07:08 25/07/2013

Người nặng lòng với văn hóa Cơ Tu

Dù tuổi đã ngoài 80, nhưng vì tình yêu với văn hóa dân tộc mình mà già làng Y Kông người dân tộc Cơ Tu ở thôn Tống Cói (xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) vẫn ngày đêm miệt mài sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của dân tộc mình.

Dù tuổi đã ngoài 80, nhưng vì tình yêu với văn hóa dân tộc mình mà già làng Y Kông người dân tộc Cơ Tu ở thôn Tống Cói (xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) vẫn ngày đêm miệt mài sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của dân tộc mình. Ông được cộng đồng người Cơ Tu nơi ông sinh sống trân trọng như một tượng đài lưu giữ hồn dân tộc.


 

Già làng Y Kông.

 

Ngôi nhà của già làng Y Kông từ lâu không chỉ là nơi đồng bào cơ tu tập trung sinh hoạt văn hóa, mà đã trở thành một bảo tàng thu nhỏ với hàng trăm hiện vật lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của người Cơ Tu ở miền Tây Quảng Nam.


Nhận thấy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình đang dần bị mai một, trong nhiều năm qua, già làng Y Kông đã lặn lội khắp các bản làng để sưu tầm những cổ vật gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Cơ Tu. Đó là những loại nhạc cụ được dùng trong những ngày lễ lớn của cộng đồng, như chiếc tù và thường sử dụng trong lúc cộng đồng gặp nguy nan cần kêu gọi dân làng hợp sức lại để chiến đấu chống lại cái ác, hoặc lúc tổ chức lễ múa hát mừng lúa mới. Hay tiếng trống Tâm Preh âm trầm lúc tế lễ thần linh, mạnh mẽ lúc ăn trâu mừng mùa rẫy mới. Rồi tiếng kèn Abel vang xa tận rừng sâu núi thẳm để gửi gắm những thông điệp của cộng đồng đến thế giới tâm linh, hay điều kèn ngọt ngào đằm thắm khi báo tin người yêu đến…. Ngoài các nhạc cụ, ông còn sưu tầm cả những linh cụ dùng để cầu khẩn thần linh sông núi ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, hay các loại phương tiện dùng trong cuộc sống hằng ngày...


Cùng với việc bỏ công sức và tiền của để sưu tầm, nâng niu và bảo tồn những giá trị văn hóa đang có nguy cơ thất truyền, ông còn cặm cụi dành nhiều thời gian, tâm huyết thổi hồn vào những thớ gỗ, đó là tạc tượng người, tượng linh vật, tượng thần linh sông núi...


Đến nay, tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng già làng Y Kông vẫn luôn lo lắng về việc các giá trị văn hóa của người Cơ Tu đang bị mai một, thất truyền. Mong muốn lớn nhất của gìa làng Y Kông bây giờ là làm sao để lớp trẻ học hỏi, giữ gìn được những giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào. Bởi hiện nay, do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa trong đời sống hằng ngày của người Cơ Tu không còn được như xưa, khiến cho già làng Y Kông không khỏi phiền lòng.


Ghi nhận về những nỗ lực của già làng Y Kông trong việc giữ gìn vốn văn hóa qúy giá của cộng đồng dân tộc Cơ Tu, ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, huyện đã phối hợp với các công ty du lịch lữ hành đưa bảo tàng của già làng Y Kông trở thành một trong những điểm đến du lịch tại địa phương. Việc làm này vừa tạo điều kiện cho già làng Y Kông có thêm nguồn thu nhập, vừa góp phần giới thiệu, phổ biến những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam.


Về lâu dài, huyện Đông Giang sẽ tiến hành thực hiện đề án bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa Cơ tu, góp phần phát huy vai trò của gìa làng, trưởng bản, nghệ nhân trong việc lưu giữ và truyền bá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu, đồng thời hỗ trợ kinh phí vận động cộng đồng dân tộc ở các địa phương trong huyện khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ tại cộng đồng dân cư…


Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung