06:01 06/06/2013

Người làm giầu từ cây đào, cây mận

Những ngày này, không khí ngày mùa rộn rã khắp nẻo núi rừng cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Người dân vùng cao Mộc Châu đang vào mùa thu hoạch mận, đào.

Những ngày này, không khí ngày mùa rộn rã khắp nẻo núi rừng cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Người dân vùng cao Mộc Châu đang vào mùa thu hoạch mận, đào. Trên các sườn núi, triền đồi, trong thung, hay ngay cả trong các khu vườn nhà, những bóng váy mông xòe rực rỡ, những dáng áo cóm lưng ong, trong trẻo tiếng cười, tiếng nói rộn ràng...


 

Gia đình ông Lít đang thu hái mận.

 

Chúng tôi tới thăm rừng mận nhà ông Vì Văn Lít, bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, thị trấn Mộc Châu. Rừng mận, đào nhà ông hiện rộng khoảng 8 ha, bao quanh 4 ngọn đồi và một thung lũng rộng. Ngồi bên hiên nhà sàn trên rừng mận, ông Lít chia sẻ: “Mùa này lên Mộc Châu đi rừng thì vui lắm, nhà nào có rừng cũng phải thuê thêm người từ nơi khác về trẩy cho đúng vụ, vì nếu không trẩy nhanh khi mận chín sẽ rụng, nhưng trẩy sớm quá thì mận lại không ngon. Giống mận hậu của Mộc Châu ngon nhất khi vừa chín, quả mận chỗ đỏ thẫm, chỗ còn xanh thì ăn mới giòn, mới ngọt, bán mới được giá. Năm này mận chín đều và sai quả nên thu hái tập trung bán sẽ được giá cao”.


Cuối năm 1986, sau khi gia đình bị hỏa hoạn trắng tay, chẳng còn gì ngoài đôi bò mẹ con thoát được do chuồng bò ở xa, ông Lít quyết định bán bò để mua giống mận hậu về trồng. Lúc ấy, rất nhiều bà con họ hàng khuyên ông nên giữ lại đôi bò để nhân giống và tạo đàn bò giống như nhiều gia đình khác. Ấy vậy mà ông vẫn quyết trồng mận, vì ông nghĩ: “Nếu nuôi bò cũng phải mất chừng 4 năm mới có thể cho thu nhập, một con bò lúc đó cũng chỉ bán được chừng dăm triệu đồng. Còn trồng mận - đào thì cũng chỉ sau 4 năm là có thu hoạch, trong khi đó, gia đình lại có thể tận dụng khoảng đất bên dưới gốc để trồng các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi… như vậy vừa có thể lấy ngắn nuôi dài mà sau 4 năm vẫn có thu nhập tốt”.


Ông Lít cho biết: Từ năm 1987, gia đình ông bắt đầu trồng cây mận, cây đào đầu tiên, đến năm 2001 thì cây bắt đầu cho trái, tuy nhiên cây còn non, trái chưa nhiều. Cho đến năm 2005, gia đình ông đã có 6 ha trồng đào, mận, cho thu hoạch khoảng 27 triệu đồng. Năm 2006, thu được hơn 30 triệu đồng. Và đến năm 2012, thì gia đình thu được 1,4 tỷ đồng từ việc trồng đào, mận. Ấy là còn chưa kể khoản thu chừng 25-30 triệu đồng mỗi năm từ việc trồng các loại cây xen kẽ bên dưới như dong riềng, gừng, nghệ và chăn nuôi.


Ôg Lít tươi cười khoe, dự kiến năm 2013 rừng mận, đào nhà ông sẽ cho thu hoạch khoảng 80 tấn, giá bán tại vườn lúc chính vụ cao nhất được 30.000 đồng. Dù giờ mới đang là giữa vụ, giá cả còn biến động khi về cuối, nhưng gia đình cũng đã rất vui vẻ, lạc quan về vụ mận, đào năm nay.


Chia sẻ về những thành công của mình, ông Lít cho biết: Đất đồi núi và khí hậu ở vùng cao Mộc Châu đặc biệt thích hợp cho việc trồng mận, đào. Việc chăm sóc hai loại cây này lại rất dễ, không cầu kỳ. Từ nhiều năm nay gia đình ông chỉ mất một lao động là con út của ông thường xuyên chăm lo cho cả khu rừng, những lao động khác thì mỗi tháng 1-2 lần mới lên rừng giúp dọn cỏ và thăm cây.


Hiện nay, nhiều hộ gia đình khác tại bản Nà Bó cũng học theo mô hình của gia đình ông Vì Văn Lít và cũng đã gặt hái nhiều thành công. Cá nhân ông Lít cũng rất nhiệt tình hướng dẫn bà con, chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc trồng và chăm sóc cây mận, cây đào. Theo ông Lít và một số gia đình trồng mận, đào cho biết: Việc trồng và nhân rộng những cánh rừng mận, đào không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà cả môi trường tự nhiên, nguồn nước… cũng được bảo vệ. Những khu rừng đào, mận trên cao nguyên Mộc Châu cũng sẽ nhờ đó mà ngày một nhân lên, xanh hơn, rộng hơn trên khắp các nẻo núi rừng.


Bài và ảnh: Vũ Thanh