07:09 02/07/2021

Người phụ nữ có ý chí mãnh liệt, sống sót kỳ diệu trên đảo Bắc Cực - Kỳ cuối

Trong khi đó, trên hòn đảo Wrangel, vài tháng đã trôi qua và đồ ăn đã gần hết, Ada và 4 người đàn ông chờ nhóm giải cứu tới theo kế hoạch vào mùa hè năm 1922. 

Tuy nhiên, từng ngày trôi qua, họ dõi nhìn ra đường chân trời, hy vọng thấy bóng dáng một con tàu để rồi lòng lại nặng trĩu. Băng bắt đầu hình thành từ tháng 8, nay đã không thể vượt qua. Tới giữa tháng 9/1922, họ cuối cùng đành chấp nhận thực tế là sẽ không có con tàu nào có thể vượt qua. Đối mặt với khả năng phải sống thêm một năm nữa trên đảo, nhóm thám hiểm bắt đầu chia khẩu phần đồ ăn.

Chú thích ảnh
Ada cạnh lều để thực phẩm trên đảo Wrangel. Ảnh: Thư viện Đại học Dartmouth 

Họ không biết rằng có một con tàu tên Teddy Bear đã rời Nome ngày 20/8/1922. Tàu do một người có kinh nghiệm nhất về vùng Bắc Cực điều khiển: Thuyền trưởng Je Bernard, một người Canada gốc Pháp đã đi lại ở vùng Bắc Cực hàng chục năm qua và sống trong cộng đồng người Inuit bản địa. Tuy nhiên, do điều kiện băng giá nghiêm trọng, tàu không thể đi tới Wrangel và buộc phải quay về.

Trên hòn đảo, tình hình đã trở nên tuyệt vọng. Thức ăn khan hiếm. Không còn săn được thú nữa. Ada và những người khác cho rằng gấu, hải cẩu, cáo vẫn còn nhiều, nhưng họ không biết rằng thỉnh thoảng, những loài vật này sẽ thay đổi nơi ở từ năm này qua năm khác. Khi hải cẩu rời đi thì gấu Bắc Cực cũng phải đi nơi khác tìm thức ăn. Mọi chuyện còn tệ hơn khi Lorne mắc bệnh scurvy, căn bệnh do thiếu vitamin C. 

Allan và những người khác quyết định hành động. Ngày 29/1/1923, Allan, Fred và Milton rời trại. Họ định vượt 1.127km biển Chukchi đóng băng để tới East Cape, Siberia bằng ván trượt, xin hỗ trợ và thức ăn, để lại Ada chăm sóc Lorne. Họ nghĩ chuyến đi sẽ mất từ 60 đến 70 ngày. Khi họ chia tay nhau, họ hứa sẽ quay trở về cùng một con tàu vào mùa hè ngay khi băng tan.

Lúc đó, Lorne đã yếu tới mức không thể viết nhật ký, vì thế Ada bắt đầu viết nhật ký, cẩn thận ghi chép các sự kiện hàng ngày. Có lần cô viết: “Cảm ơn Chúa vì tôi vẫn sống”.

Mặc dù Ada là người Inuit nhưng cô không biết gì về sinh tồn nơi hoang dã. Không ai dạy cô cách săn bắn hay bẫy thú, nhưng giờ cô không còn lựa chọn nào khác là phải tự học. Mỗi ngày, cô đi bộ hàng kilomet để tìm thức ăn cho mình và Lorne. Để tự vệ, cô mang theo một con dao, nhưng nghĩ tới việc gặp phải gấu trên băng là cô kinh hãi. Cô thường xua gấu khỏi trại, nhưng đó là khi đang dựng khu vực quan sát phía trên và cô thường được cảnh báo trước. Ada biết cô phải tự học cách bắn súng và cô đã dựng các tấm bia tạm bằng hộp trà rỗng rồi tập bắn tiết kiệm để không lãng phí đạn. Cô cũng lần đầu tiên làm một chiếc thuyền bằng da.

