09:17 23/09/2015

Người dệt “tơ biển” cuối cùng tại Italy

Nghệ thuật dệt sợi “tơ biển” cổ xưa của đất nước Italy đã gần biến mất, ngày nay chỉ còn lại một người phụ nữ biết cách làm ra thứ sợi thần kỳ và đặc biệt quý hiếm này.


"Tơ biển" sáng bóng như vàng trong ánh nắng.


Khác với các loại tơ lụa hiện đại được lấy từ con tằm, bà Chiara Vigo dệt nên những sợi “tơ biển” vàng óng có tên byssus từ nước dãi của một loài trai Pinna Nobilis khổng lồ. Trong câu chuyện xa xưa, byssus là thứ vải mà Chúa trời chỉ dẫn nhà tiên tri Moses dùng để phủ lên bàn thờ Thiên chúa.

Người ta tin rằng đây là thứ sợi tốt nhất tại Ai Cập, Hy Lạp và Rome. Nếu được ngâm đúng cách, byssus sẽ sáng lấp lánh dưới ánh Mặt trời. Thứ sợi này rất nhẹ, mỏng như mạng nhện nhưng lại vô cùng bền trong nước, axit và rượu. Thậm chí người mặc còn không cảm nhận thấy nó chạm vào da mình.

Mùa xuân là thời điểm mà bà Vigo chọn để dệt vải. Mỗi buổi sáng sớm, bà lặn biển để cắt sợi dãi đã đông cứng của con trai Pinna Nobilis. Đây là loài động vật thân mềm có nguy cơ tuyệt chủng với vỏ lớn xòe ra như một chiếc quạt, sống dưới đáy biển Địa Trung Hải. Bà có kỹ thuật cắt đặc biệt nên không hề làm hại con vật quý. Sau khoảng 300-400 lần lặn, bà thu thập được chừng 200 gram nguyên liệu ít ỏi. Và khi có đủ nguyên liệu trong tay, bà đem chúng về xưởng tại hòn đảo Sardinian để bắt đầu dệt sợi.

Bà ngâm chúng trong hỗn hợp của 8 loại tảo biển. Khi đã phơi khô, các sợi dãi của con trai được chải bằng máy chải len rồi xoắn lại với nhau bằng một con suốt gỗ trúc đào. Sợi tơ được quay vài lần cho thêm dai chắc, đủ để tồn tại hàng ngàn năm, bất chấp mối mọt hay lửa cháy.

Bà Vigo cầm vỏ của một con trai Pinna Nobilis.


Theo bà Vigo, nghệ thuật dệt sợi này hình thành cách đây khoảng 10.000 năm tại vùng Trung Đông cổ đại và được công chúa Berenice mang về vùng Sant’Antioco hồi thế kỷ thứ nhất. Kinh thánh cũng từng nhắc gián tiếp tới sợi byssus trong trích đoạn Vua Solomon xuất hiện “tỏa sáng” trước dân chúng. Chính là bởi bộ trang phục ông mặc được làm từ byssus – thứ vải có màu nâu trong bóng tối nhưng lại sáng như vàng dưới ánh nắng.

Giáo sư Gabriel Hagai, Giáo sư ngành nghiên cứu sách chép tay ngôn ngữ Hebrew của Israel, cho hay bà Vigo là người cuối cùng am hiểu nghệ thuật dệt sợi này tại Italy. Các miếng vải dệt của bà Vigo hiện đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng trên thế giới cũng như làm quà tặng cho các vị tổng thống và giáo hoàng. Mỗi mảnh vải này ước tính trị giá hàng trăm ngàn USD. Tuy nhiên, bà Vigo chưa từng nhận tiền hay rao bán sản phẩm này. “Điều này nghe như việc thương mại hóa cú tung cánh của con đại bàng vậy. Byssus là linh hồn của đại dương. Nó rất linh thiêng”, bà nói.

Byssus được tin rằng mang lại vận may và khả năng sinh sản nên bà Vigo tặng miễn phí thứ sợi này cho những người tìm đến bà xin trợ giúp: “Trước đây chỉ có hoàng đế mới mặc vải byssus, ngày nay là những cô gái trẻ, các cặp đôi mới cưới. Tôi dệt chúng cho những người vô gia cư, nghèo khổ, bất cứ ai cần đến nó”.

Nghề dệt “tơ biển” đã trở thành nghề truyền thống của gia đình bà Vigo từ hàng trăm năm nay. Nhưng không ai trong gia đình bà thu lợi nhuận từ nó. Bà Vigo sống dựa vào tiền lương hưu của chồng và tiền ủng hộ của những vị khách tham quan hào phóng.

Một miếng byssus có giá trị hàng ngàn USD nhưng bà Vigo chưa bao giờ rao bán chúng.


Hoàng Trang (theo BBC)