05:05 13/05/2018

Người giữ hồn Tính tẩu, hát Then trên cao nguyên M’nông

Bài Then “Khúc tâm tình Đắk Nông” đã được Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, dàn dựng, biểu diễn và giành giải B tại Liên hoan đàn Tính toàn quốc lần 2 tổ chức tại Cao Bằng.

Ông Hưu tâm sự, ông chỉ mong có những chiếu then như những chiếu chèo ở đồng bằng Bắc bộ. Ảnh: dantri.com.vn

Cùng cất cao lời Then
Giữa bạt ngàn xanh xanh hùng vĩ
Núi rừng ta lặng lẽ đơm hoa
Lời non nước đậm đà xao xuyến
Nghe bồi hồi thương mến ai ơi
Đắk Nông những chuyển mình cơ hội
Bước trên đường đá sỏi hôm qua
Mời anh đến như là để nhớ
Mời chị qua khỏi lỡ người quen
Khúc tâm tình vang lên vang mãi

(…)

Đó là những câu hát trong bài Then “Khúc tâm tình Đắk Nông” do Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hưu ở thôn 9, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông sáng tác. 

Bài Then đã được Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong dàn dựng, biểu diễn và giành giải B tại Liên hoan đàn Tính toàn quốc lần 2 tổ chức tại Cao Bằng. Ý nghĩa của bài hát là ca ngợi quê hương Đắk Nông tươi đẹp, sự đổi thay mạnh mẽ trên quê hương mới, là lời mời gọi bạn bè, du khách đến với cao nguyên M’nông đầy nắng gió. Đây cũng chính lời chào khách của người nghệ nhân khi biết chúng tôi đến thăm để lấy tư liệu viết bài tuyên truyền về công tác bảo tồn nghệ thuật dân gian đàn Tính, hát Then.

Người cựu binh… mê Tính tẩu

Nghệ nhân Nông Văn Hưu năm nay đã bước sang tuổi 68. Gần ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nhìn ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Trong căn phòng khách rộng rãi, với nhiều bằng khen, giấy khen, những cây đàn Tính được treo trang trọng, ông say sưa kể cho khách nghe về những cây Tính tẩu và làn điệu Then.

Qua câu chuyện, chúng tôi có thể cảm nhận được ông là người hiểu biết về lịch sử, am hiểu sâu sắc về đàn Tính, hát Then. Điều này cũng dễ lý giải bởi ông là người dân tộc Tày, quê gốc ở tỉnh Cao Bằng – cái nôi sản sinh ra loại hình nghệ thuật này, nơi mà cây Tính tẩu, làn điệu Then đã trở thành “hồn cốt” trong văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Theo lời nghệ nhân, hát Then từ lâu đã có mặt ở các bản Tày và là một hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc. Để có những giai điệu Then trong trẻo, ấm áp thì cây đàn Tính là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Cây đàn Tính hay còn gọi là Tính tẩu, xưa kia được đồng bào Tày chế từ quả bầu và gỗ lấy từ rừng; gồm ba bộ phận chính là bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang là bộ phận tăng âm được làm bằng nửa quả bầu khô. Người Tày thường chọn quả bầu khô to, già và tròn từ mùa trước để làm đàn. Cần đàn làm bằng gỗ, có một đầu xuyên qua bầu vang, đầu còn lại được uốn cong hình lưỡi liềm gọi là đầu đàn. Cây Tính tẩu cổ xưa có 12 dây, nhưng hiện nay thường được chế tác thành đàn Tính 2 hoặc 3 dây.

Then có nghĩa là “thiên”. Bà con người Tày quan niệm khúc hát Then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước gửi tới thánh thần. Với người Tày, Then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng. Trước kia, hát Then mang ý nghĩa trang trọng, đặc biệt là vào những dịp tế lễ.

Trong hát Then, đồng bào luôn dùng cây đàn Tính để tạo ra nhịp điệu cho bài hát, tạo không khí khi sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Vì vậy từ lâu cây đàn Tính là một nhạc cụ gần gũi, thân thuộc đi cùng các nghệ nhân và các buổi biểu diễn hát Then tại các bản, làng và ngày hội văn hóa các dân tộc tại nhiều vùng. Cây đàn Tính đối với đồng bào Tày không chỉ là một nhạc cụ dùng trong hát Then mà đã trở thành một vật linh thiêng trong nghi lễ cúng Then của các thầy Mo ở bản Tày.

Đồng bào Tày, Nùng, Thái quý cây đàn Tính như một vật thiêng trong gia đình mình. Họ gìn giữ từ đời này sang đời khác mà không làm hỏng hay rời bỏ cây đàn. Hơn nữa, để bảo đảm sự linh thiêng trong nghi lễ, các nghệ nhân, thầy Then thờ và bảo quản đàn Tính rất chu đáo, cẩn thận.

Nghệ nhân Nông Văn Hưu tâm sự, trước khi đưa gia đình vào Đắk Nông sinh sống năm 1992, ông là sỹ quan quân đội về hưu với quân hàm thiếu tá. Khi còn công tác trong quân đội, ông là Chủ nhiệm Kỹ thuật, Sư đoàn 322, Quân đoàn 26, Quân khu I. Vào quê hương mới, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội trên cương vị là Bí thư Chi bộ thôn, rồi Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong. Đến năm 2006, ông chính thức nghỉ hưu và chuyên tâm cho niềm đam mê cho cây Tính tẩu, điệu Then. Nhờ có “năng khiếu” âm nhạc, lại đam mê tìm tòi, học hỏi nên ông có thể chế tác được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, trong đó có Tính tẩu. Đến nay, ông đã chế tác được gần 250 cây đàn Tính. Với ông mỗi một cây đàn được tạo ra đều chứa đựng trong đó cả kỹ thuật và nghệ thuật. Ông chế tác đàn chủ yếu gửi tặng bạn hữu có cùng niềm đam mê...

