11:16 06/11/2011

Người giữ lửa cho nghề đúc đồng xứ Huế

Ở phường Đúc, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), gia đình của nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Sính nổi tiếng với nghề đúc đồng. Ngoài chuyện làm ăn, ông Sính còn tự hào hơn khi có 2 người con tốt nghiệp đại học, tiếp bước nghề đúc đồng, vượt lên trên cả sự "cha truyền, con nối".

Ở phường Đúc, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), gia đình của nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Sính nổi tiếng với nghề đúc đồng. Ngoài chuyện làm ăn, ông Sính còn tự hào hơn khi có 2 người con tốt nghiệp đại học, tiếp bước nghề đúc đồng, vượt lên trên cả sự "cha truyền, con nối".


Ngoài 75 tuổi, ông Sính hiện là một trong số 5 nghệ nhân dân gian đầu tiên của Thừa Thiên - Huế. Ông cũng thuộc lớp thợ có biệt tài về đúc chuông. Năm 1971, lúc mới 31 tuổi, ông đã đúc được quả chuông cao 3m, đường kính 1,35m, nặng 3 tấn đặt tại Niết Bàn, Tịnh Xá, Vũng Tàu (trong khi chuông chùa Thiên Mụ chỉ nặng 1,8 tấn, cao 2,35m và đường kính 1,35m). Nhưng theo nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, thành công của quả chuông, không phải đơn thuần ở những chỉ số đã nói ở trên, cái cốt lõi của quả chuông là đánh phải kêu to, vang xa, âm thanh phải hay, đi vào lòng người. Muốn vậy phải có sự tính toán để đạt độ chuẩn xác cao, từ khâu pha trộn hợp kim, nung chảy đồng để rót vào khuôn mẫu...


Sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống Phường Đúc - Huế. Ảnh: Internet


Hiện nay, ông Sính nổi tiếng từ trong Nam ra ngoài Bắc với các sản phẩm đúc chuông, đúc tượng. Các sản phẩm nổi tiếng như tượng Trần Hưng Đạo cao 10,2m, nặng 21,6 tấn đặt tại công viên Vị Hoàng (Nam Định); tượng Như Lai cao 4,3m đặt tại chùa Kim Thành-Plâycu; tượng Bác Hồ đặt tại Kim Liên, Huế; tượng bác Tôn Đức Thắng tại An Giang. Sản phẩm chuông của ông còn xuất sang các quốc gia Nê Pan, Hồng Kông, Ấn Độ, Hà Lan, Pháp, Nhật, Mỹ...


Người con trai lớn của ông là Nguyễn Phùng Sơn, tốt nghiệp kỹ sư chế tạo máy hiện phụ trách cơ sở đúc đồng của ông tại Đồng Nai. Người con trai kế là Nguyễn Trường Sơn chọn ngành đúc nhiệt luyện (Đại học Bách khoa Hà Nội) để học dù có lúc bị bạn bè cười chê. Nay Trường Sơn đã theo bố phụ trách cơ sở đúc đồng của gia đình tại phường Đúc. Những kiến thức ở trường Đại học cũng đã giúp anh rất nhiều để áp dụng vào nghề đúc đồng, từ đó anh nhanh chóng trở thành một thợ đúc giỏi. Khách hàng của cơ sở đúc đồng này có khắp nơi, từ trong Nam ra ngoài Bắc, bởi "tiếng lành đồn xa" khắp đó đây và doanh nghiệp của Trường Sơn gắn liền với chính thương hiệu của nghề đúc đồng xứ Huế...


Không ở đâu có làng nghề như ở phường Đúc với tên của một làng nghề được đặt cho địa danh một phường. Toàn phường Đúc hiện có 2 HTX và 59 hộ làm nghề đúc đồng. Tổng vốn kinh doanh của các cơ sở vào khoảng 2.848,5 triệu đồng; trong đó, vốn cố định khoảng 1.380 triệu đồng, còn lại là vốn lưu động. Các cơ sở đúc đồng thu hút 209 lao động, trong đó có 23 thợ giỏi. Tổng doanh thu hàng năm của phường Đúc khoảng 5,5 tỉ đồng. Các sản phẩm sản xuất chính như: hàng thủ công mỹ nghệ bằng đồng, đồ nghi lễ thờ cúng bằng đồng, chuông đồng, lư đồng... phục vụ thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.


Quốc Việt