05:07 25/05/2018

Người đồng hành cùng Lương Lỗ trong dồn đổi ruộng đất hiệu quả

Xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, là địa phương đầu tiên của tỉnh Phú Thọ thực hiện hiệu quả công tác dồn đổi ruộng đất, tạo một cú hích giúp cho nông nghiệp của xã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong sự đổi thay ở xã Lương Lỗ có vai trò hết sức quan trọng của nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Long.

Ông Nguyễn Văn Long chia sẻ kinh nghiệm quả công tác dồn đổi ruộng đất cho người dân. Ảnh Tạ Toàn/TTXVN

Mẫu mực, chuyên tâm, nói đi đôi với làm là nhận xét của cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân xã Lương Lỗ mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Văn Long, 62 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo thuần nông Lương Lỗ, với hơn 30 năm công tác và trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, ông Long hiểu từng con người, biết rõ từng tấc đất, nắm vững những kinh nghiệm gieo trồng giúp ông thuận lợi hơn trong công việc.

Sau khi đảm đương công việc là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Lỗ nhiệm kỳ 2010-2015, ông luôn trăn trở làm sao đưa kinh tế của địa phương phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Từ băn khoăn đó, năm 2013 ông cùng Ban chấp hành Đảng ủy xã ra Nghị quyết số 37 về công tác dồn đổi ruộng đất trên địa bàn toàn xã, bước đầu tập trung chỉ đạo dồn đổi đất trồng lúa trên cả 8 khu hành chính, với phương châm chỉ đạo: Tổ chức dồn đổi ruộng đất phải ổn định được diện tích đất của các hộ và các khu trong thời điểm chia ruộng đất trước đây theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, ngày 27/9/1993, về việc giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào sản xuất nông nghiệp.

Trong quá trình làm, xã chọn 4 khu hành chính là khu 1, khu 10, khu 11, khu 13 xây dựng làm điểm. Theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ xã, phải hoàn thành trong năm 2013, để có cơ sở rút kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng ra toàn xã. Trong quá trình triển khai, khu 9, khu 12 đăng ký tham gia thực hiện vào đợt 1 cùng 4 khu làm điểm.

Ngay năm đầu triển khai cả 6 khu là khu 1, khu 9, khu 10, khu 11, khu 12, khu 13 đã hoàn thành dồn đổi ruộng đất. Từ những kết quả của 6 khu đã thực hiện được, UBND xã đã đúc rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo cho 12 khu còn lại thực hiện hoàn thành trong năm 2014.

Các khu hành chính đều tổ chức thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đảng bộ và sự chỉ đạo của UBND xã, đảm bảo đúng chính sách, pháp luật đất đai, nhất là đảm bảo đúng, kịp thời vụ gieo trồng của nhân dân. Người dân rất phấn khởi trong việc nhận ruộng để tổ chức sản xuất, số thửa trên hộ đã giảm từ 4-5 thửa xuống còn 1-2 thửa/hộ, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cày bừa.

Ruộng đất được dồn đổi đã đưa năng suất cây trồng cao hơn các địa bàn lân cận, năng suất lúa bình quân từ 58 - 62 tạ/ha, tăng từ 4,5 - 8,5 tạ/ha so với chưa dồn đổi; ngô từ 45-50 tạ/ha, tăng 5 - 10 tạ/ha so với chưa dồn đổi; các loại rau màu đa dạng và mang lại hiệu quả cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng lên đáng kể, năm 2017 đạt 28,3 triệu đồng/người/năm, tăng 15,475 triệu đồng/người/năm so với chưa dồn đổi.

Hiện nay, trên địa bàn xã hầu như không sử dụng trâu, bò trong canh tác, mà đa số sử dụng máy móc cơ giới hóa, tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 95%. Hiệu quả từ công tác dồn đổi ruộng đất đã thể hiện rất rõ trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, xã có 14 máy gặt đập liên hoàn, trên 60 máy cày bừa các loại, năng suất lao động được nâng lên. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống giao thông cũng được đồng bộ tu sửa, cải tạo, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết, khi triển khai Nghị quyết số 37 về công tác dồn đổi ruộng đất gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, đội ngũ cán bộ trưởng khu nhiều đồng chí mới tham gia, nên còn bỡ ngỡ trong công tác chỉ đạo, trình độ của một số cán bộ trong tiểu ban dồn đổi của khu còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong công tác tổ chức, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ còn gián đoạn, kéo dài. Nhiều khu ruộng đất không đồng đều, có nhiều loại đất: tốt, xấu, cao, thấp, xa, gần, việc phân loại ruộng đất để cân đối chia cho các khu trước đây theo kế hoạch dồn đổi năm 1997 còn manh mún, nhỏ lẻ, để thực hiện theo nghị quyết mỗi hộ chỉ có từ 1 đến 2 thửa là khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống cống qua đường theo quy hoạch trước đây nhiều tuyến chưa phù hợp, phải làm mới, mở rộng nhiều. Do vậy nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng quá lớn, trong khi đó nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế, điều kiện kinh tế của nhân dân chưa thực sự ổn định, dẫn đến nguồn huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, một số ít cán bộ, nhân dân có tư tưởng vì lợi ích cá nhân, do gia đình đã có những khu ruộng thuận lợi, dẫn đến không ủng hộ việc dồn đổi.

Để vượt qua những khó khăn đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã chỉ đạo sát sao các cấp ủy Đảng, chính quyền, nêu cao vai trò, tính gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu rõ lợi ích trong công tác dồn đổi ruộng đất. Cùng với đó, việc xây dựng kế hoạch phải sát với tình hình ruộng đất của khu, bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và kế hoạch của UBND xã, quá trình tổ chức thực hiện đều phải được bàn bạc dân chủ, khách quan, không vì lợi ích cá nhân.

Với thành công trên, xã Lương Lỗ đã trở thành mô hình điểm của tỉnh Phú Thọ về công tác dồn đổi ruộng đất, được nhiều đoàn công tác của các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Mô hình của xã đã được nhân rộng ra 26 xã trên địa bàn huyện Thanh Ba và các huyện trong tỉnh như: Hạ Hòa, Cẩm Khê… Xã Lương Lỗ còn là mô hình nghiên cứu của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nghiên cứu, phát triển mô hình dồn đổi ruộng đất.

Với những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Long là một trong 7 cá nhân của tỉnh Phú Thọ được tôn vinh gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước sắp tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Lâm Đào An (TTXVN)