05:08 01/05/2014

Người đánh bộc phá mở màn chiến dịch cánh đồng Chum

Thưa Thủ trưởng, ai mà chẳng sợ chết. Nhưng đi chiến đấu mà cứ diệt được nhiều giặc thì trong lòng thấy vui lắm! Đơn vị giao cho tôi việc gì, tôi sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là câu trả lời của người lính Lê Quang Tạo...

Thưa Thủ trưởng, ai mà chẳng sợ chết. Nhưng đi chiến đấu mà cứ diệt được nhiều giặc thì trong lòng thấy vui lắm! Đơn vị giao cho tôi việc gì, tôi sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là câu trả lời của người lính Lê Quang Tạo (tức Tẹo) ở Tiểu đoàn 13, Bộ Tư lệnh 959 khi thủ trưởng đơn vị giao cho ông nhiệm vụ đánh bộc phá mở màn chiến dịch cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào) mùa hè năm 1971.

 

Ông Tạo ở ngoại thành Hà Nội. Con đường dẫn vào nhà ông được trải bê tông bằng phẳng và sạch sẽ, hai bên đường nhà tầng, biệt thự san sát kề nhau. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang và hiện đại, mắt rưng rưng, người cựu chiến binh 62 tuổi nói rằng: “Tuy được sống trong cảnh thanh bình, dư dả như này nhưng chưa một giây phút nào tôi quên những năm tháng nằm gai nếm mật cùng đồng đội hết ở chiến trường Quảng Trị đến Xiêng Khoảng (Lào), những thời khắc mà súng đạn có thể tước đi sinh mạng mình bất cứ lúc nào”. Câu chuyện của ông đã đưa chúng tôi đến với chiến trường Xiêng Khoảng năm xưa.

 

 

Ông Lê Quang Tạo (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) cùng các đồng đội cũ chụp ảnh kỷ niệm trong buổi gặp gỡ cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (Ảnh do nhân vật cung cấp).


Ông nhớ lại, năm 1967, mặc dù khi đó là đối tượng được hoãn nhập ngũ vì ba người anh của ông đã xung phong ra chiến trường, nhưng ông vẫn làm đơn tình nguyện xin ra mặt trận. Đến cuối năm 1968, ông vui mừng nhận giấy gọi nhập ngũ và được biên chế vào Bộ Tư lệnh Thủ đô; sau đó chuyển về Bộ Tư lệnh Đặc công. Đến tháng 4/1969, ông nhận lệnh sang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào. Khi đó, Việt - Lào đều có chung một kẻ thù là đế quốc Mỹ. Đánh giặc giải phóng nước Lào là nhiệm vụ quốc tế cao cả của bộ đội tình nguyện Việt Nam.


Ngày 24/6/1969, ông và đồng đội tham gia trận đánh đầu tiên trên đất bạn. Nhờ được huấn luyện kỹ càng, với khí thế sôi sục tiêu diệt giặc và lòng dũng cảm, ông Tạo cùng 3 đồng đội đã bắt sống được 25 tên địch giao cho quân đội cách mạng Lào.

 

Bộ chỉ huy chiến dịch 139 (Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện Việt Nam) họp bàn chiến dịch giải phóng cánh đồng Chum. Tại đây, Bộ chỉ huy đã giao nhiệm vụ cho ông Lê Quang Tạo đánh bộc phá mở màn chiến dịch toàn mặt trận (Ảnh do nhân vật cung cấp).


Đến tháng 9/1969, Tiểu đoàn 13 của ông nhận được lệnh quay về chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Hơn một năm sau, vào tháng 10/1970, ông cùng đồng đội được điều động quay trở lại cánh đồng Chum làm nhiệm vụ cao cả của quân tình nguyện Việt Nam. Tại chiến trường Bắc Lào này, ông đã tham gia chiến đấu ở cao điểm 1900A, 1900B, 2000, Phu Lũng Mạc, bản Na, bản Mèo (chiến dịch cánh đồng Chum giai đoạn 1). Sau khi thất bại ở các cao điểm này, địch rút về Xảm Thông - Loong Chẹng. Cố vấn quân sự Mỹ đã thiết kế một vành đai bảo vệ cho sào huyệt này.

Nhiều lần quân ta đã quyết đấu, giành giật với địch từng tấc đất nhằm lấy lại Xảm Thông - Loong Chẹng vì đây là vị trí chiến lược của toàn bộ chiến trường Bắc Lào nhưng không thành công. “Cuối cùng, Bộ chỉ huy mặt trận đã chọn Tiểu đoàn 13 đặc công chúng tôi là đơn vị đánh mở màn chiến dịch, mà then chốt là người đánh bộc phá vào sở chỉ huy của quân địch. Đây là đòn phủ đầu vừa tiêu diệt sinh lực địch tại sào huyệt của chúng, vừa là hiệu lệnh tấn công cho các mũi trên toàn mặt trận, mở màn chiến dịch cánh đồng Chum giai đoạn 2”, ông Tạo bồi hồi nhớ lại.


