn có cơ hội tìm được việc làm ở Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu.


 

Thanh niên Tây Ban Nha miệt mài học tiếng Đức mong kiếm được việc làm. Ảnh: Internet

 

Cơ quan việc làm Liên bang Đức mới đây cho biết tính đến tháng 10/2012 đã có tổng cộng 49.433 người Tây Ban Nha đang làm việc ở nước này. Mặc dù không phải là cộng đồng lao động nước ngoài nhiều nhất ở Đức (kém xa so với Italia và Hy Lạp), song số người lao động Tây Ban Nha ở Đức đang không ngừng tăng lên.
Theo số liệu thống kê, số lao động Tây Ban Nha làm việc ở Đức đã tăng 53% trong nửa đầu năm 2011 và tăng 18% trong khoảng thời gian từ tháng 10/2011 đến tháng 10/2012.


Marc Borneis, Phó Giám đốc Viện Goethe (chuyên dạy tiếng Đức) ở thành phố Barcelona cho biết, số sinh viên theo học ở viện này tăng mạnh trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc khủng hoảng kinh tế ở Tây Ban Nha đã khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.


Viện Goethe có 1.594 sinh viên trong năm 2009 và đến tháng 10/2012 con số này đã tăng lên 2.747 người, trong đó số người đã đi làm theo học tại đây tăng hơn 70%. Ông Marc Borneis cho biết: “Các sinh viên đến đây học tiếng Đức nhằm đáp ứng yêu cầu công việc và cũng vì muốn có nhiều cơ hội tìm việc làm ở Đức, Áo và Thụy Sĩ”.


Trường hợp của Aina Lopez là một ví dụ. Là sinh viên một ngành kỹ thuật, cô vẫn quyết định học thêm tiếng Đức bởi cô dự định sau khi ra trường sẽ rời Tây Ban Nha để đến Đức tìm việc.


Trên thực tế, ở Đức các ngành liên quan đến khoa học máy tính, kĩ sư, y khoa và y tá được yêu chuộng hơn so với các ngành khác. Do đó, theo ông Borneis, Đức sẽ không có nhu cầu “nhập khẩu” công nhân trong các lĩnh vực này, khi mà nước này chưa “thanh toán” được nạn thất nghiệp với 2,84 triệu người không có việc làm trong tháng 12/2012. Theo thống kê chính thức của chính phủ Tây Ban Nha, số người thất nghiệp ở nước này trong tháng 12/2012 là 4.848.723 người, trong khi Eurostat cho biết có tới 6 triệu người Tây Ban Nha thất nghiệp trong tháng 11/2012, trong tổng số dân hơn 47 triệu người.


Ông Borneis cho biết: “Về cơ bản, sẽ luôn là tích cực khi đòi hỏi những người xin việc phải có các kiến thức quốc tế, tuy nhiên trong trường hợp rất nhiều người Tây Ban Nha phải làm như vậy do khủng hoảng kinh tế thì lại không phải là một điều tốt”.


Khía cạnh tiêu cực của xu hướng di cư này chính là hiện tượng “chảy máu chất xám”. Thực tế, rất nhiều người Tây Ban Nha có trình độ cao đã không thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước mình.


Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng người Tây Ban Nha di cư đến Đức tìm việc làm. Trong những năm 1960, nhiều lao động Tây Ban Nha cũng đã chọn Đức làm điểm đến. Số người Tây Ban Nha ở Đức đã không ngừng tăng cho đến khi đạt mức cao kỷ lục 286.112 người vào năm 1973.


Tuy nhiên, khi đó, yêu cầu để người Tây Ban Nha tìm được việc ở Đức không gắt gao và tiếng Đức không phải là một yêu cầu bắt buộc. Còn nay, điều kiện để thanh niên Tây Ban Nha kiếm được việc làm ở Đức đã nghiêm ngặt hơn và tiếng Đức là một trong những yêu cầu bắt buộc. Do đó, chừng nào khủng hoảng kinh tế còn tiếp diễn ở Tây Ban Nha, chừng đó nhu cầu học tiếng Đức của người dân xứ sở bò tót này sẽ còn tăng.


Lê Hải (theo THX)