08:20 23/08/2015

Người phụ nữ Tày tâm huyết với công tác mặt trận

Bà Hứa Thị Xuân, dân tộc Tày, xóm Nà Chia, xã Lương Can, huyện Thông Nông (Cao Bằng) là một cán bộ cơ sở tâm huyết với công tác mặt trận ở địa phương.

Bà Hứa Thị Xuân, dân tộc Tày, xóm Nà Chia, xã Lương Can, huyện Thông Nông (Cao Bằng) là một cán bộ cơ sở tâm huyết với công tác mặt trận ở địa phương.

Bà Hứa Thị Xuân (bên trái) thăm hộ nghèo trong xóm.


Năm 2004, nhân dân trong xóm tín nhiệm bầu bà Xuân làm Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Nà Chia. Đến nay, bà đã có thâm niên 10 năm gắn bó với công tác mặt trận. Bà vận động người dân tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào ở địa phương, từ việc giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự, chung tay với chính quyền xây dựng khu dân cư văn hóa, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đến đóng góp kinh phí cho các hoạt động xã hội, từ thiện… Bà quan tâm thăm hỏi và hiểu rõ từng hoàn cảnh gia đình, nhất là các hộ nghèo. Nhờ hoạt động tích cực của bà, nhiều năm qua, Ban công tác Mặt trận xóm thực sự trở thành cầu nối để giúp chính quyền có giải pháp giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn.

Đối với bà Xuân, để làm tốt công tác mặt trận, đầu tiên là phải nhiệt tình với công việc, kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình triển khai công việc phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức họp bàn, cùng nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch và tổ chức cho nhân dân thực hiện. Bà Xuân luôn gương mẫu, đi đầu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua, vận động người thân trong gia đình thực hiện trước rồi vận động mọi người cùng thực hiện.

Khi xây dựng nông thôn mới, bà kiên trì đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa, những lợi ích thiết thực trong làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn để người dân hiểu và ủng hộ. Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, nhân dân trong xóm đã hiến 750 m2 đất, ủng hộ 9 triệu đồng, đóng góp ngày công lao động trị giá 55 triệu đồng làm đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa. Đời sống của nhân dân nhờ thế có nhiều cải thiện, năm 2004, toàn xóm có 37 hộ nghèo, đến nay giảm còn 26 hộ; 80% gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Nhân dân đoàn kết giúp nhau làm ăn, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, góp phần từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hình thành nếp sống văn hóa lành mạnh.

Bài và ảnh: Vũ Tiệp