10:16 10/10/2016

Người làm sống dậy nghề may da Kiêu Kỵ

Ông Đinh Quang Bào, chủ doanh nghiêp Ladoda, người vực lại nghề truyền thống may da Kiêu Kỵ, xứng đáng được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu: "Công dân Thủ đô ưu tú 2016".

Nhà in mẫu logo sản phẩm. Ảnh: ladoda.com.vn

Với khát vọng vực lại nghề truyền thống may da Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) có nguy cơ mai một, ông Đinh Quang Bào đã vượt qua nhiều khó khăn để phát triển một cơ sở sản xuất nhỏ trở thành doanh nghiệp Ladoda - doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ da hàng đầu Việt Nam. Ông còn mở 50 khóa đào tạo nghề may da cho 2.500 người. Ông Đinh Quang Bào, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ladoda xứng đáng được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú 2016".

Khởi nghiệp không bao giờ là muộn

Ông Đinh Quang Bào cho biết, năm 1992 khi công ty mới thành lập ông đã ở tuổi ngoài 50. Khi ấy, doanh nghiệp chỉ có 5-6 người làm việc trong căn nhà 30m2 ở phố Phủ Doãn (Hà Nội). Diện tích nhỏ hẹp nên cán bộ công ty phải căng bạt, mang cả máy sang vỉa hè làm việc. Để sản xuất được những sản phẩm da ưng ý, ông Bào đã nhiều đêm mất ngủ, tận tâm, tận lực với nghề. Trong thời gian đầu lập nghiệp, nhiều lần ông đích thân đi hàng trăm cây số tự tìm kiếm “đầu ra” và tháo gỡ những khó khăn cho sản phẩm may da. Nhiều lần ông đã phải vay lãi ngân hàng để có tiền trả lương công nhân đúng kỳ hạn.

Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Ladoda chia sẻ: Nghề may các sản phẩm từ da liên quan đến xu hướng thời trang nên để không bị đánh bật trước sự cạnh tranh, đào thải là vô cùng cam go. Ở công ty, ông Đinh Quang Bào luôn là cây sáng kiến đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của người tiêu dùng. Năm 2015 vừa qua, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Bào vẫn tìm tòi, sáng tạo trực tiếp đưa ra ý tưởng để phòng Kỹ thuật thiết kế từ 150 đến 170 mẫu mã sản phẩm mới đưa ra thị trường, được khách hàng ưa chuộng.

Theo ông Bào, bên cạnh việc đưa ra mẫu mã phong phú, doanh nghiệp cũng cần có giá thành sản phẩm hợp lý mới "giữ chân" được người tiêu dùng. Suy nghĩ như vậy, nên trong nhiều năm qua, ông Bào luôn xác định, chất lượng sản phẩm là yếu tố đầu tiên phải nâng cao. Để thực hiện được điều này, ông Bào xác định phải đầu tư cho con người, công nhân phải tinh nhuệ về tay nghề, tâm huyết với công việc, bằng cách thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ với công nhân.

Thành công gắn liền với trách nhiệm xã hội


Hơn hai mươi năm qua, ngoài cơ sở sản xuất khang trang Ladoda ở Gia Lâm (Hà Nội), ông Đinh Quang Bào đã thành lập thêm cơ sở sản xuất ở Văn Lâm (Hưng Yên). Đến nay, tổng số cán bộ công nhân viên thuộc công ty đã lên đến 400 người, với mức lương bình quân khoảng 6 triệu người/tháng. Sản phẩm của Ladoda được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 từ năm 2001 và đã được xuất khẩu đi nhiều nước châu Á, châu Âu… giành được nhiều giải thưởng do người tiêu dùng bình chọn.

Để có được thành công như hôm nay, ông Đinh Quang Bào đã trải qua những năm tháng vất vả kiếm sống trong hoàn cảnh mồ côi cha mẹ. Từ hoàn cảnh của mình, ông Đinh Quang Bào càng thấu hiểu và sẻ chia với công nhân nhiều hơn. Ngoài việc quan tâm đến đời sống, đến chế độ của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, công ty còn dành hơn 3.000 m2 đất để xây nhà ở tập thể cho người lao động của công ty ở miễn phí. Đặc biệt, công ty còn quyết định, tăng 5% lương/tháng cho lao động nữ so với đồng nghiệp nam giới cùng cấp. Lao động trong doanh nghiệp của ông đều được tính thâm niên, khen thưởng, nghỉ phép, chế độ thai sản... như những doanh nghiệp nhà nước.

Nói về chế độ của công ty đối với công nhân, chị Lương Thị Nguyện, làm ở chuyền sản xuất số 7 của công ty cho biết, từ Yên Bái xuống dưới xuôi tìm việc, từ năm 2014, chị được nhận vào Ladoda làm việc. Sau khi lập gia đình với một đồng nghiệp cùng công ty, vợ chồng chị may mắn được ông Bào cho ở miễn phí tại một phòng khép kín khoảng 30 mét vuông. Mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng chị cũng được hơn 12 triệu đồng, do không mất tiền thuê nhà lại gần nơi làm việc, nên vợ chồng chị tiết kiệm được khá nhiều chi phí, có tiền để gửi về gia đình và tiết kiệm.

Hàng năm ông Đinh Quang Bào còn dành khoảng 300- 400 triệu đồng để làm từ thiện, tặng quà trẻ em, người dân ở vùng núi, vùng bão lũ.

Với những đóng góp của mình cho cộng đồng nói chung,Thủ đô nói riêng, ông Đinh Quang Bào đã được nhận nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba, công dân Thủ đô ưu tú năm 2016.

Mạnh Khánh (TTXVN)