06:07 28/06/2013

Người Mảng chọn đất làm nương

Hiện nay, những tín ngưỡng dân gian vẫn còn trong tâm thức của đồng bào, theo họ nếu không kiêng kỵ, mơ thấy điều dở mà vẫn tiếp tục làm đám nương đó thì sợ những chuyện chẳng lành xảy ra với những thành viên trong gia đình...

Tập tục xưa của người Mảng là sống du canh du cư dựa vào nương rẫy, với một phương pháp canh tác rất đơn giản, lạc hậu, với số ít công cụ thô sơ tự tạo. Do tập quán du canh du cư như vậy nên kinh tế của người Mảng phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nương rẫy. Rừng cây, bãi hoang trên sườn dốc và trên đỉnh núi là đất họ phát nương. Cũng như các dân tộc khác, người Mảng tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết, trong đó khâu quan trọng nhất là công việc chọn đất.

Ngày nay, nhờ biết kết hợp kinh nghiệm chọn đất với kỹ thuật trồng, bón phân nên năng suất lúa nương của người Mảng đã cao hơn.


Đất nương rẫy càng về sau càng bạc màu, cây trồng không phát triển buộc phải dừng sản xuất và người ta phải đi tìm đám rẫy mới. Dùng dao đào một vài nhát lật đất lên xem đất khu vực đó có tốt hay không, nếu tốt thì làm, nếu không phải đi tìm đám khác. Bằng kinh nghiệm dân gian, đồng bào cho biết khi đào lên thấy đất có màu đen, nâu chứng tỏ đất đó tốt, có nhiều mùn, giàu chất dinh dưỡng, cho năng suất cao và gieo trồng được nhiều vụ hơn. Còn đất có màu đỏ, vàng là đất xấu, bạc màu, có gieo trồng được thì năng suất cũng thấp. Kinh nghiệm nữa cho biết, thường những khu vực nào rừng già, tái sinh lâu năm thì đất ở đó tốt hơn, lớp đất màu tương đối dày. Nếu đào kiểm tra thấy lớp đất màu dày khoảng từ 20 cm trở lên thì trồng lúa được khoảng 5 - 7 vụ.

Thu mùa xong, người Mảng tổ chức cúng ma bản, cảm ơn thần thánh và cầu nguyện cho vụ sau.


Tuy nhiên, trong việc chọn đất và phát nương đối với người Mảng trong tín ngưỡng dân gian cũng có những kiêng kỵ nhất định. Ví dụ: nếu chọn được một khu rừng làm rẫy ưng ý, họ phải phát thử một đám, tối hôm đó về nhà nếu ngủ mơ mổ gà, mổ lợn ăn thịt thì phải bỏ đám rẫy đó, còn nếu mơ ăn cá, ăn ớt thì đó là điều may mắn, họ tiếp tục phát rẫy vì đám rẫy này sẽ cho cây lúa sai bông trĩu hạt.

Có nơi, người Mảng thu lúa về dùng cây gậy đập cho hạt thóc rời khỏi bông, nhưng có nơi vẫn dùng chân vò lúa.


Họ còn quan niệm: khi con chim rừng có màu lông xanh (đồng bào Mảng gọi là chim "banh bong banh bọc") kêu là lúc báo hiệu một mùa phát nương mới bắt đầu. Khi đi phát nương đồng bào thường chọn ngày tốt như ngày con rắn, ngày con công. Kiêng phát vào những ngày con trâu, chó, ngựa, hổ, vì nếu phát nương vào những ngày này thì công việc chặt gỗ, đốn cây khó khăn, rủi ro sẽ đến với mình và gia đình. Lúc đi phát nương mà gặp phải gà rừng, hoẵng hay vật nuôi trong gia đình chết là họ quay về nhà không đi nữa.


Hiện nay, những tín ngưỡng dân gian vẫn còn trong tâm thức của đồng bào, theo họ nếu không kiêng kỵ, mơ thấy điều dở mà vẫn tiếp tục làm đám nương đó thì sợ những chuyện chẳng lành xảy ra với những thành viên trong gia đình, có khi dẫn đến chết người, mặt khác kết quả mùa vụ sẽ không cao. Vì vậy, người Mảng rất cẩn trọng trong phát rẫy làm nương.


Bài và ảnh:Việt Hoàng