05:11 10/05/2011

Người nuôi cá lồng sông Chảy kêu cứu

Nghề nuôi cá lồng trên sông Chảy ở xã Đại Minh huyện Yên Bình (Yên Bái) có từ nhiều năm nay, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Gần đây, cá lồng chết hàng loạt khiến người nuôi trở nên khốn đốn và nguy cơ xóa sổ một làng nghề đang dần hiển hiện.

Nghề nuôi cá lồng trên sông Chảy ở xã Đại Minh huyện Yên Bình (Yên Bái) có từ nhiều năm nay, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Gần đây, cá lồng chết hàng loạt khiến người nuôi trở nên khốn đốn và nguy cơ xóa sổ một làng nghề đang dần hiển hiện.

Xóa sổ một làng nghề

Nhiều năm gần đây, nhất là năm 2010, giá cá thương phẩm tăng cao đã giúp người nông dân xã Đại Minh có nguồn thu nhập khá ổn định, nhiều hộ đã tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng bằng nghề nuôi cá lồng.

Người dân nuôi cá lồng đang gặp khó khăn do nguồn nước sông Chảy bị ô nhiễm. Ảnh Đức Tưởng


So với trồng lúa, trồng cây màu và những nghề khác ở nông thôn thì nuôi cá lồng vẫn là nghề cho thu nhập cao hơn cả. Để khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản (trong đó có nuôi cá lồng), tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng cá khi mới được đưa vào sản xuất. Nhờ đó, việc chăn nuôi cá lồng ở đây lại càng phát triển mạnh. Hiện tại toàn xã có 31 hộ nuôi 37 lồng cá, trong đó ở thôn Khả Lĩnh có 17 lồng cá.

Khi nghề nuôi cá lồng ở xã Đại Minh mới hình thành và đang trên đà phát triển thì thảm họa xảy ra: Cá chết hàng loạt không thể phục hồi mà nguyên nhân chủ yếu là do nước thải từ các cơ sở chế biến sắn gây ô nhiễm nguồn nước sông Chảy phía trên khu vực nuôi cá lồng ở Đại Minh. Anh Đoàn Văn Khánh (thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh) cho biết: Năm 2010, gia đình tôi vay ngân hàng 11 triệu đồng để mua cá giống, ngay năm đầu nuôi có lãi gần chục triệu đồng. Năm nay tôi đầu tư nuôi 2 lồng cá với gần 300 cá giống. Bao vốn liếng, công sức của cả gia đình đều dồn vào để chăm chút cho đàn cá, chỉ còn ít ngày nữa là được thu hoạch thế mà giờ đây tiền của, công sức của cả gia đình đều trở thành "công dã tràng".

Theo những hộ nuôi cá lồng, tình trạng cá lồng bị chết đã lác đác xảy ra từ cuối tháng 12/2010 ở một số hộ. Tuy nhiên đến cuối tháng 3 vừa qua, chỉ trong vòng 3 ngày từ 19 đến 21/3 khi nước sông Chảy liên tục vẩn đục, có màu đen cùng với mùi hôi thối đã khiến các lồng cá bị xóa sổ.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, ở xã Đại Minh huyện Yên Bình có 37 lồng cá với khoảng trên chục tấn cá thịt của bà con nông dân ở 2 thôn Khả Lĩnh và Quyết Tiến cá bị chết hàng loạt, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo nhận định của những hộ nuôi cá lồng trên sông Chảy, những hôm cá bị chết hàng loạt cũng là những ngày nhà máy chế biến tinh bột sắn nằm trên địa bàn xã Vũ Linh huyện Yên Bình, cách khu vực chăn nuôi cá của xã Đại Minh không xa tiến hành xả nước thải. Trước đây, vào vụ sản xuất, các cơ sở chế biến sắn này vẫn tiến hành xả nước thải nhưng khi đó hồ thủy điện Thác Bà có đủ nguồn nước liên tục xả ra sông Chảy đã hạn chế phần nào của sự ô nhiễm, độc hại. Thời điểm gần đây, khi nước hồ Thác Bà bị cạn kiệt, việc xả nước của nhà máy không được thực hiện liên tục dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái nêu rõ: "Nguyên nhân khiến cá lồng trên sông Chảy chết hàng loạt là nguồn nước hồ Hang Luồn, suối Hang Luồn, suối Ngòi Bỗng đổ ra sông Chảy đã bị ô nhiễm, vượt quá quy chuẩn môi trường cho phép. Nguyên nhân ban đầu có thể nhận định do nước thải của các cơ sở chế biến sắn trên địa bàn gây ra (bao gồm Nhà máy sắn Vũ Linh của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình và một số cơ sở chế biến của các hộ gia đình dọc suối Ngòi Bỗng và sông Chảy, cụ thể: Các cơ sở của ông Vũ Văn Hiệu ở thôn Đồng Hen, bà Cao Thị Thúy ở thôn Vũ Sơn, xã Vũ Linh cùng một số cơ sở khác ở các xã Vĩnh Kiên, Bạch Hà). Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở này đều đã ngừng sản xuất song nước thải tồn lưu và nước thải ra trước đó đã làm ô nhiễm nguồn nước. Điều này lại xảy ra đúng vào thời điểm Nhà máy Thủy điện Thác Bà không xả nước phát điện hoặc xả rất hạn chế nên đã xảy ra tình trạng chết cá lồng của nhân dân".

Hiện tại, các cơ sở chế biến sắn đã ngừng sản xuất vì thời vụ thu hoạch sắn nguyên liệu đã hết. Thêm vào đó trời đã có mưa, Nhà máy Thủy điện Thác Bà đã xả nước phát điện nên sông Chảy đã bớt ô nhiễm hơn trước. Do vậy việc xác minh làm rõ và quy trách nhiệm cho các đơn vị gây ô nhiễm môi trường sẽ rất khó thực hiện. Thực tế phũ phàng ấy đã đổ lên đầu những người dân nghèo! Hiện họ đang trông chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc này.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã nhiều lần xử phạt hành chính Nhà máy sắn Vũ Linh; UBND tỉnh Yên Bái cũng đã nhiều lần ra quyết định đình chỉ sản xuất tạm thời và yêu cầu nhà máy đầu tư xử lý chất thải vì gây ô nhiễm môi trường trên khu vực này của dòng sông Chảy.

Đức Tưởng