Chú thích ảnh
Ada làm lưới bắt cá. Ảnh: Thư viện Đại học Dartmouth

Nhưng dù Ada làm việc chăm chỉ tới đâu thì Lorne ngày càng mất kiên nhẫn với Ada khi triệu chứng bệnh nặng lên. Anh mắng mỏ cô, nói cô lười biếng, vô dụng và rằng chồng cô đã đúng khi dùng bạo lực. Có lúc, Lorne còn ném sách vào người Ada.

Ada thừa nhận trong nhật ký: “Đây là cuộc sống tệ nhất mà tôi từng sống trên thế giới này. Mặc dù tôi đã làm đủ việc mệt nhọc và cố gắng hết sức trong mọi việc rồi, nhưng khi tôi về để nghỉ ngơi thì một gã đàn ông lại ném vào tôi đủ mọi từ ngữ, vậy thì tôi biết làm sao”.

Dù vậy, Ada vẫn tiếp tục chăm sóc Lorne, làm nóng cát mỗi ngày để đặt dưới bàn chân, thay các túi bột yến mạch để ngăn Lorne bị lở loét khi nằm liệt giường, đổ phân cho anh ta, giữ lửa cháy liên tục. Đầu năm 1923, ngay cả Ada cũng bắt đầu đau người, mệt và yếu vì bệnh scurvy giai đoạn sớm.

Lorne bắt đầu chảy máu dưới da và mũi, răng lung lay, mất cảm giác thèm ăn và chân bắt đầu xuất hiện vết tím. Năm 1924, tờ Los Angeles Times viết về cuộc thám hiểm đảo Wrangel: “Ada vừa là bác sĩ, y tá, bầu bạn, người phục vụ và là người săn bắn”.

Trong nhật ký, Ada viết về Lorne: “Anh ta không bao giờ ngừng lại để nghĩ xem phụ nữ phải vất vả thế nào khi làm việc của 4 người đàn ông, từ việc lấy củi, săn bắn thú để ăn cho anh ta, dọn giường cho anh ta và đổ phân cho anh ta”.

Mặc dù rạn nứt nhưng hai người vẫn cùng chuyện trò để giết thời gian và Lorne đã đưa cho Ada quyển kinh thánh của mình để Ada đọc bên cạnh con mèo Vic.

Tuy nhiên, tới ngày 22/6/2023, Lorne chết sau 6 tháng đau đớn. Ada còn lại một mình trên đảo Wrangel.

Chú thích ảnh
Ada đứng cạnh một lều của nhóm thám hiểm. Ảnh: Thư viện Đại học Dartmouth

Sau khi Lorne chết, Ada chất các hộp quanh giường để thú hoang khỏi ăn thịt và sau đó dọn vào khu lều để thực phẩm cùng con mèo. Lúc nào Ada cũng nghĩ tới con trai Bennett và biết mình phải dồn sức lực để sống sót. Cô viết: “Mình phải sống. Mình sẽ sống”.

Mặc dù đã gần hai năm kể từ khi tới hòn đảo này, Ada không bao giờ từ bỏ hy vọng rằng một ngày nào đó cô sẽ trở về Nome và đoàn tụ với con trai. Sau này, cô kể: “Tôi nghĩ tôi không thể vượt qua nếu không nghĩ tới con trai ở nhà. Tôi phải sống vì con trai”.

Cô không biết rằng khi đó, ngày 2/8/1923, con tàu The Donaldson do đồng nghiệp của ông Vilhjalmur là Harold Noice dẫn đầu đã nhổ neo từ Nome. Đi cùng Harold Noice là 12 người Inuit và một người Mỹ. Khi tàu tới đảo Wrangel ngày 19/8, Harold lo điều tệ nhất đã xảy ra. Ông nói: “Dường như không ai có thể đặt chân lên đây chứ không nói tới việc sống ở một nơi hẻo lánh như vậy”.

Ngày 20/8, một bóng người xuất hiện trên bãi biển. Đó là Ada. Suốt đêm trước, cô đã mơ thấy một con tàu, nhưng khi tỉnh dậy, cô thấy sương mù dày đặc. Ngồi cạnh lò sưởi, ăn sáng với trà, dầu hải cẩu và thịt vịt khô, Ada chợt thấy dưới chân rung lên và một âm thanh ầm ì bên ngoài lều. Lúc đầu, cô đoán đó là tiếng một con hải mã nhưng tiếng đông ngày càng lớn dần. Bước ra ngoài, Ada nhìn qua làn sương mù bằng ống nhòm. Khi sương mù bay đi, cô nhìn thấy đường nét một con tàu rõ ràng. Ada không mơ. Cuối cùng, cô cũng sắp được về nhà.

