09:21 23/09/2015

Người phụ nữ tận tâm với buôn làng

Chị H’Bin Niê ở buôn Trinh 4, xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) luôn năng nổ, đi đầu trong các phong trào xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Buôn Trinh 4 là buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Trước đây, mùa mưa, đường vào buôn lầy lội. Mỗi khi cán bộ đến với bà con để triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đều gặp không ít khó khăn. Vì không có nhà sinh hoạt cộng đồng, nên nhiều lần buôn phải tổ chức họp ở nhà dân.

Chị H’Bin Niê (áo hồng) bên nhà văn hóa buôn Trinh 4, xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk).


Năm 2004, buôn Trinh 4 được Nhà nước đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. Từ khi có chủ trương ấy, bà con trong buôn ai cũng vui mừng. Tuy nhiên, buôn Trinh 4 lại gặp khó khăn vì không có đất. Chị H’Bin đã hiến gần 1.000 m2 đất của gia đình để xây nhà văn hóa. Nhờ tinh thần trách nhiệm của chị H’Bin, sau hơn 1 tháng, buôn Trinh 4 đã có nhà văn hóa cộng đồng khang trang. Chị H’Bin còn mạnh dạn lên Trung tâm văn hóa tỉnh xin một bộ cồng chiêng về đặt tại nhà văn hóa, rồi vận động bà con cùng nhau tập múa hát, giao lưu, sinh hoạt để giữ gìn bản sắc văn hóa.

Bên cạnh đó, trên cương vị là Trưởng ban công tác Mặt trận, chị H'Bin luôn trăn trở tìm hướng đi giúp đồng bào trong buôn thoát nghèo. Hàng tháng, chị đều tham gia các lớp tập huấn khuyến nông của Hội Nông dân xã, đọc sách, báo và tìm hiểu, học tập thêm kinh nghiệm làm kinh tế của một số hộ người Kinh làm kinh tế giỏi trên địa bàn.

Học hỏi được kiến thức mới, chị H’Bin gương mẫu làm kinh tế gia đình trước. Từ chỗ chỉ trồng lúa nước mỗi năm hai vụ, chị H’Bin đã chuyển sang trồng cà phê, tiêu, chăn nuôi lợn. Đến nay, gia đình chị đã có 1 ha cà phê, thu 4 tấn/năm; 2 ha lúa nước 2 vụ đạt năng suất 8 - 9 tạ/năm. Đặc biệt, vườn tiêu đã bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm trừ chi phí, thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Có cuộc sống ấm no, chị H’Bin đã đem kiến thức, kinh nghiệm mình có được để giúp bà con làm kinh tế, thoát nghèo.

Hàng năm, chị H’Bin đều nhận giúp đỡ hộ khó khăn thoát nghèo, bằng việc cho vay vốn sản xuất, hướng dẫn các hộ trong buôn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi. Chị H’Bin còn vận động bà con thành lập mô hình “Đồng tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương” để hỗ trợ, giúp đỡ những hộ khó khăn lúc đau ốm.

Văn Cường