10:19 14/10/2014

Người khiếm thị lái thuyền buồm ở Ba Lan

Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng bà Walentyna Koziol, 50 tuổi, người Ba Lan vẫn dễ dàng đảm đương công việc mà ít ai nghĩ bà có thể làm được, đó là lái thuyền buồm.

Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng bà Walentyna Koziol, 50 tuổi, người Ba Lan vẫn dễ dàng đảm đương công việc mà ít ai nghĩ bà có thể làm được, đó là lái thuyền buồm.

Đưa chiếc thuyền buồm nhẹ nhàng rẽ sóng nước xuyên qua màn sương trên mặt hồ Siemianowka ở phía đông Ba Lan, bà Koziol vừa nắm chắc bánh lái vừa bình thản nói: “Tôi không thể nhìn thấy những cánh buồm, nhưng thế thì đã làm sao?”.

Học viên làm quen với tấm bản đồ chữ nổi braille dành cho người khiếm thị. Ảnh: AFP


Thi thoảng bà lại hòa vào những câu hò reo thích thú của những thành viên khác có mặt trên thuyền. “Tôi cảm nhận gió bằng đôi tai, bằng vầng trán và bằng khuôn mặt. Nếu má phải tôi lạnh và tôi cảm nhận được gió thổi mạnh, tôi biết gió đến từ mạn phải”, bà Koziol giải thích cách xác định phương hướng.

Trên vùng hồ nằm gần biên giới Belarus, bà Koziol tự tin lướt thuyền buồm khi tham gia khóa dạy lái thuyền buồm dành cho những người khiếm thị được tổ chức Imago Maris (Ba Lan) đứng ra điều hành.

Cũng như nhiều học viên khác, bà Koziol bắt đầu khóa học từ những tiểu tiết như thắt nút dây thừng cho đến những nguyên tắc bảo đảm an toàn trên. Và dĩ nhiên, phần lí thú nhất bao giờ cũng là thời điểm vận dụng kiến thức mới học được.

Chiếc thuyền buồm của khóa học được trang bị các tấm bản đồ chữ nổi braille, hệ thống định vị toàn cầu GPS với phần mềm giọng nói cùng một bánh lái được lập trình để báo phương hướng và vận tốc.

Cô Ewa Skrzecz, người đứng đầu Imago Maris, cho hay để bảo đảm an toàn tuyệt đối, các thành viên khiếm thị luôn lái thuyền khi có người thị lực tốt đi cùng.

Với Piotr Sokolski, người làm công việc quản lý sổ sách của một cửa hàng ở thành phố Bialystok (miền đông Ba Lan), thì đây là chuyến ra biển bằng thuyền buồm đầu tiên. Người thanh niên gần như mất hoàn toàn thị lực này chia sẻ những bỡ ngỡ của mình: “Tôi không biết là những chiếc thuyền buồm lại nghiêng nhiều như vậy. Ở lần đổi hướng đầu tiên, tôi còn tưởng con thuyền lật đến nơi…”.

Bám chặt vào thuyền, Sokolski không giấu được sự hào hứng: “Tôi cũng không biết là mặt nước lại ở gần đến thế khi chúng tôi ngồi về một phía của con thuyền và chúng tôi có thể chạm tới nó”.

Theo cô Skrzecz, việc lái thuyền buồm có thể giúp những người khiếm thị hình thành sự tự tin. “Khi phải đối mặt với những điều không biết rõ, phản ứng của người khiếm thị không khác người bình thường: một số lo lắng, số khác cởi mở và đón nhận những điều mới mẻ… Chúng tôi khích lệ họ rằng cuộc sống vẫn chưa kết thúc, và việc tận hưởng những điều thú vị là hoàn toàn có thể”, Skrsecz nói.

Trong những năm gần đây, các hiệp hội lái thuyền buồm dành cho người khiếm thị đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Đầu tháng 9 năm nay, 16 đội đua đã cùng nhau tham dự giải vô địch đua thuyền buồm thế giới dành cho người khiếm thị tại hồ Michigan (Mỹ).

Tuy nhiên, Ba Lan vẫn tự hào là quốc gia đi đầu trong phong trào này vì đã duy trì hoạt động đào tạo người khiếm thị lái thuyền buồm trong nhiều năm trên vùng biển Baltic thông qua một dự án có tên “Nhìn thấy biển”. Những khóa học tương tự cũng được tổ chức ở khu vực Masuria nằm ở phía bắc đất nước, nơi có nhiều vùng hồ.

“Chúng tôi muốn cả thế giới biết về kinh nghiệm hướng dẫn người khiếm thị lái thuyền buồm của Ba Lan”, cô Skrzecz, hiện đang viết luận án tiến sĩ về việc người khiếm thị lái thuyền buồm, chia sẻ.

Trong tháng 10 này, Imago Maris sẽ lần đầu tiên thực hiện một chuyến du lịch giao lưu văn hóa ở biển Địa Trung Hải trên chiếc thuyền buồm có tên “Kapitan Borchardt”. Nhiều người khiếm thị, cả nam lẫn nữ mang các quốc tịch Đức, Latvia, Lithuania và Ba Lan đã đăng kí tham gia chương trình này.

“Kapitan Borchardt” sẽ xuất phát từ cảng biển Alicante (Tây Ban Nha), đi qua 2 hòn đảo Majorca, Ibiza và kết thúc hành trình ở Barcelona.

Dù nghe có vẻ như một cuộc du ngoạn trên biển, nhưng cô Skrzecz cho biết, hễ đã ở trên thuyền thì ai cũng phải xắn tay vào làm việc. “Những người khiếm thị luôn luôn là một phần không thể thiếu của thủy thủ đoàn. Đây là nguyên tắc quan trọng. Họ cũng sẽ giong buồm, nấu nướng và đứng canh gác khi đến lượt mình”.


Anh Minh(Theo AFP)