12:07 23/12/2020

Người giáo viên có nhiều sáng kiến trong giảng dạy ở vùng cao

18 năm sau ngày ra trường, cô giáo Bùi Thị Thuyên tình nguyện về công tác tại Trường Tiểu học xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu) “gieo chữ” cho con em đồng bào các dân tộc nơi đây.

Kể từ năm 2002 đến nay, cô Thuyên luôn trăn trở đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, giúp các em học sinh nắm bắt kiến thức nhanh và dễ hiểu.

Chú thích ảnh
Cô giáo Bùi Thị Thuyên luôn vận dụng linh hoạt hình thức học theo nhóm, tạo hứng khởi cho học sinh dân tộc thiểu số say mê học tập. (Ảnh do nhân vật cung cấp). 

Những ngày đầu mới về trường, cô Thuyên gặp không ít khó khăn vì cơ sở vật chất nhà trường còn tạm bợ, nhà tre vách nứa. Để đến được trường, cô thường phải đi bộ, leo dốc. Ngày ấy do chưa có điện lưới quốc gia nên buổi tối cô phải thắp đèn dầu để soạn bài.

Cô Thuyên tâm sự: “Ngày mới về trường, nơi đây rất vắng và buồn, có đôi lúc tôi đã dao động nên có ý nghĩ muốn chuyển về xuôi hoặc vùng thuận lợi hơn vì các đồng nghiệp cùng khóa với tôi cũng đã chuyển vùng về quê. Nhưng khi nghĩ đến tình cảm của bà con dân bản và các em học sinh đã dành cho tôi trong những lúc khó khăn nhất, tôi lại cảm thấy như mình có lỗi. Và tôi đã bỏ ý nghĩ đó mà tập trung vào việc tự học, tự nghiên cứu để có phương pháp dạy học phù hợp với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin với đồng bào”.

Xuất phát từ tình thương yêu con trẻ, với lòng nhiệt huyết, ban ngày cô Thuyên dạy cho các em kiến thức, buổi tối cô lại cần mẫn dạy lớp xóa mù chữ cho các đối tượng là người lớn chưa biết chữ ở thôn, bản. Nhờ đó mà đến nay nhiều gia đình cả ba thế hệ đều theo học lớp cô Thuyên. Có học sinh của cô sau này trở thành cán bộ xã, bí thư, trưởng bản đã quay lại thăm cô vào dịp Tết hay ngày 20/11...

“Tôi rất mừng khi chứng kiến học sinh của mình đã trưởng thành, cuộc sống đã có nhiều đổi thay trên chính quê hương mình, bản làng mình, góp phần xây dựng đất nước”, cô Thuyên xúc động.

Thời gian cứ thế trôi đi, hưởng ứng các cuộc vận động của ngành giáo dục và phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Thuyên luôn tích cực đổi mới, tìm tòi, học hỏi để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, soạn bài, quản lý hồ sơ… cũng như có những sáng kiến, cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Với phương pháp dạy chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, cô Thuyên đã quan tâm đến việc học sinh tiếp nhận được gì sau mỗi tiết học, khuyến khích các em phát biểu, trao đổi nên nhiều em đã tiến bộ rõ rệt.

Cô Thuyên cho biết: “Để đảm bảo được điều đó, mỗi giáo viên phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập theo nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học, cần bổ sung các chủ đề học tập thích hợp nhằm phát triển năng lực tự giải quyết các vấn đề, từ đó giúp cho học sinh tự tin”.

Bên cạnh việc đổi mới, cô thường xuyên quan tâm đến các em, hiểu tính cách của từng học sinh, giúp các em thoải mái trong môi trường học tập, trao đổi với thầy cô và bạn bè. Không dừng lại ở đó, cô Thuyên đã kết hợp và vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học để không gây sự nhàm chán cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và hứng thú, say mê.

Qua nhiều năm nắm bắt tâm lý học sinh vùng dân tộc cộng với việc tích lũy kinh nghiệm của bản thân, học hỏi những đồng nghiệp đi trước, cô Thuyên đã đưa ra được sáng kiến về “Một số biện pháp nâng cao chất lượng học toán cho học sinh lớp 1A1 - Trường PTDT bán trú Tiểu học Hồ Thầu”; sáng kiến “Một số biện pháp rèn đọc cho học sinh dân tộc Dao - Trường PTDT bán trú Tiểu học Hồ Thầu”; sáng kiến “Một số biện pháp rèn viết đúng chính tả các tiếng có âm đầu là T và Th cho học sinh dân tộc Dao lớp 1A, Trường PTDT bán trú Tiểu học Hồ Thầu”…

Những sáng kiến này không chỉ mang lại hiệu quả đối với học sinh trong lớp cô phụ trách mà còn được tất cả các khối trong trường vận dụng. Với tâm niệm, trong bất kỳ phong trào thi đua nào, mỗi người dù ở vị trí cao hay thấp cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Chính từ suy nghĩ ấy, cô Thuyên xứng đáng là người giáo viên mẫu mực, người đảng viên gương mẫu của Trường Tiểu học Hồ Thầu.  

Ngoài việc thực hiện tốt mọi chức trách được giao, đối với đồng nghiệp, cô Thuyên luôn giúp đỡ, chỉ bảo ân cần như người chị, người em trong gia đình. Với học sinh, cô luôn mẫu mực, giúp đỡ, coi học sinh như con em mình, chỉ bảo tận tình, thấu hiểu tâm tư các em để động viên, khích lệ. Vì vậy, trong những năm qua, cô Thuyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Hội đồng cấp tỉnh xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 15 năm 2020.

Cô Thuyên trăn trở: “Năm học 2020 - 2021 là năm thực hiện đổi mới sách giáo khoa, là giáo viên công tác trong ngành giáo dục, tôi cùng đồng nghiệp tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của ngành. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực giúp cho học sinh chiếm lĩnh kiến thức một cách chủ động, đạt được những yêu cầu đặt ra…”.

V.T/Báo Tin tức