01:09 29/01/2015

Người đảng viên tiên phong ở vùng đồng bào dân tộc

Từ một xã có 12/12 bản đồng bào Mông đều "trắng" đảng viên, đến nay xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã có 86 đảng viên ở tất cả các bản; các chi bộ tại bản cũng không phải sinh hoạt ghép. Đồng bào Mông tin và nghe theo Đảng.

Từ một xã có 12/12 bản đồng bào Mông đều "trắng" đảng viên, đến nay xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã có 86 đảng viên ở tất cả các bản; các chi bộ tại bản cũng không phải sinh hoạt ghép. Đồng bào Mông tin và nghe theo Đảng. Các chương trình, Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống của đồng bào.

Có được kết quả trên là nhờ vào sự tâm huyết, quyết tâm của Thiếu tá Phạm Văn Tôn, Bộ đội biên phòng được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý từ năm 2010.

Chặng đường gian nan

Thiếu tá Phạm Văn Tôn (bên phải) đang trao đổi công việc với đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã.


Từ năm 2010 trở về trước, việc tìm quần chúng tích cực để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên ở Trung Lý gặp vô vàn khó khăn bởi nhận thức của đồng bào Mông về Đảng chưa đầy đủ, chưa mặn mà với việc vào Đảng. Lý do là đồng bào người Mông ở 12 bản của xã Trung Lý đều di cư từ phía Bắc vào. Khi đến Trung Lý một thời gian, họ lại tiếp tục di cư tự do đến các vùng miền khác, gây nhiều khó khăn cho công tác tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Khó khăn nhất là theo Điều lệ Đảng, các đối tượng kết nạp đảng phải học hết bậc THCS, không vi phạm chính sách dân số (không sinh con thứ 3), trong khi hầu hết người Mông ở đây trình độ văn hóa còn thấp, người học cao cũng chỉ đến lớp 6, lớp 7 và đa phần đều có từ 3 - 4 con trở lên...

Để tháo gỡ dần những khó khăn, đồng chí Tôn và Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã làm tờ trình gửi Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị "xem xét" tiêu chí kết nạp đảng đối với đồng bào Mông và đã được Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa chấp thuận chủ trương. Cùng với việc xây dựng các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, phụ nữ, Đoàn thanh niên của xã, thông qua hoạt động của các tổ chức và các phong trào thi đua, những nhân tố tích cực đã được đảng ủy xã Trung Lý bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp vào Đảng.

Ngoài nhân tố tiêu biểu nổi lên từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, một lựa chọn nữa để tạo nguồn phát triển đảng viên là những chiến sỹ bộ đội người Mông ở các bản sau khi xuất ngũ trở về địa phương, bởi đây là những hạt nhân có trình độ nhận thức cao hơn so với mặt bằng chung của đồng bào địa phương. Hơn nữa, họ lại được rèn luyện trong môi trường quân đội, chịu được khó khăn, thử thách và có niềm tin vào Đảng. Từ những nhân tố này, đảng ủy xã và đồng chí Phó Bí thư được tăng cường dày công bồi dưỡng, giao nhiệm vụ, giúp đỡ họ để họ rèn luyện, phấn đấu nâng cao nhận thức chính trị, tính tiền phong gương mẫu của mình. Trên cơ sở đó những hạt nhân tích cực được lựa chọn cử đi học lớp cảm tình Đảng để đưa vào nguồn phát triển đảng viên mới.

Gian nan, vất vả nhất chính là việc xác minh lý lịch của đối tượng kết nạp đảng, bởi tất cả đồng bào Mông ở đây đều có quê gốc ở các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La... Để xác minh được lý lịch, đích thân Phó Bí thư đảng ủy xã Phạm Văn Tôn đã phải đi hàng trăm km về tận các bản của đồng bào Mông ở các tỉnh phía Bắc. Đồng chí Tôn cho biết: Đồng bào Mông di cư theo gia đình từ bé nên nhiều khi họ cũng không biết chính xác mình ở bản làng nào. Hơn nữa đồng bào Mông thường có đến 3 - 4 tên khác nhau do mỗi lần di cư đến vùng đất mới, họ lại đổi tên hoặc đổi tên lót, nên việc xác minh lý lịch càng gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều trường hợp đồng chí Tôn đã phải đi 3, 4 lần về các tỉnh phía Bắc để xác minh lý lịch cho một quần chúng do khai sai về tên, tuổi, sai địa chỉ quê quán...

Sức sống mới ở bản người Mông

Với tâm huyết của người đảng viên, Thiếu tá, Phó Bí thư đảng ủy xã Phạm Văn Tôn, tất cả các bản trên địa bàn xã Trung Lý hiện tại đều có đảng viên. Tất cả 86 đảng viên tại 12 bản của đồng bào Mông cũng đều do Phó Bí thư Tôn dìu dắt, bồi dưỡng và đích thân đi xác minh lý lịch tại các bản ở các tỉnh phía Bắc để kết nạp Đảng.

Đến nay các bản người Mông đã thành lập được chi bộ, các chi bộ này cũng không phải sinh hoạt ghép. Các đảng viên và đồng bào nơi đây đã tin tưởng và làm theo Đảng. Các hoạt động của chi bộ đã đi vào nền nếp và có chiều sâu. Từ các buổi sinh hoạt chi bộ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai và đi vào cuộc sống. Các đảng viên thực sự phát huy tính tiên phong gương mẫu đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Đặc biệt thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, các đảng viên đều đi đầu gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cam kết không vi phạm pháp luật. Theo đó, các tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn. Nhiều bản trở thành khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đạt danh hiệu bản trong sạch vững mạnh toàn diện như bản Nà Ón, Ma Hác, Xa Lao… Các đảng viên là người Mông cũng tuyên truyền vận động đồng bào không di cư tự do.

Từ những đảng viên tiêu biểu, xuất sắc tại các chi bộ của bản và các đảng viên trong các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, phụ nữ, Đoàn thanh niên… Thiếu tá, Phó Bí thư đảng ủy xã Phạm Văn Tôn đã giới thiệu cho đảng ủy xã Trung Lý lựa chọn bổ sung vào nguồn cán bộ lãnh đạo của xã. Thiếu tá, Phó Bí thư đảng ủy xã Phạm Văn Tôn đã được Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng Bằng khen về thành tích phát triển đảng viên và chi bộ thôn, bản vùng sâu, vùng xa năm 2014.

Bài và ảnh: Trịnh Duy Hưng