12:16 17/12/2010

Người mang tương lai cho trẻ tự kỷ

Ở vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng bác sĩ - thầy giáo Huỳnh Tấn Mẫm vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm: Làm sao để có một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ...

Ở vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng bác sĩ - thầy giáo Huỳnh Tấn Mẫm vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm: Làm sao để có một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ khi mà xã hội vẫn chưa có cái nhìn đúng về căn bệnh này? Nghĩ là làm, ông vận động bạn bè góp vốn thuê mặt bằng, xây trường, sắm giáo cụ, thuê giáo viên…

Bỏ tiền túi xây trường

Tháng 7/2010, ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ đã ra đời trong niềm vui khôn xiết của bác sĩ Mẫm cùng các cộng sự, cũng như những gia đình có con mắc phải căn bệnh này. Đó là ngôi trường mang tên Khai Trí, nằm trong con hẻm, ở số 244/25F đường Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh (TP.HCM).

Trường có diện tích gần 3.000 m² với 3 dãy phòng học khang trang, được trang bị đầy đủ máy lạnh, ti vi, đàn organ, camera quan sát cùng nhiều loại đồ chơi phù hợp với trẻ tự kỷ. Vốn đầu tư ban đầu gần 2 tỉ đồng, trong đó bác sĩ Mẫm đóng góp hơn 1 tỉ, số còn lại ông huy động từ bạn bè. Bác sĩ Mẫm chia sẻ: "Khi đã đứng tuổi, vợ chồng tôi mới sinh được hai con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không may là cả hai cháu đều mắc phải căn bệnh tự kỷ. Sau một thời gian kiên trì chữa trị, hiện nay cháu lớn đang học lớp 2, còn cháu út vẫn phải theo học tại trường Khai Trí". Là bác sĩ, ông không đành nhìn con mình bệnh tật. Từ nỗi đau của chính mình, ông thấu hiểu hơn ai hết sự bất hạnh của những gia đình rơi vào hoàn cảnh tương tự. "Nhiều bậc cha mẹ khó lòng chấp nhận thực tế rằng con mình là đứa trẻ khiếm khuyết nên họ tìm mọi cách giấu giếm, đưa con đến trường học dành cho trẻ bình thường. Hệ quả là các cháu không theo kịp bạn bè, trở nên xa cách với mọi người, cảnh vật xung quanh" - bác sĩ Mẫm tâm sự.

Bác sĩ Mẫm cùng trẻ tự kỷ tại trường Khai Trí.


Không chỉ lo kinh phí đầu tư ban đầu, hàng tháng bác sĩ Mẫm vẫn phải tích góp mọi khoản thu cá nhân để bù lỗ cho trường, bởi đa phần các gia đình có con em mắc bệnh tự kỷ thường rất nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt nên nhà trường không dám thu học phí cao. Trong khi đó, chỉ riêng chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng đã lên đến gần 3.000 đô la. "Cũng may là bà xã hiểu được ý nghĩa công việc của mình đang làm nên rất ủng hộ, thậm chí còn gắng sức làm việc để phụ giúp chồng duy trì hoạt động của trường" - bác sĩ Mẫm tâm sự.

Những "quả ngọt" đầu tiên

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm là người hoạt động hết sức năng nổ trong phong trào học sinh-sinh viên trước năm 1975 và từng bị bắt giam nhiều lần. Năm 1964, ông thi đỗ vào trường y và lẽ ra có thể nhận bằng tốt nghiệp vào năm 1970 nhưng chính con đường hoạt động cách mạng đã thôi thúc ông "gác lại" giấc mơ đại học. Sau giải phóng, ông quay lại trường xin học tiếp năm cuối và tốt nghiệp đại học y khoa vào năm 1977.

Đến thăm trường Khai Trí, chứng kiến cảnh những đứa trẻ gần 10 tuổi nhưng trí óc phát triển chỉ tương đương với những đứa bé 1-2 tuổi hay có em không nhận biết được bố mẹ, có lẽ khó có ai cầm được lòng mình. Hiện nay, trường tiếp nhận tổng cộng 28 học sinh là những trẻ em từ 2-10 tuổi mắc phải căn bệnh tự kỷ, gặp khó khăn về giao tiếp và rối loạn phát triển. Chỉ qua 2 tháng điều trị, nhiều học sinh của trường đã có những tiến bộ rõ rệt. Trường có tổng cộng 15 giáo viên và 2 bác sĩ, hầu hết đã tốt nghiệp đại học sư phạm, khoa giáo dục đặc biệt hoặc đã được đào tạo chuyên sâu về ngành dạy trẻ tự kỷ.

Đưa chúng tôi đi thăm trường, bác sĩ Mẫm giới thiệu một cậu bé chừng 7 tuổi với khuôn mặt rất thông minh đang nhìn chúng tôi đầy cảnh giác. Cậu là con một cặp vợ chồng nghèo từ Tiền Giang lên thành phố lập nghiệp. Vợ chồng họ không biết cháu mắc bệnh gì, chỉ thấy hiếu động quá nên suốt ngày lấy dây trói cháu lại cho đỡ quậy phá. Biết chuyện, bác sĩ Mẫm khuyên hai vợ chồng đưa con vào trường Khai Trí. Ông trầm ngâm: "Cũng khó trách họ, vì kiếm sống đã cơ cực lắm rồi, lấy đâu ra tiền chữa trị cho con". Giờ thì cậu bé đã khá lên nhiều, thậm chí còn dám bắt tay thầy Mẫm. Anh H.- một phụ huynh có con học tại ngôi trường này chia sẻ: "Lâu nay cháu không nhận biết được cả ba mẹ mình, thường lẩn trốn khi vợ chồng tôi đến thăm. Giờ đến thăm con, thấy cháu biểu lộ vui mừng, hai vợ chồng tôi vui đến rơi nước mắt".

Sau một ngày bận rộn, ông lại trở về căn nhà nhỏ của mình ở số 156 Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TP.HCM). Hai vợ chồng ông còn đầu tư mở một phòng mạch nhỏ ngay tại nhà để những lúc rảnh rỗi tranh thủ khám bệnh tích cóp thêm tiền phục vụ cho hoạt động của trường. Ông còn đi nhiều nơi vận động kinh phí để giúp trẻ em nghèo bị bệnh tim được mổ tim, vận động hiến máu nhân đạo… "Mong sao có nhiều Mạnh Thường Quân và những người có tấm lòng thiện nguyện hỗ trợ kinh phí để nhà trường mở rộng quy mô hoạt động, chữa trị cho nhiều cháu hơn nữa" - ông mong ước.

Hào Vũ