12:10 03/12/2017

Người nhiễm HIV/AIDS không nên bỏ thuốc ARV giữa chừng

Đối với bệnh nhân HIV/AIDS, việc duy trì điều trị bằng thuốc ARV là “cứu tinh” của cuộc đời người bệnh, ARV đã giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh, tinh thần tốt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS tại Bà Rịa-Vũng Tàu lại bỏ dở việc điều trị theo phương pháp này, dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Chị B. (30 tuổi, ở huyện Long Điền) làm nghề nội trợ, là một trong những bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại Bệnh viện Bà Rịa. Chị bắt đầu được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV vào năm 2014. Từ đó đến nay, đều đặn hàng tháng, chị đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và lĩnh thuốc ARV. Chị B. cho biết, dù nhiều lần thay đổi chỗ ở, nhưng chị vẫn duy trì việc điều trị, uống thuốc ARV thường xuyên, bởi qua tư vấn của bác sĩ chị hiểu rằng, nếu uống thuốc không đều đặn, không đúng liều và không đúng giờ... sẽ bị suy kiệt, dễ mắc hàng loạt bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Người nhiễm HIV/AIDS không nên bỏ thuốc ARV giữa chừng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Thế nhưng, không phải bệnh nhân nào cũng có ý thức tuân thủ điều trị ARV tốt như chị B. Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay tình trạng bệnh nhân HIV/AIDS bỏ điều trị giữa chừng là 122/1.788 bệnh nhân tham gia điều trị thuốc ARV, chiếm khoảng 6,7%. Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân không tuân thủ điều trị, trong đó phần lớn rơi vào các trường hợp nghiện ma túy, nghiện rượu, hay những trường hợp phải đi làm xa, nhất là lao động nghề biển. Bên cạnh đó, do bệnh nhân điều trị thuốc ARV bị một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, nổi ban đỏ… nên một số người bỏ uống thuốc.

Bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để tuân thủ điều trị thuốc ARV tốt, bệnh nhân cần được trang bị đầy đủ và hiểu đúng các kiến thức về điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV. Bệnh nhân cần được quản lý, giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế, sự gần gũi giúp đỡ của người thân, được tư vấn, giải thích khi có các tác dụng phụ và những thắc mắc xung quanh việc điều trị.

Hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, cứ 30 ngày, cơ quan y tế mới cấp phát thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân một lần. Do vậy, một số bệnh nhân HIV/AIDS đi làm ăn xa, nhất là đối tượng làm nghề đánh bắt hải sản thường bị “kẹt” vì quy định này, khiến việc uống thuốc điều trị bị ngắt quãng, hiệu quả điều trị thấp, bệnh nhân dễ bị kháng thuốc, làm tăng tỷ lệ bỏ điều trị. “Từ thực tế nêu trên, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đang nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy định này cho phù hợp với thực tiễn nhằm tạo thuận lợi hơn cho các bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV”, bác sĩ Kha cho hay.

“Một nguyên nhân nữa khiến người nhiễm HIV/AIDS bỏ điều trị bằng thuốc ARV là, đến thời điểm này tại Bà Rịa-Vũng Tàu Chương trình chăm sóc điều trị đã không còn được sự hỗ trợ của các dự án quốc tế. Mặc dù đã thay thế nguồn hỗ trợ chi trả chi phí điều trị cho bệnh nhân HIV từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế, song vì nhiều lý do từ khi chuyển khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và thân nhân của họ vẫn còn cao, ảnh hưởng đáng kể việc tiếp cận dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV, rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm và chuyển gửi đến dịch vụ khác”, bác sĩ Bùi Minh Kha cho biết thêm.

Để hạn chế tình trạng trên, thời gian tới ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục hoàn thiện và ổn định các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được kiện toàn theo hướng chi trả từ quỹ Bảo hiểm y tế. Chuyển dần bệnh nhân đang điều trị ổn định về cơ sở nơi cư trú; đồng thời duy trì và tăng độ bao phủ Bảo hiểm y tế của bệnh nhân HIV tại cơ sở điều trị. Ngành cũng sẽ mở thêm cơ sở điều trị ARV tại Trung tâm y tế huyện Xuyên Mộc; chuyển giao việc hỗ trợ, điều trị bệnh nhân HIV tại trại giam, cơ sở cai nghiện về đơn vị tuyến huyện đảm nhiệm. Cụ thể, cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ do Trung tâm y tế huyện Tân Thành thực hiện, trại giam T345 Xuyên Mộc do Trung tâm y tế huyện Xuyên Mộc thực hiện.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong 6 năm gần đây, số ca nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm HIV của tỉnh vẫn ở mức cao so với các địa phương trong toàn quốc (đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ hiện nhiễm HIV/100.000 dân; 22/63 tỉnh, thành phố về số lượng người nhiễm còn sống trên địa bàn). Kể từ trường hợp phát hiện HIV năm 1993 đến nay, số người nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 4.046 trường hợp, chuyển AIDS là 3.260 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV/AIDS còn sống tiếp cận được là 2.267 và 1.779 trường hợp nhiễm HIV/AIDS đã tử vong.

Trong số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, hiện có 1.819 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc ARV. Bên cạnh việc kéo dài tuổi thọ, thuốc ARV còn giúp người nhiễm HIV có cuộc sống bình thường, sức khỏe được cải thiện tốt.

Hoàng Nhị (TTXVN)