Mong muốn đưa đàn Tính, hát Then vào trường học 

Truyền dạy đàn tính, hát then trong trường học. Ảnh: baodaknong.org.vn

Theo nghệ nhân Nông Văn Hưu, ở quê hương mới Đắk Nông có rất đông đồng bào Tày, Nùng, Thái từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống. Đồng bào vào đây lập nghiệp vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, trong đó đặc trưng là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian đàn Tính, hát Then. Bởi vậy, trong công việc lớn, nhỏ của gia đình hay trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, các ngày lễ lớn của cộng đồng dân tộc thì tiếng Tính tẩu, làn điệu Then luôn làm trang trọng cho buổi lễ và tăng thêm niềm vui.

Cũng vì nặng lòng với Tính tẩu, điệu Then mà năm 2007, ông cùng nhiều nghệ nhân khác đã thành lập Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong. Hiện nay câu lạc bộ duy trì với 16 thành viên và hoạt động rất bài bản. Mỗi khi địa phương có hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, sự kiện chính trị lớn, Câu lạc bộ hát Then do ông làm chủ nhiệm đều có những tiết mục đặc sắc góp phần vào sự thành công chung. Ngoài tập những bài Then cổ mang đậm tính nghi lễ, nghệ nhân Nông Văn Hưu nghiên cứu, sáng tác nhiều bài Then mới theo các chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự đổi thay của cuộc sống trên quê hương mới…

Đến nay, nghệ nhân Nông Văn Hưu đã sáng tác được hơn 150 bài Then. Nhiều bài Then hay, ý nghĩa do ông sáng tác như: Khúc tâm tình Đắk Nông, Pắc Pó mùa thu (ca ngợi Bác Hồ), Lời Then dâng Bác, Lời chào xứ Lạng, Đắk Nông kính chào quý khách… do chính Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong dàn dựng và biểu diễn đã nhận được nhiều giải thưởng cao trong các liên hoan đàn Tính, hát Then của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Năm 2015, nghệ nhân Nông Văn Hưu vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú vì có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn đàn Tính, hát Then.

Trong thời gian tới, nghệ nhân Nông Văn Hưu hy vọng đàn Tính, hát Then sớm được đưa vào chương trình trong nhà trường ở những nơi có đông học sinh đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Theo ông, ngoài việc sân khấu hóa bằng những “chiếu Then” thì việc dạy cho học sinh biết đánh Tính tẩu, hát các làn điệu Then chính là cách bảo tồn loại hình văn nghệ dân gian này bền vững nhất. Ý tưởng này đã được sự đồng thuận của lãnh đạo xã và Ban giám hiệu nhiều trường học trên địa bàn.

Nghệ nhân Nông Văn Hưu cho biết, việc mở lớp dạy đàn Tính, hát Then sẽ được thực hiện ngay trong dịp hè này. Hiện nay ông đang biên soạn giáo trình giảng dạy, lựa chọn những nghệ nhân trong Câu lạc bộ hát Then làm giáo viên, phối hợp với các trường học tuyển sinh các cháu học sinh có năng khiếu… để việc mở lớp diễn ra đúng kế hoạch. “Lớp dạy hát Then sẽ chiêu sinh các cháu học sinh lớp 5 và cấp 2, bởi đây là lứa tuổi phù hợp nhất. Trước khi lớp học được mở, sẽ có buổi thử giọng để lựa chọn các cháu có năng khiếu”, nghệ nhân Nông Văn Hưu cho hay.

Nghệ nhân Nông Văn Hưu cũng rất trăn trở với việc bồi dưỡng các lớp nghệ nhân kế cận. Theo ông, hiện nay, những nghệ nhân “không chính danh” đang làm khá tốt việc duy trì loại hình nghệ thuật này. Tuy vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật đàn Tính, hát Then một cách bài bản, bền vững cần phải có các lớp nghệ nhân kế cận và “chính danh” (được phong Nghệ nhân Ưu tú, hoặc Nghệ nhân Nhân dân). Để làm được điều này, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước phải quan tâm, tạo điều kiện cho những nghệ nhân “chưa chính danh” tham dự các hội thi, liên hoan để bổ sung vào bản thành tích nhằm hoàn thiện hồ sơ phong tặng hoặc có sự linh hoạt trong tiêu chí phong tặng đối với các nghệ nhân lớn tuổi.

Nói về những đóng góp của nghệ nhân Nông Văn Hưu với công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, ông Hoàng Văn Tám - Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong, huyện Cư Jút nhận xét: Bác Nông Văn Hưu, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã là một đảng viên gương mẫu. Bác đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, nhất là việc duy trì khối đại đoàn kết và công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Nghệ nhân Nông Văn Hưu là người có tâm và am hiểu sâu sắc về nghệ thuật đàn Tính, hát Then. Đảng ủy, chính quyền xã luôn khuyến khích và hỗ trợ để bác truyền dạy, đào tạo các nghệ nhân, các cháu học sinh về đàn Tính, hát Then. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tích cực của loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo này.

Anh Dũng (TTXVN)