06:10 23/06/2011

Người gần nửa thế kỷ "vác tù và hàng tổng"

Nếu có kỷ lục về “Người phát đài thôn lâu nhất” thì có lẽ nó sẽ thuộc về ông Lê Gia Vận, thôn Mai Động, xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Gần nửa thế kỷ qua, với hệ thống truyền thanh cũ kỹ, ông đã cần mẫn đưa “ý Đảng” đến với “lòng dân”, góp phần giúp người dân xây dựng cuộc sống mới.

Nếu có kỷ lục về “Người phát đài thôn lâu nhất” thì có lẽ nó sẽ thuộc về ông Lê Gia Vận, thôn Mai Động, xã Trung Lương, huyện Bình Lục (Hà Nam). Gần nửa thế kỷ qua, với hệ thống truyền thanh cũ kỹ, ông đã cần mẫn đưa “ý Đảng” đến với “lòng dân”, góp phần giúp người dân xây dựng cuộc sống mới.

Ông Vận và bà Gái đang vận hành “tổng đài”.


Năm 21 tuổi, ông Vận được xã giao phụ trách đài truyền thanh của thôn và ông đã gắn đời mình với “nghề” từ ngày đó đến nay. Ông Vận tâm sự: “Đó là vào những năm 1960, thời kỳ khó khăn nhất trong cuộc đời làm phát thanh của tôi. Khi ấy, bom Mỹ đánh phá ác liệt, vừa lo phát thanh, vừa lo bảo vệ máy móc khỏi bị trúng bom, hỏng hóc. Những năm tháng đó thật khó khăn nhưng lòng tôi luôn thấy vui vẻ, hồ hởi bởi ngày ngày tôi được thông báo cho bà con về tin thắng trận của bộ đội từ chiến trường gửi về. Và có khi chỉ là những thông báo danh sách tòng quân, họp quỹ kháng chiến… cũng khiến lòng tôi vui vì đó cũng là một cách để tôi tham gia giúp đỡ cách mạng”.

Công việc “vác tù và” của ông không phải khi nào cũng gặp thuận lợi. Vẫn biết thông tin là quan trọng, nhưng hệ thống loa của ông không phải đặt ở đâu cũng được. Cũng chính vì thế mà rất nhiều lần ông đã phải lụi cụi leo trèo, tháo, mắc cả bộ phận loa và dây điện rất phức tạp chỉ vì ở gần loa có gia đình nào đó vừa mới sinh em bé hoặc có người bị ốm. Sau đó, ông đã nghiên cứu điều chỉnh công suất chiếc loa từ 16 “ôm” xuống chỉ còn 8 “ôm” để nghe không bị “chói”, âm thanh trầm ấm, có sức truyền cảm cao. Từ đó, bà con trong thôn đã hiểu công việc của “nhà đài” và càng quý mến ông, đó cũng chính là động lực giúp ông gắn bó hơn với “nghề”.

Nghề nghiệp tạo nên thói quen, hằng ngày, ông Vận dậy từ trước 5 giờ sáng để chuẩn bị tiếp sóng chương trình đài 3 cấp, rồi lại đọc nội dung thông tin của xã, thôn cho đến 6 giờ 30 phút. Cả trưa, tối, ông phát tin đều đặn. Vào thời vụ, ông tất bật cả ngày với đài để đảm bảo công tác chỉ đạo sản xuất. Nhờ đài truyền thanh của thôn, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương được chuyển tải đến người dân một cách kịp thời, chính xác. Trong công việc này ông còn nhận được sự giúp đỡ đắc lực của bà Trần Thị Gái, vợ ông. Không chỉ sử dụng hệ thống đài thành thạo như chồng, bà Gái còn có thể sửa được một số hỏng hóc đơn giản. Vì thế những khi ông ốm hay có việc phải đi vắng, “tổng đài” vẫn hoạt động bình thường, chưa một lần bỏ buổi phát.

Căn nhà cấp bốn của ông Vận tuềnh toàng nằm khiêm nhường trong xóm nhỏ, tài sản không có gì đáng giá hơn bộ tăng âm và vài chiếc loa nén (nhưng lại là tài sản của xã). Hiện mỗi tháng ông chỉ được xã trả 40.000 đồng và 10 kg thóc, nhưng chưa một lần ông phàn nàn về chế độ đãi ngộ. Ông Vận nói vui: “Tuy tiền công mỗi ngày không mua nổi gói mỳ tôm nhưng tình cảm của mọi người dành cho thì không tiền nào mua được, đó mới là khoản “thù lao” vô giá!”. Giờ đây, nếu ngày nào không có tiếng đài, mọi người lại kéo đến hỏi thăm, vì tưởng… ông ốm! Bà Tùng, người trong thôn tâm sự: “Cái đài phát thanh của ông Vận như chiếc đồng hồ của cả thôn ấy, mỗi sáng khi tiếng đài vang lên, người lớn dậy ra đồng, trẻ em thức giấc chuẩn bị cho ngày học mới. Trưa cũng thế, nghe tiếng đài người già mới bắt đầu nổi lửa nấu cơm!”

70 năm tuổi đời nhưng đã có gần nửa thế kỷ "vác tù và" với công việc phát thanh của thôn. Ông Vận tâm sự: "Tôi chỉ mong sao bây giờ có chiếc loa với bộ âm thanh mới. Cái này giờ cũ quá rồi, bắt sóng kém lắm. Và quan trọng hơn là làm sao tìm được người kế tục công việc của tôi. Đài của thôn không thể bỏ bê dù chỉ một ngày vì nó đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của bà con rồi".

Ông Lê Gia Quân, trưởng thôn Mai Động đánh giá: Ông Vận là một người rất năng động, nhiệt tình, hết lòng với công việc của thôn. Từ nguồn thông tin của đài thôn, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi đã góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Nếp sống văn hóa lành mạnh, an ninh trật tự luôn được giữ vững, không có tệ nạn xã hội. Đặc biệt, cũng từ sự thông tin của “nhà đài”, Mai Động còn là điểm sáng trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, là thôn nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên. Ngay từ năm 2001, Mai Động đã là thôn đầu tiên của huyện Bình Lục được công nhận là “Làng văn hóa” cấp tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Chinh