01:16 20/01/2020

Người Hà Nội vui chơi ở đâu dịp Tết Nguyên đán Canh Tý?

Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các di tích đền Ngọc Sơn, khu phố cổ Hà Nội hay khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn mở cửa đón khách tham quan, du lịch. Toàn TP Hà Nội có 30 điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa.

15 phút bắn pháo hoa đón mừng năm mới Canh Tý

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, tất cả 30 quận, huyện, thị xã của thành phố cùng bắn pháo hoa đúng thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút.

Chú thích ảnh
Hà Nội có 30 điểm bắn pháo hoa nhân dịp Tết Canh Tý. Ảnh: TTXVN.

Trong đó có 6 điểm pháo hoa tầm cao bao gồm hồ Hoàn Kiếm; vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng); hồ Văn Quán (quận Hà Đông) và thị xã Sơn Tây.

Khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm

Điểm nhấn trong các hoạt động đón Tết Nguyên đán năm nay là Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vào đúng đêm giao thừa tại các sân khấu khu vực diễn ra bắn pháo hoa trên địa bàn thành phố. Trong đó, đáng chú ý nhất sẽ là sân khấu lớn được tổ chức tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Chú thích ảnh
Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm luôn là điểm hẹn du Xuân của nhiều gia đình Thủ đô. Ảnh: TTXVN.

Nhà trưng bày triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàn, Hoàn Kiếm sẽ là nơi tổ chức triển lãm ảnh mừng Đảng - mừng Xuân Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thời gian từ 22/1 - 4/2 (tức từ 28 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến 11 tháng Giêng năm Canh Tý).

Các di tích đền Ngọc Sơn, các không gian văn hóa quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm vẫn diễn ra bình thường. Cùng với đó là các không gian ẩm thực quanh khu vực này có thể sẽ mở cửa ngay từ ngày Mùng 1 Tết để phục vụ khách du lịch.

Khu vực phố cổ Hà Nội

Từ ngày 17/1 đến ngày 9/2 (tức 23 tháng Chạp đến hết 16 tháng Giêng) sẽ diễn ra một loạt các hoạt động văn hóa quanh khu vực phố cổ Hà Nội.

Chú thích ảnh
Không gian sinh hoạt Tết truyền thống tại đình Kim Ngân. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Tại Ngôi nhà Di sản, số 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm diễn ra hoạt động sắp đặt giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội và giới thiệu hoạt động gói bánh chưng.

Không gian trưng bày giới thiệu hình tượng Chuột trong văn hóa dân gian được đặt tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm.

Các tác phẩm tiêu biểu và công đoạn làm nghề của 3 dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng được trưng bày tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, số 28 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm.

Lần lượt trong các ngày Tết sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống nhân dịp Tết Kỷ Hợi. Cụ thể, ngày 25/1 (tức mùng 1 Tết) tại Đình Kim Ngân - 42, 44 Hàng Bạc, P. Hàng Bạc, Hoàn Kiếm; ngày 26/1 (tức mùng 2 Tết) tại Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, P. Hàng Đào, Hoàn Kiếm; ngày 27/1 (tức mùng 3 Tết): Đền Quan Đế - 28 Hàng Buồm, P. Hàng Buồm, Hoàn Kiếm; ngày 28/1 (tức mùng 4 Tết) tại Hội Quán Phúc Kiến - 40 Lãn Ông, P. Hàng Bồ, Hoàn Kiếm.

Khu vực phố bích họa Phùng Hưng

Phố bích họa Phùng Hưng là dự án nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc và nằm trong chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc phối hợp với Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc và các thành phố tại Việt Nam triển khai từ năm 2016. Sau khi hoàn thành, dự án đã vinh dự đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Từ khi đi vào hoạt động, Phố bích họa Phùng Hưng đã trở thành một không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và phố Hàng Mã, chợ hoa Hàng Lược.

Xuân Canh Tý 2020, không gian nghệ thuật phố bích họa Phùng Hưng tiếp tục là điểm nhấn văn hóa tại Hà Nội với các hoạt động chính diễn ra từ 10/1 - 19/1 (tức ngày 16 tháng Chạp đến hết ngày 25 tháng Chạp năm Canh Tý).

Chú thích ảnh
Tái hiện tục lệ xin chữ đầu năm. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Khu vực Hồ Văn thuộc di tích quốc gia Văn miếu, Quốc Tử Giám

Như thường lệ, một Hội Chữ xuân Canh Tý chủ đề “Thành Đức” sẽ được tổ chức ở khu vực hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hội Chữ xuân sẽ kéo dài trong 18 ngày từ 18/1 - 5/2 (tức từ 24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến 12 tháng Giêng năm Canh Tý).

Khu vực Hồ Tây

Hà Nội tiếp tục tổ chức lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2020 tại Hồ Tây. Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2020 diễn ra trong 1 ngày 16/2 (tức ngày 23 tháng Giêng năm Canh Tý).

Chú thích ảnh
Lễ hội vật đầu Xuân. Ảnh: TTXVN.

Khu vực Thạch Thất

Giải vật truyền thống tại Thạch Thất được tổ chức trong 2 ngày 10 - 11/2 tức ngày 17 - 18 tháng Giêng năm Canh Tý tại làng Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Khu vực Bảo tàng Hà Nội

Triển lãm mừng Đảng - mừng Xuân tại Bảo tàng Hà Nội từ 6/1 - 6/2 (tức từ 12 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến 13 tháng Giêng năm Canh Tý).

Chú thích ảnh
Các hoạt động ở Công viên Thủ Lệ thường xuyên hút khách. Ảnh: Tin Tức.

Khu vực Công viên Thủ Lệ

Cũng giống như nhiều khu vực công viên tại Hà Nội, công viên Thủ Lệ - nơi hút khách “nhí” bậc nhất Hà Nội sẽ liên tục mở cửa xuyên Tết. Như vậy, ngay từ sáng Mồng 1 Tết, khách tham quan đã có thể tới các công viên giải trí này để vui chơi.

Các trung tâm thương mại

Hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị lớn đều chỉ đóng cửa từ 12 giờ ngày 24/1 (tức 30 Tết) và hoạt động trở lại vào trưa Mùng 1, Mùng 2 Tết.

Trong đó, các trung tâm chiếu phim nằm trong các trung tâm thương mại này đều hoạt động sớm ngay từ trưa Mùng 1 Tết đáp ứng cho cả những bộ phim công chiếu đúng vào ngày đầu tiên của năm mới. Đây cũng sẽ là điểm hẹn lý tưởng của các bạn trẻ trong dịp đầu Xuân.

Ngoài ra sẽ có hàng chục buổi chiếu phim mừng Đảng, mừng Xuân tại các quận, huyện, thị xã từ 24/1 - 4/2 (tức 30 Tết đến 11 tháng Giêng năm Canh Tý).

L. Sơn/Báo Tin tức