11:23 18/11/2011

Người phụ nữ làm sống lại văn hóa thổ cẩm xứ Mường

Dù đã nghỉ hưu, nhưng bà Bùi Thị Lan Phương ở xóm Định, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) không hưởng cuộc sống an nhàn mà bắt tay vào việc khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê hương mình.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng bà Bùi Thị Lan Phương ở xóm Định, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) không hưởng cuộc sống an nhàn mà bắt tay vào việc khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê hương mình.

Bà Phương hướng dẫn chị em dệt thổ cẩm.


Trong bối cảnh xã hội hiện đại, hàng may sẵn tràn ngập thị trường, thế hệ trẻ không mấy ai biết tới nghề dệt, nhiều phụ nữ Mường đã từng gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng không mặn mà nữa.

Nhưng với niềm đam mê và kinh nghiệm sau nhiều năm công tác tại phòng văn hóa huyện và sự tự tin, kiên nhẫn, bà Phương đã thuyết phục chồng cùng một số chị em Hội phụ nữ trong xã, huyện tham gia xây dựng Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm. Tháng 6/2008, đánh dấu sự ra đời HTX dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn (thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc) do ông Đinh Công Sẳn chồng bà làm chủ nhiệm.

Bà Phương tâm sự: Trước đây, người Mường Bi nói riêng, người Mường trên đất Hòa Bình nói chung, vốn có nghề truyền thống dệt vải thổ cẩm, nhà nào cũng có khung dệt vải, nhưng những sản phẩm mà bà con làm ra chủ yếu để phục vụ cho bản thân và gia đình. Bởi vì, để dệt được một tấm vải thổ cẩm, người thợ rất vất vả và mất nhiều công đoạn. Kể từ khi cây bông tra xuống cho đến lúc quả bông cho thu hoạch cũng chừng 6-7 tháng, sau đó phơi khô rồi kéo sợi bằng tay quay, xong bắt đầu hồ bằng cơm gạo trắng, hồ xong phải phơi khô để se thành ống, sau đó cho vào dụng cụ xếp và cuối cùng mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản, mỗi ngày được khoảng 8 - 10 m, còn nếu dệt hoa văn, dệt chữ thì mỗi ngày chỉ được từ 3- 4 m. Như vậy cũng phải mất một năm, bộ áo váy mới dệt xong là vừa kịp diện Tết. Cho nên, tuy là nghề nhưng chỉ coi là nghề phụ làm lúc nông nhàn.

Xác định phát triển làng nghề truyền thống vừa để duy trì bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, vừa góp phần xóa đói, giảm nghèo, bà đã mạnh dạn kết hợp với chị em các thôn bản trong xã thành lập các nhóm dệt, với những sản phẩm thổ cẩm như: Quần áo, ga gối, tấm phà, cạp váy, khăn, thảm, túi, xắc... Khởi đầu chỉ với 13 khung dệt và 8 xã viên, HTX Dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn hoạt động cầm chừng nhờ một số đơn hàng nhỏ lẻ, rồi cùng chị em tìm tòi, học hỏi, sáng tạo cho sản phẩm của mình ngày một phong phú về mẫu mã hoa văn, đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tích cực tham gia nhiều hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu ở nhiều địa phương nhất là những điểm du lịch sinh thái trong và ngoài tỉnh, dần dần sản phẩm của HTX được khách hàng biết đến.

Sau 4 năm hoạt động, đến nay HTX dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn đã có một cơ ngơi triển vọng, với gần 200 khung dệt, 8 máy khâu, 116 xã viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho xã viên, lao động thời vụ địa phương từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng và được đánh giá là một trong những đơn vị kinh tế tập thể điển hình của huyện Tân Lạc. Ngoài ra HTX còn huy động hợp lý sức lao động của người già, người tàn tật và trẻ nhỏ, mang lại luồng sinh khí mới cho hàng trăm mái nhà của người Mường, huyện Tân Lạc.

Mới đây Công ty du lịch Thương mại Thắng Lợi Victoria đã gia nhập thành viên HTX. Đây là cơ hội tốt để các sản phẩm của HTX Vọng Ngàn được bao tiêu, tiêu thụ trên thị trường rộng lớn và xuất khẩu ra nước ngoài, mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và chị em phụ nữ trong toàn huyện. Với kết quả bước đầu, HTX Vọng Ngàn đang trở thành điểm đến cho những người yêu thổ cẩm Mường.

Bài và ảnh: Vũ Hà