11:07 05/11/2015

Người “kể chuyện” đờn ca tài tử bằng ảnh

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã ghi lại những giây phút vinh quang cũng như những cống hiến thầm lặng của hàng trăm nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần quảng bá, tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo này.


Nghe ảnh kể chuyện


Cuốn sách ảnh “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” của nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Á dày 288 trang, với hơn 1.000 bức ảnh, kể 136 câu chuyện của 150 người, trong đó có những câu chuyện về gia đình có 3-4 thế hệ có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử. Những bức ảnh không đơn thuần chỉ để giới thiệu chân dung “báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật đờn ca tài tử, mà đó chính là những câu chuyện đã được “kể” lại một cách sống động, bằng những khoảnh khắc, góc ảnh đẹp, lạ mà NSNA Nguyễn Á “bắt” được trong suốt 2 năm ròng rã, lặn lội, len lỏi khắp các vùng miền.

Một câu chuyện kể bằng ảnh trong trang sách của Nguyễn Á.

Đó là hình ảnh con người và cây đàn rất chân thực của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, cây đại thụ của nền âm nhạc tài tử Nam Bộ. Là những hình ảnh về GS.TSKH Trần Văn Khê với ngọn lửa tình yêu âm nhạc. Soạn giả - NSND Viễn Châu - vua vọng cổ, hay những hình ảnh về NSND Thanh Hà, cánh chim không mỏi của âm nhạc cải lương. Cuốn sách cũng có danh cầm Văn Giỏi, nghệ nhân Hai Sáng, NSƯT Văn Hai… và rất nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân khác đã miệt mài truyền lửa cho nghệ thuật này.

Trong hành trình không ngơi nghỉ của những cung oán, cung thương sâu thẳm tâm hồn ấy, có cả những người nông dân, những cây âm nhạc dân tộc, những CLB đờn ca tài tử địa phương, những nghệ nhân làng, hay những tài tử nhỏ tuổi ở những miền sông nước xa xôi… Đó là gia đình nghệ nhân ưu tú Năm Đờn (Sóc Trăng) có 4 thế hệ cùng say mê nghệ thuật đờn ca tài tử. Là nghệ nhân ưu tú Quốc Trạch (Vĩnh Long), người hết mình cho tiếng đàn không bị mai một. Nghệ nhân dân gian Tấn Nhì, người sống trọn đời với cung oán, cung thương… Rồi các tài tử “nhí” như Lê Minh Khôi, Nguyễn Trương Thế Thanh… không quá 10 tuổi mà đã biết đàn, hát tài tử rất “ngọt” khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Trong hàng trăm câu chuyện ấy, có không ít câu chuyện rung động lòng người, đó là câu chuyện về nghị lực sống và niềm đam mê bất tận đối với đờn ca tài tử đã giúp nhiều người bước qua “bóng tối”, tìm được “ánh sáng”, mang lại niềm tin cho đời, cho người. Nghệ nhân mù Văn Triển (Trà Vinh), trong một tai nạn không may đã bị mù từ khi 6 tuổi. Năm anh 13 tuổi, để giúp anh đỡ tuyệt vọng, gia đình đã cho anh theo học đờn ca tài tử để mua vui. Bằng sự say mê, bằng tinh thần vượt khó, bằng sự chăm chỉ, cần mẫn cùng sự giúp đỡ của gia đình, của các thầy…, Văn Triển đã trở thành một nghệ nhân đàn khiếm thị tài giỏi, đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nghệ thuật. Câu chuyện tương tự về nghệ nhân Kim Phóng (Vĩnh Long), bị mù từ khi 3 tuổi sau một trận sốt cao. Bằng tình yêu với nghệ thuật đờn ca tài tử, Kim Phóng đã quyết định theo học đàn tranh để tự tin theo đuổi giấc mơ của mình và tốt nghiệp sau hơn chục năm miệt mài. Giờ đây Kim Phóng đang gắn bó với CLB Âm nhạc người khiếm thị (Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long) để chia sẻ ngón đàn, lời ca với những người cùng cảnh ngộ, nhằm giúp các bạn khuyết tật tìm được niềm vui và tự tin từ âm nhạc tài tử…

Cách làm hay để tôn vinh di sản

Trong hành trình 2 năm ròng rã, để nắm bắt vẻ đẹp, cái hồn của nghệ thuật đờn ca tài tử, NSNA Nguyễn Á đã rong ruổi khắp 21 tỉnh, thành ở Nam Bộ, tìm đến từng gia đình nghệ nhân, nghệ sỹ, ghi lại từng gương mặt, từng khoảnh khắc, từng không gian biểu diễn của các nghệ nhân với đờn ca tài tử. Các bức ảnh của anh không chỉ có người nghệ nhân với cây đàn, mà mỗi bức ảnh gắn với một địa điểm, với đặc trưng của từng địa phương; giúp người đọc, người xem hình dung được một cách đầy đủ không gian “sống” rộng lớn của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

NSNA Nguyễn Á sinh năm 1968 ở Bình Dương. Anh là một nghệ sỹ nhiếp ảnh có tài, đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm và ra những cuốn sách ảnh tạo được ấn tượng như: “Họ đã sống như thế” (2009), “Tâm và tài, họ là ai?” (2012), “Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam” (2013), “Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo VN” (2014) và cuốn sách ảnh “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” (2015) .

Chia sẻ lý do khiến anh dành nhiều tâm huyết để thực hiện cuốn sách, NSNA Nguyễn Á cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, mê đờn ca từ khi còn nhỏ và luôn muốn làm một điều gì đó cho nghệ thuật này. Năm 2013, thông tin đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã trở thành động lực để anh quyết tâm thực hiện mong muốn của mình. “Điều khiến tôi ấn tượng nhất khi làm việc với các nghệ nhân, nghệ sỹ, là mỗi người đều cho tôi một cảm nhận chung, là sự dâng hiến cho nghệ thuật. Càng gắn với họ, tôi càng thấy âm nhạc Việt Nam đa dạng và thấm đẫm tình người”. NSNA Nguyễn Á tâm sự.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khẳng định, cuốn sách là một bộ sưu tập tương đối đầy đủ các gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ qua nhiều thế hệ. Những câu chuyện của từng nhân vật, với những đóng góp quan trọng trong hành trình lưu giữ những nét văn hóa của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Cuốn sách cũng là món quà quý giá tri ân với các thế hệ nghệ sỹ, nghệ nhân đờn ca tài tử, đã góp phần bảo tồn phát triển sáng tạo nghệ thuật đờn ca để di sản độc đáo luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa của đồng bào Việt Nam, nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng đánh giá, việc tôn vinh các nghệ nhân, những người nắm giữ di sản bằng những câu chuyện kể của Nguyễn Á đã khích lệ những con người đã dành cả đời để gìn giữ di sản để tiếp thêm sức sống cho di sản và tiếp tục phát huy di sản. “Nếu nghệ thuật nào cũng có những cuốn sách như thế này, thì nó sẽ góp phần bảo tồn những di sản tốt nhất và sinh động nhất”.
Phương Lan