Vô cùng bất ngờ và vinh dự khi ông được Bộ chỉ huy mặt trận chọn là người đánh bộc phá mở màn chiến dịch. “Trước hôm mở màn chiến dịch một ngày, đồng chí Thành - Đại đội trưởng bảo tôi: Người đánh bộc phá thường bị hy sinh bởi lẽ phải ôm bộc phá chạy qua một loạt hàng rào có mìn gài hỏa lực của địch, với đủ loại súng, pháo bắn chặn, thời gian lại khẩn trương. Hiểu rõ như vậy nên tôi dành hết một ngày để luyện tập. Trước giờ vào trận đánh, tôi được lên gặp đồng chí Tư lệnh mặt trận Huỳnh Đắc Hương - người trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Thủ trưởng Hương hỏi: Đánh bộc phá là nhiệm vụ vinh quang nhưng cực kỳ nguy hiểm, có thể phải hy sinh. Đồng chí có hoàn thành nhiệm vụ được không? Không chần chừ một giây, tôi trả lời Thủ trưởng: Xin Thủ trưởng hãy tin ở tôi. Vì sự nghiệp giải phóng nước bạn Lào, dù có phải hy sinh, tôi quyết hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang”.

Gửi hồ sơ đề nghị phong tặng Anh hùng lên Bộ Tư lệnh Thủ đô

 Tháng 4/2013, tôi có dịp gặp ông Lê Quang Tạo (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) qua lời giới thiệu của một đồng nghiệp. Biết tôi là phóng viên của báo Tin Tức - TTXVN, ông Tạo trình bày hành trình đầy vất vả để đề nghị các cơ quan chức năng xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang dân nhân.

Theo ông Tạo, khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu này, ông thuộc biên chế trong Tiểu đoàn 13 thuộc Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên đất bạn, Tiểu đoàn 13 và Bộ Tư lệnh 959 giải thể nên không còn cơ sở xác minh, thẩm định thành tích và làm thủ tục xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu này cho ông.

Ông Tạo đã có đơn gửi Tổng cục Chính trị xem xét giải quyết. Sau đó, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) đề nghị Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tại Lào làm việc với Bộ Tư lệnh Đặc công (đơn vị đầu tiên tiếp nhận ông Tạo sau khi ông hoàn thành khóa huấn luyện tại Bộ Tư lệnh Thủ đô) để tìm biện pháp thực hiện việc xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho ông. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Đặc công lại cho rằng, trước khi phục viên, ông Tạo thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh 959. Thành tích của ông Tạo phải do Tiểu đoàn 13 và Bộ Tư lệnh 959 xác nhận.

 Sau khi tìm hiểu hành trình đi tìm danh hiệu của ông, tôi đã viết bài báo “Anh hùng chờ danh hiệu” đăng trên báo Tin Tức, số đặc biệt nhân dịp 30/4 và 1/5 của năm 2013.

Sau thời điểm báo đăng, chính quyền thị trấn tiến hành rà soát những trường hợp người có công, trong đó có trường hợp của ông Tạo. Trong năm 2013, Đảng ủy, Hội Cựu chiến binh, Hội đồng thi đua khen thưởng, UBND thị trấn Trâu Quỳ và tổ dân phố nơi ông Tạo sinh sống đã họp và có văn bản trình lên các cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tại Lào, đặc biệt là Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương luôn nhiệt tình giúp đỡ ông trong việc xác nhận, hoàn thiện hồ sơ.

“Cho đến cuối tháng 4/2014, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của tôi đã được hoàn thiện và chuyển lên Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tôi mong là trường hợp tôi sớm được xem xét bởi đây không chỉ là thành tích của riêng cá nhân mà còn là thành tích chung của cả Bộ Tư lệnh 959, của đồng chí, đồng đội tôi”, ông Tạo cho biết.


Trở về đơn vị, vào vị trí chiến đấu chờ lệnh, ông vô cùng hồi hộp, song không một chút băn khoăn do dự trước nhiệm vụ được giao. 1 giờ 15 phút đêm một ngày tháng 5/1971, ông nhận được lệnh hành động. Ngay lập tức, xé màn đêm, ông băng qua một loạt hàng rào đã được đồng đội mở lối, dưới làn đạn của địch bắn xối xả. “Tôi áp sát lô cốt, giật nụ xòe rồi nhanh chóng băng mình chạy ngược lại, được chừng 10 m thì nghe thấy tiếng nổ inh tai nhức óc kèm theo một thứ ánh sáng chói lóa bừng lên giữa màn đêm.

Tôi cảm giác rất rõ rằng mình bị hất tung lên và rồi không biết gì nữa. Đồng đội tưởng tôi hy sinh nhưng chỉ vài phút sau tôi đã tỉnh lại và chỉ bị thương vào chân. Lúc đó, tôi vô cùng tự hào và rất lạ là mặc dù vết thương ở chân chảy máu nhiều nhưng tôi không cảm thấy đau đớn. Với khí thế chiến thắng, tôi tiếp tục cùng đồng đội xông lên tiêu diệt giặc cho đến khi quân ta làm chủ được trận địa”, ông Tạo kể lại chi tiết câu chuyện xảy ra cách đây đúng 43 năm.


Sau chiến dịch này, ông Tạo được tuyên dương công trạng, được tặng Huân chương chiến công hạng Nhất và được Bộ Tư lệnh chiến dịch đề nghị lên cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Huyền Tím