06:08 12/06/2012

Người Hy Lạp chống khủng hoảng bằng “đổi công”

Là một chuyên gia máy tính có thể sửa chữa các loại máy PC, Vassilis Revelas là một người “có giá”. Trong thời buổi cả nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, Vassilis đã tìm được cách vừa để mưu sinh vừa không mai một kỹ năng của mình.

Là một chuyên gia máy tính có thể sửa chữa các loại máy PC, Vassilis Revelas là một người “có giá”. Trong thời buổi cả nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, Vassilis đã tìm được cách vừa để mưu sinh vừa không mai một kỹ năng của mình.

 

Cũng như hàng nghìn người dân khác tại Hy Lạp, nơi thu nhập trong 4 năm qua đã tuột dốc như một cỗ xe không phanh do suy thoái kinh tế, Vassilis sử dụng ngân hàng thời gian - một hình thức trao đổi trực tuyến nơi các thành viên có thể trao đổi dịch vụ với nhau và chi phí không được tính bằng đồng euro mà bằng giờ.


"Tôi thu được 10 giờ làm việc mỗi ngày bằng dịch vụ sửa chữa máy tính cho mọi người", anh Vassilis tâm sự, "đổi lại, sẽ có người đến giúp tôi sửa máy điện thoại, làm tóc, chuyển nhà hay thậm chí giúp tôi học tiếng Tây Ban Nha nữa".

 

Chợ trời Halandr ở thủ đô Aten.

 

Ngân hàng thời gian và các dạng trao đổi dịch vụ khác đang gia tăng tại Hy Lạp và những nước cũng đang bị khủng hoảng tác động như Tây Ban Nha. Cô Christine Papadopoulou, từng chuyên làm công tác tổ chức sự kiện trước khi tham gia hình thức “đổi công” như Valisis nói: “Trước đây cũng từng có ngân hàng thời gian nhưng không nhiều người biết về nó bởi họ không có nhu cầu phải biết. Còn nay lý do mọi người biết về nó là do chúng tôi đang sống trong thời kỳ khủng hoảng”.
Christine cho biết hơn 1.000 người đang đăng ký với ngân hàng thời gian Athens, trong đó khoảng 200 thành viên tích cực thường xuyên sử dụng ngân hàng này để tư vấn và nhận dịch vụ.


“Tôi đã đến nhà một cô gái mà tôi chưa từng quen trước đó và giúp cô ta dọn dẹp phòng ở”, Christine nói. “Nhà cô ấy bề bộn khủng khiếp và tôi đã giúp cô sắp xếp lại mọi thứ”.


Đổi lại Christine nhận được khoản tín dụng 3 giờ đồng hồ mà người cô đã giúp dọn phòng chuyển cho cô qua trang mạng của ngân hàng thời gian.


Xuất phát từ một sáng kiến chống chủ nghĩa tư bản, cũng như nhiều thị trường hàng hóa tự do khác đang nở rộ tại Hy Lạp, ngân hàng thời gian không để các lực lượng thị trường thiết lập giá trị lao động của các thành viên của mình.


Cô Christine nói: “Chúng tôi tin rằng chúng ta đều bình đẳng - một giờ làm việc của bác sĩ cũng ngang bằng với một giờ làm việc của một người quét dọn. Hiện tại chúng tôi mới chỉ có 2 bác sĩ trong ngân hàng thời gian”. Còn Vassilis nói: “Đó là một cách để người ta có được những gì mình cần khi hệ thống kinh tế không thể mang lại. Mặt khác, nó đặt ra những câu hỏi quan trọng về mạng lưới tư bản hoạt động như thế nào”.


Tại một khu chợ trời ở Halandri nằm ở ngoại ô phía bắc thủ đô Aten, quang cảnh khá náo nhiệt diễn ra với những người đang thử giày, nơi kia có trẻ đang chơi đồ chơi, chỗ khác là những thanh niên bước đi với chồng sách nặng, hay những phụ nữ khệ nệ với túi quần áo mà người khác mang đến. Có một điểm giống nhau giữa họ là tất cả hàng hóa đều không tốn một xu.


Anh Kostandin Leka, một kiều dân Anbani đến chợ Halandri cùng cậu con trai 4 tuổi. Thời buổi kinh tế khó khăn đã khiến thu nhập từ nghề lắp kính như anh giảm từ 1.000 xuống còn 650 euro mỗi tháng, mà hai phần ba trong đó đã mất vào tiền thuê nhà. Tại khu chợ trời này, anh vui mừng vì tìm được cho con trai một hộp đồ chơi domino và một cái vòng cổ về làm quà cho vợ. Tất cả đều “không phải trả tiền”, anh nói.


Anh Kostas Kousis, 35 tuổi, một trong những nhà tổ chức chợ trời cho biết: “Các khu chợ như thế này đang hình thành khắp nơi, đặc biệt là những nơi có đông người nghèo. Hầu như thành phố nào cũng có những chợ như vậy. Chúng tôi chia sẻ không chỉ đồ dùng mà cả thực phẩm nữa. Ai có nhiều gạo có thể đổi gạo lấy hoa quả hay thịt. Chuyện này cũng từng xảy ra trước đây nhưng giờ đây thì nó mang tính cấp bách hơn. Chúng tôi đang cố trấn an mọi người rằng họ có thể vượt qua qua thời kỳ khó khăn này”.


Các vấn đề tài chính của Hy Lạp đang làm dấy lên những đồn đoán rằng nước này có thể phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và quay trở lại với đồng nội tệ drachma. Có tin cho hay các nhà lãnh đạo cũng như các công ty đang chuẩn bị cho khả năng này mặc dù đa số người dân không tin như vậy.


Các chợ trời vốn được lập ra ban đầu bởi những hiệp hội môi trường nhưng cuộc khủng hoảng đến đã khiến chúng có thêm chức năng xã hội. Những khách hàng của chợ trời cũng như những người tham gia mô hình “ngân hàng thời gian” cho rằng những sáng kiến này giúp họ có thêm tinh thần đoàn kết để chống đỡ cuộc khủng hoảng hiện nay.


Đỗ Sinh (theo AFP)