12:17 18/12/2014

Người nghèo Điện Biên vẫn lợp nhà bằng fibroximang

Trong khi người dân các thành phố đã không còn sử dụng tấm lợp fibroximang có chứa chất độc hại amiang trong xây dựng, thì tại nông thôn và nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại tấm lợp này vẫn tồn tại.

Trong khi người dân các thành phố đã không còn sử dụng tấm lợp fibroximang có chứa chất độc hại amiang trong xây dựng, thì tại nông thôn và nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại tấm lợp này vẫn tồn tại.

40% hộ dân sử dụng


Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, hiện nay còn 40% nhà của người dân đang lợp tấm fibroximang. Ông Lò Văn Thoạn, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: “Trước đây, người dân chọn tấm lợp fibroximang vì các loại tấm lợp khác chưa phổ biến, và tấm lợp này phù hợp với túi tiền. Từ năm 2004 - 2006, thực hiện Quyết định 134 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, thì đa phần đều lợp bằng tấm lợp fibroximang. Vấn đề tuyên truyền tác hại cho người dân chưa có hệ thống và thiếu đơn vị chủ trì. Những năm gần đây thông qua các kênh thông tin, người dân đã ý thức về tác hại hứng nước mưa từ loại tấm lợp này nên chuyển sang lợp bằng tấm tôn sắt. Mặt khác, so sánh độ bền thì tấm lợp fibroximang cũng không bằng tôn sắt nên người dân hạn chế sử dụng”.

Chương trình “cứng hóa” lớp học tạm ở Lai Châu từ trước năm 2014 đều dùng tấm lợp fibroximang.


Các lớp học tạm trên địa bàn tỉnh Lai Châu, từ năm học 2013 - 2014 trở về trước chủ yếu sử dụng mái fibroximang, theo tiêu chuẩn “ba cứng” của tỉnh. Ông Vũ Tiến Hóa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: “Hiện nay toàn huyện có trên 30% lớp học tạm lợp bằng tấm fibroximang, vì trước kia giá của tấm lợp này rẻ, phù hợp với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Từ năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục Lai Châu đã ý thức được tác hại từ việc hứng nước mưa ăn uống của thầy cô giáo, học sinh nên đã hỗ trợ tấm lợp tôn sắt trong làm trường lớp tạm. Đầu năm học, Phòng GD & ĐT Nậm Nhùn đã dựng được 24 phòng học tạm, lợp mái tôn sắt, khung gỗ và nền xi măng.

Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBNĐ huyện Mường Tè (Lai Châu) khẳng định: “Từ năm 2007, tất cả chương trình, dự án như Quyết định 1672 của Chính phủ về việc làm nhà cho ba dân tộc Mảng, Cống, La Hủ; Chương trình 167 làm nhà cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số thì huyện đã chủ trương không cấp tấm lợp fibroximang. Tuy nhiên, ưu điểm của tấm lợp fibroximng giá rẻ, trong khi người dân không biết về tác hại của nó mà lại có nhu cầu hứng nước uống nên đã mua lợp. Chính quyền cũng chưa có biện pháp tuyên truyền về vấn đề này, vì chưa có chủ trương của cấp trên, dân hỏi thì chúng tôi biết nên giải thích sơ qua”.

Chưa được tuyên truyền

Huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), người dân thuộc các xã khó khăn, việc nhà ở vẫn lợp tấm fibroximang đang phổ biến, đặc biệt các hộ tái định cư. Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho biết: Cả xã có tới 98% nhà dân đang lợp mái fibroximang, số rất ít có điều kiện mới lợp ngói đỏ hay tấm tôn sắt. Để lợp một ngôi nhà nếu làm bằng loại fibroximang thì chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng, lợp bằng tôn sắt thì mất khoảng 50 triệu đồng. Giá cả chênh lệch nên việc dân chọn lợp tấm fibroximang là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, người dân vẫn không biết về tác hại khi hứng nước mưa từ mái lợp này để uống, chỉ phần ít cán bộ xem ti vi, đọc báo mới biết, nhưng cũng không dám đứng ra tuyên truyền, vì lấy đâu ra chứng cứ để nói cho bà con nghe và hiểu. Mọi người có hiểu rồi thì lấy tiền đâu ra để thay mái nhà?”. Ông Xương mong rằng, các cấp chính quyền có văn bản hướng dẫn cụ thể về tác hại của tấm lợp fibroximang để chính quyền cơ sở tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân. Đồng thời, Nhà nước quan tâm hỗ trợ để người dân nhanh chóng thay loại tấm lợp này, trách ảnh hưởng sức khỏe.

Gia đình ông Lò Văn Sơi, ở xã Mường Cang, cạnh thị trấn Than Uyên (Lai Châu) gom góp làm được ngôi nhà trị giá khoảng 300 triệu đồng, nhưng mái vẫn lợp bằng tấm fibroximang. Ông Sơi nói: Gia đình tôi không biết tác hại của loại tấm lợp này. Bây giờ, tôi biết tác hại rồi thì dỡ bỏ sao được, lấy tiền đâu để thay loại tấm lợp khác…”.


Bài và ảnh: Việt Hoàng