Ada trở lại Nome ngày 31/8/1923 và sự kiện này gây chấn động dư luận. Báo chí quốc tế gọi cô là Robinson Crusoe phiên bản nữ, nhưng Ada không coi mình là anh hùng. Cô nói “Dũng cảm ư? Tôi không biết. Nhưng tôi không bao giờ từ bỏ hy vọng khi tôi vẫn còn sống”.

Nhưng những người khác, ví dụ như ông Harold, lại cáo buộc cô bỏ mặc Lorne tới chết, bất chấp mọi việc cô tận tình làm để chăm sóc anh ta. Mặc dù cô từ chối gặp nhà báo, nhưng cô có đồng ý trả lời phỏng vấn tờ Los Angeles Times vào tháng 2/1924 để đáp lại những cáo buộc nhằm vào cô. Cô kể: “Suốt hai tháng một mình trên đảo, thật khó khăn. Nhưng những cáo buộc còn gây khó khăn hơn. Những lời đó không đúng chút nào”. Phóng viên càng theo đuổi, cô càng muốn thoái lui.

Trong suốt cuộc đời, những ký ức về khó khăn mà Ada chịu đựng trên đảo Wrangel tiếp tục ám ảnh cô. Cô không bao giờ chấp nhận sự thật rằng Lorne đã chết, còn Allan, Fred và Milton thì biết mất và số phận của họ tới nay vẫn không rõ. Cô kể: “Tôi trải qua thời gian khó khăn khi Lorne hấp hối. Tôi không bao giờ quên điều đó. Tôi khóc khi cậu ấy vẫn còn sống. Tôi đã cố gắng hết sức để cứu cậu ấy nhưng tôi không thể”.

Sau khi về Nome, Ada đón Bennett ra viện và đưa tới Seattle để chữa bệnh. Về sau, cô tái hôn và có thêm con trai tên là Billy. Nhưng khi cô mắc bệnh lao, Ada lại phải bỏ các con trai lần nữa, đưa chúng vào trại trẻ ở Seward, Alaska. Mãi 9 năm sau, Ada mới đoàn tụ với các con.

Chú thích ảnh

Ada đã sống sót một mình trên đảo Wrangel. Ảnh: Thư viện Đại học Dartmouth

Mặc dù ông Vilhjalmur và những người khác kiếm lời từ việc bán sách, xuất bản nhật ký và thuyết trình về cuộc thám hiểm bi kịch, nhưng Ada lại vẫn sống nghèo khó và chật vật tìm việc làm. Sau khi chuyển về Nome cùng hai con trai năm 1937, cô kiếm sống bằng nghề chăn tuần lộc, săn bắn và bẫy thú, những kỹ năng cô tự học trên đảo Wrangel. 

Ông Vilhjalmur từng hứa chia cho cô tiền từ cuốn sách được viết dựa trên các trích đoạn nhật ký của cô, nhưng cô không nhận được một xu. Còn với số tiền Ada nhận từ chuyến thám hiểm, cô có thể trả viện phí cho Bennett. Dù vậy, Bennett không hồi phục hoàn toàn và chết vì đột quỵ năm 1972 lúc 58 tuổi. Ngày 29/5/1983, Ada qua đời vì bệnh lao ở tuổi 85 trong một nhà dưỡng lão ở Palmer, Alaska. Bà được chôn cạnh mộ con trai.

Nhiều năm liền, Billy vận động để bang Alaska chính thức công nhận sự dũng cảm của mẹ anh ở Bắc Cực, quyết tâm không để tên tuổi mẹ bị lãng quên như nhiều người Inuit từng được thuê để hỗ trợ các chuyến đi tới Bắc Cực và hiếm khi được công nhận vai trò quan trọng. Mãi một tháng sau khi bà Ada chết, nghị viện bang Alaska mới chính thức vinh danh Ada là anh hùng thực sự.

Thùy Dương/Báo Tin tức