12:10 31/12/2021

‘Người được, kẻ mất’ khi Trung Quốc dịch chuyển kinh tế trong năm 2022

Các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc cũng như số mong đợi nguồn đầu tư từ Trung Quốc có thể gặp phải khó khăn lớn.

Chú thích ảnh
Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã công bố chủ trương về xây dựng xã hội "thịnh vượng chung", hướng đến giảm bất bình đẳng thu nhập. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh Trung Quốc bắt tay thực hiện bước chuyển đổi kinh tế sâu rộng nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây, thế giới sẽ phải nín thở trước bài kiểm nghiệm tác động từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là đối tác thương mại lớn nhất thế giới.

Trong bài phát biểu hồi tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh ý định của ông về tái lập ưu tiên phát triển kinh tế, theo hướng mà ông mô tả là “thịnh vượng chung”. Cụm từ này, vốn trở thành khẩu hiệu trong các tuyên bố, tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây, đề cập đến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xử lý vấn đề bất bình đẳng thu nhập tồn tại nhiều năm qua.

Chưa thể biết chính xác tầm mức của chiến dịch này đến đâu. Nhưng việc Trung Quốc mạnh tay xử lý một số ngành như công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, trò chơi trực tuyến, bất động sản trong một năm vừa qua thực sự là lời cảnh báo nhằm vào những lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất tại Trung Quốc.

Cuối năm 2020, Trung Quốc chặn công ty dịch vụ tài chính Ant thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chính quyền cũng siết chặt kiểm soát, không để các tập đoàn bất động sản có núi nợ lớn tiếp cận các khoản vay mới, bất chấp lo ngại về sự đổ vỡ của Evergrande, với khoản nợ lên đến hơn 300 tỉ USD, có thể ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực bất động sản. Kế đến, Bắc Kinh cũng cấm các công ty gia sư, dạy thêm hoạt động vì lợi nhuận, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành có quy mô 120 tỉ USD.

Đến đầu tháng 12 này, điều chỉnh chính sách trên đây khiến giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán bốc hơi 1.500 tỉ USD. Giới phân tích nhận định, một loạt các nền kinh tế đang nổi, nhất là số xuất khẩu nguyên liệu thô và số tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. “Sẽ có những tác động tương đối rõ ràng với bên ngoài và tầm mức sẽ lộ dần trong vài năm tới”, Michael Pettis, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua, nhận định.

Giảm nhu cầu nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô

Trung Quốc là nước có số lượng tỉ phú USD nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, vẫn có tới hơn 600 triệu người Trung Quốc sống với mức thu nhập bình quân đầu người dưới 1.600 USD/năm. Theo Pettis, tái cân bằng thu nhập theo quan điểm “thịnh vượng chung” chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng GDP chậm lại. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu thô. Các nước xuất khẩu hàng hàng hóa thô với thị trường trọng tâm là Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ điều chỉnh chính sách của Bắc Kinh.

Nga, nước xuất khẩu 23,8 tỉ USD chỉ riêng dầu thô sang Trung Quốc trong năm 2020, sẽ bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là trong bối cảnh lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn chặn giao thương của Nga với các nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại quân sự. Angola, nước xuất khẩu 70% sản lượng dầu thô sang Trung Quốc và Brazil, cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Một số nước khác, như Saudi Arabia và Iraq – những nước có 25% xuất khẩu dầu thô chảy sang Trung Quốc, sẽ bị tác động ít hơn, bởi không phụ thuộc quá nhiều vào một khác hàng đơn nhất.

Chú thích ảnh
59% sản lượng quặng sắt xuất khẩu của Brazil có đích đến là Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Còn có nhiều hàng hóa khác giữ vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp hiện đại. 85% quặng sắt xuất khẩu của Australia có điểm đến là Trung Quốc, một tỉ lệ phụ thuộc rất dễ khiến một nước bị tổn thương trước đe dọa và cám dỗ của từ Bắc Kinh trong thời kỳ cầu nhập khẩu thu hẹp. Do Australia còn nhiều nguồn thu khác ngoài quặng sắt, nền khả năng chịu đựng trước sức ép của Trung Quốc là tốt hơn nhiều nước.

Nhưng Brazil và Nam Phi có thể lại là câu chuyện khác. Hai nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào thị trường hàng hóa toàn cầu và vì thế sẽ phải vật lộn vất vả hơn trước điều chỉnh chính sách từ Bắc Kinh. Brazil xuất 59% sản lượng quặng sắt sang Trung Quốc, trong khi tỉ lệ này với Nam Phi là 52%.

Các sản phẩm khác trên thị trường hàng hóa toàn cầu cũng có thể đối mặt với đứt gãy. Chile là nước xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới, trong đó 52% là sang Trung Quốc. Peru cũng xuất tới 68% sản lượng đồng sang Trung Quốc. Nhưng rõ nhất phải kể đến ngành công nghiệp cobalt, nơi Trung Quốc ở vị thế thống trị. Cộng hòa Dân chủ Congo là nước xuất khẩu cobalt lớn nhất thế giới, trong đó 98% là sang Trung Quốc, vì thế tác động mà quốc gia châu Phi này phải gánh chịu là rất lớn.

Có là điều tốt cho thế giới?

Nếu tăng trưởng suy yếu đẩy người tiêu dùng Trung Quốc tiết giảm mua sắm các mặt hàng điện tử, các quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng như Malaysia, Đài Loan, Philippines… sẽ bắt đầu cảm nhận được sức ép. Bởi đây là những đối tác cung cấp chủ lực vi mạch và các cầu thành điện tử cho Trung Quốc, dùng để sản xuất ra một loạt các mặt hàng từ điện thoại thông minh (smartphone) cho tới tivi.

Việc Trung Quốc mạnh tay chấn chỉnh một số ngành kinh tế cũng có thể làm giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đại lục, do các nhà đầu tư quốc tế lo ngại môi trường thiếu chắc chắn. Nhưng dòng vốn của Trung Quốc ra nước ngoài sẽ ra sao, nhất là với các nước nằm trong khuôn khổ hợp tác của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc?

Nếu chiến dịch “thịnh vượng chung” thành công trong việc giảm bất bình đẳng kinh tế, thu nhập, điều đó sẽ làm tăng tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc, do sức mua của đại bộ phận dân chúng tăng lên. “Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội dựa trên tiêu dùng. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm tiết kiệm. Chính điều này sẽ làm giảm khả năng đầu tư ra nước ngoài”, Bert Hofman, Giám đốc Viện Á Đông tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định. Theo đó, Ethiopia, Ai Cập, Venezuela cùng nhiều nền kinh tế đang nổi mong muốn tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc sẽ phải hứng chịu cú sốc.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển chính sách kinh tế của Trung Quốc không phải chỉ đem lại tin xấu cho thế giới trong dài hạn. Tăng tiêu dùng nội địa sẽ làm sống lại nhu cầu mạnh mẽ về năng lượng và khoáng sản, vì thế các nước như Nam Phi, Brazil hay Chile vốn chịu tổn thất trong trung hạn, nhưng sẽ có được đà xuất khẩu phục hồi sang Trung Quốc.

Việc tập trung vào kinh tế trong nước cùng với tăng tiêu dùng nội địa có thể sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu tại Trung Quốc, nước hiện đang duy trì vị thế xuất siêu 535 tỉ USD. Đó sẽ là là một nguồn lực đáng kể giúp cân bằng kinh tế toàn cầu và là điều tốt cho thế giới, ông Pettis nói.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo aljazeera)