05:09 30/05/2021

Người dân TP Hồ Chí Minh cùng đồng lòng chống dịch COVID-19

Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm và đang có số lượng ca mắc COVID-19 tăng nhanh. Cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, cam go, khó khăn, vì vậy thành phố đã kêu gọi người dân cần bình tĩnh, cảnh giác cao độ để sẵn sàng hỗ trợ, tham gia cùng các đơn vị tuyến đầu ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 hiệu quả.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đã phong tỏa Bệnh viện quận Tân Phú để khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần ngay khi phát hiện 3 trường hợp mắc COVID-19 đến khám tại đây.

Nguy cơ lây nhiễm cao từ nơi làm việc

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện Thành phố cơ bản đã kiểm soát được các chuỗi lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên số ca bệnh đã xuất hiện tại hơn 50% số quận, huyện của thành phố. Với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh; đồng thời người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt lớn nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao.

Thậm chí, dịch bệnh COVID-19 có thể lây lan đến các tỉnh, thành lân cận (ví dụ bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton, hay một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là Công ty Concentrix thuộc công viên phần mềm Quang Trung), vì vậy mỗi người dân hãy coi mình là một chiến sỹ để cùng Thành phố chung tay chống dịch, không được lơ là, chủ quan và hạn chế ra ngoài khi không cần thiết…

Chú thích ảnh
Trung tâm y tế quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho 150 người gồm: công an, cán bộ công nhân viên chức tham gia tổ bầu cử số 19, Khu phố 10, Phường 3, quận Gò Vấp. 

Trong khi đó, theo phân tích của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, có 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% bệnh nhân lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% bệnh nhân lây nhiễm trong gia đình và 5% bệnh nhân lây nhiễm trong quan hệ bạn bè. Như vậy, ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm nên việc lây lan sẽ nhanh và mạnh hơn.

"Thành phố đang ghi nhận BN6296 đã lây bệnh cho 3 người làm cùng công ty và 1 người làm khác công ty nhưng chung tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ. Hay như BN6291 đã lây bệnh cho 4 bệnh nhân khác làm cùng công ty Concentrix tại Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP Hồ Chí Minh", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng dẫn chứng.

Không chỉ có nguy cơ lây nhiễm cao tại nơi làm việc, TP Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm tại các khu chế xuất (KCN), khu công nghiệp (KCN) và khu công nghệ cao (KCNC) trên địa bàn. Các khu vực này đang được xếp thứ hai sau nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các bệnh viện. 

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh thần tốc lấy mẫu xét nghiệm công nhân tại một công ty trong khu công nghiệp Tân Bình do liên quan đến ca nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục hưng.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 17 KCX, KCN và KCNC với 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 280.000 công nhân và 3.000 chuyên gia nước ngoài. "Biện pháp lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên được thực hiện đối với những trường hợp thường xuyên làm việc với nhiều bộ phận, được đánh giá có nguy cơ cao... giúp Thành phố bao vây, tầm soát diện rộng, phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2 để kịp thời khoanh vùng chống dịch", ông Hứa Quốc Hưng cho biết.

Ngoài ra, Hepza cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại KCX, KCN và KCNC; triển khai thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang bắt buộc tại cơ sở kinh doanh, sản xuất; người lao động khai báo y tế hằng ngày tại cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; phân loại cụ thể các cơ quan, đơn vị có hoạt động sản xuất trong môi trường khép kín, sử dụng máy lạnh để giám sát nguy cơ; yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất quản lý chặt chẽ thông tin người lao động để cung cấp đầy đủ cho các đơn vị chức năng khi có yêu cầu; yêu cầu các cơ sở sản xuất lao động thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Tiêu chí của Bộ Y tế và hậu kiểm kết quả đánh giá này.

Chủ động phòng thủ và tấn công

Chia sẻ về giải pháp chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. "Đặc biệt, cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, cam go, khó khăn vì vậy TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân cần bình tĩnh, cảnh giác cao độ để sẵn sàng hỗ trợ, tham gia cùng các đơn vị tuyến đầu ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trong thời gian sớm nhất", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kêu gọi.

Chú thích ảnh
Người dân chặn dây để thông báo tạm dừng kinh doanh các dịch vụ ăn uống để cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Đối với các bệnh viện, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị, sở, ngành cần nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất và thực hiện xét nghiệm định kỳ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng đối với các đối tượng có nguy cơ cao này.

Các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần tiếp tục quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung và định kỳ giám sát các đối tượng cách ly tại nhà; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố nếu người cách ly tại nhà ra khỏi nhà; tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên, để mọi người hiểu rằng phòng chống dịch bệnh là cần thiết cho chính bản thân họ, gia đình họ, những người xung quanh và cho cả cộng đồng.

"Thành phố cũng yêu cầu ngành công an và các đơn vị liên quan cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, chủ động trên cả 3 đường: đường không, đường bộ và đường thủy. Đối với mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực phải chủ động phòng thủ cho chính nơi làm việc theo hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Thành phố cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chú thích ảnh
Những ngày này, ngành y tế tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã làm việc xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sinh sống trong khu vực có các ca mắc COVID-19.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện nay, toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu điều tra, truy vết, xử lý, dập dịch; phát huy năng lực xét nghiệm từ 35.000 - 40.000 mẫu đơn/24 giờ và sẵn sàng phương án tổ chức điều trị 5.000 người bệnh; các trung tâm y tế cũng tăng cường các biện pháp phòng thủ, đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch trong cơ sở y tế.

“TP Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng gồm 9 khu của quân đội và 1 khu của Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với công suất 19.520 giường, cùng với các khu cách ly hiện hữu. Khi đó, TP Hồ Chí Minh có khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người. TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức tốt công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên và đảm bảo tiến độ cũng như đã chuẩn bị kế hoạch tiêm đợt 3 với 73.900 liều”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết.

Chú thích ảnh
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết - Mạnh Linh/Báo Tin tức