11:15 05/11/2011

Người "đọc sử" dưới đáy sông Hương

Nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan hiện được xem là người "đọc sử" dưới đáy sông Hương.

Tại Thừa Thiên - Huế, các ngư dân trong lúc làm nghề, khai thác cát ở sông Hương đã gặp và vớt được nhiều đồ cổ như thuyền độc mộc và mới đây là chiếc bình cổ có hình củ tỏi, đáy nở, cổ thắt, miệng loe, đế choải, cao 19,5cm và thân rộng 18cm, có giá trị lớn trong việc nghiên cứu văn hóa vùng đất cố đô Huế.

Theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan thì loại bình này được gọi là Kendi gốm (loại bình có vòi mà không quai), thuộc thời đầu của văn hóa Chămpa (192-1306 SCN), niên đại nằm trong khoảng thế kỷ thứ 5. Khái niệm Kendi bắt nguồn từ gốc chữ Phạn Kundika là bình nước. Kendi gốm cổ Chămpa là loại bình có vòi nhưng không quai, dùng để đựng nước thiêng hay loại lễ phẩm khác dùng trong nghi lễ ở các đền tháp, cũng có thể dùng trong đời thường.


Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan bên những đồ gốm cổ chất đầy trên nóc tủ, tường nhà. Ảnh: Nguyễn Đông.

Căn cứ vào xương gốm làm bằng cát lớn, đá vụn thô có thể khẳng định đây là một trong những Kendi gốm cổ nhất trong những Kendi tìm được từ trước đến nay. Điều làm các nhà nghiên cứu khó hiểu đến ngạc nhiên thú vị là chỉ tìm thấy Kendi nằm dưới các dòng sông Huế. Càng về sau, con người đã biết nâng cao kỹ thuật, vẫn trộn cát khi nung (tránh cho bình khỏi vỡ) nhưng cát mịn và thẩm mỹ hơn, ông Hồ Tấn Phan cho biết.

Nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan hiện được xem là người "đọc sử" dưới đáy sông. Ông cũng là người đang sở hữu bộ sưu tập "nơi dòng sông kể chuyện", với trên 10.000 cổ vật gốm, sứ khác nhau, sau hơn 30 năm thu thập. Chính bộ sưu tập này đã biến ông trở thành người tiên phong "mở cuộc khai quật khảo cổ dưới đáy sông Hương", bởi lâu nay người ta chỉ chú ý đến việc khai quật khảo cổ trên cạn.

Ông cho rằng, cổ vật cũng có "linh hồn"; những cổ vật được vớt lên từ sông Hương giúp ta hiểu thêm lịch sử của một vùng đất đã từng tồn tại trước đó có khi tới hàng ngàn năm. Vì thế mà trong một lần đi dọc theo các con sông để tìm mua cổ vật, ông đã mua được hàng trăm di vật san hô hóa thạch đã được vớt lên từ đáy sông Hương. Ngoài giá trị thẩm mỹ, chỉ cần căn cứ vào độ hóa đá dẫn đến thay đổi hình dạng so với san hô thông thường cho thấy loại san hô này đã có từ rất lâu. Đây chính là cứ liệu, giúp các nhà nghiên cứu về sông Hương có thêm nhiều hướng tìm hiểu mới: chẳng hạn như ngày trước biển đã ăn sâu vào đất liền ngược lên phía thượng nguồn sông Hương, vì loại san hô này chỉ có ở vùng nước mặn...

Hiện nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan chia "cổ vật" của mình thành ba nhóm chính tương ứng với ba thời kỳ để nghiên cứu: thời kỳ tiền và sơ sử (là các loại đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người tiền sử như chum, hũ, nồi niêu); loại thứ hai có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XIV; và loại thứ ba có niên đại từ thế kỷ XIV đến thời các vua chúa nhà Nguyễn (loại này đa số bằng đồng như bình vôi, bình hoa, các vật dụng trong cuộc sống hàng ngày... được chạm khắc hoa văn rất tinh xảo).

Ông đang sở hữu nhiều vật dụng gốm cổ như "ông đầu rựa" cũng có nghĩa là "ông núc" của người sơ sử từ giai đoạn đồ đá mới chuyển sang, xác định ban đầu có niên đại khoảng 2.500 năm; một cổ vật quí hiếm khác vừa có hình thù giống chiếc nồi đất và cũng giống chiếc bát (theo ông người sơ sử dùng một vật dụng này với nhiều công năng), dù chưa chính xác tên gọi nhưng theo ông nó cũng có niên đại khoảng từ 2.500 năm đến trên dưới 3.000 năm.../.




Quốc Việt