05:07 19/05/2017

Người dân Thái Nguyên mãi nhớ Bác

Cùng với Tuyên Quang và Bắc Kạn, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm "An toàn khu tuyệt mật" và là vùng lõi của Chiến khu Việt Bắc.

Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày 20/5/1947, Bác đến Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên sau một hành trình dài bí mật để xây dựng trung tâm An toàn khu, thủ phủ căn cứ địa kháng chiến. Những dấu ấn lịch sử về năm tháng kháng chiến gian khổ, cùng ăn, cùng ở với đồng bào của Bác vẫn đọng mãi trong tâm trí mỗi người dân Thái Nguyên.

Dù đã 89 tuổi, nhưng ông Mông Đức Ngô ở xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Đặc biệt là khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đôi mắt ông sáng lên với những tình cảm xúc động và tự hào. Ông chính là một trong những chiến sỹ cảnh vệ của Bác trong thời gian Người sống và làm việc tại ATK Định Hóa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc (2/1951). Ảnh: TTXVN

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, khi mới 15 tuổi, ông Ngô đã cùng với du kích địa phương tham gia bảo vệ quê hương. Năm 1945, khi ông 16 tuổi, ông được chọn làm Tiểu đội trưởng tiểu đội du kích xã Vị Trung (nay là xã Phượng Tiến) cùng với lực lượng Cứu Quốc quân và nhân dân huyện Định Hóa tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, ông được biên chế về Đại đội 413, Trung đoàn 246 đóng quân ngay tại địa phương với nhiệm vụ bảo vệ chiến khu Việt Bắc và Định Hóa. Tháng 5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến về đồi Khau Tý, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng một số chiến sỹ được tuyển chọn để thành lập Đại đội 32 làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Bác ngay tại căn cứ địa cách mạng.

Suốt từ năm 1947 đến năm 1953, ông Ngô đã theo chân Bác qua nhiều nơi như Khau Tý (xã Điềm Mặc), Khuôn Tát, Nà Lọm, Tỉn Keo (xã Phú Đình)... Ông nhớ như in những lời căn dặn của Bác trong một lần Bác cùng các đồng chí cảnh vệ trồng rau, nuôi gà, Bác bảo: “Một người làm ngoảy ngoảy không bằng 7 người làm khoan khoan; một giờ làm hăng say bằng cả ngày làm chiếu lệ, phải làm việc thật lực, tích cực thì mới mong sớm có kết quả”.

Sau lời nhắc đó của Bác, tất cả các chiến sỹ đều nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, quên đi mọi mệt mỏi để hoàn thành tốt công việc của mình. Một trong những kỷ vật thiêng liêng được ông giữ gìn chính là bức ảnh ông chụp chung với Bác Hồ, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Ngọc Mậu và 43 cán bộ, chiến sĩ đều là thanh niên dân tộc thiểu số ở huyện Định Hóa và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trong trái tim ông, hình ảnh về vị Cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam không bao giờ phai nhạt.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên, ông Ma Đình Khoa xúc động hồi tưởng về kỷ niệm thời thơ ấu được ở gần Bác tại quê hương Định Hóa. Ông là con ruột của cụ Ma Đình Tương, nguyên là Ủy viên Ban ATK của Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Định Hóa và cụ bà Lý Thị Mùi.

Ông còn nhớ như in ngày Bác đến gia đình ông tại xóm Thâm Tý, xã Bảo Cường là vào buổi tối một ngày cuối tháng 11/1950. Cùng đi với Bác có 3 đồng chí bảo vệ. Đầu tháng 12/1950, thực dân Pháp thả bom đánh phá tại tại xóm Nà Guồng (cách nhà cụ Tương khoảng 6 km). Để đảm bảo an toàn, cụ Lý Thị Mùi đã đề xuất chọn địa điểm ở Chùa Hang để Bác sang đó nghỉ và làm việc.

Du khách tham quan triển lãm Triển lãm ảnh “ Bác Hồ với Thái Nguyên” tổ chức hồi tháng 2/2016. Ảnh: Lan Anh/TTXVN

Ông Ma Đình Khoa, khi đó là một cậu bé hơn 11 tuổi, được giao nhiệm vụ trực tiếp dẫn Bác đi khảo sát thực địa Chùa Hang. Sau một hồi xem xét, Bác cho rằng đây là một vị trí rất an toàn và thích hợp để trú chân. Ở đây có địa thế kín đáo, cây cối rậm rạp, có hang rất sâu nên dù “Pháp cho thả bom tấn xuống cũng không sợ”.

Sau khi khảo sát kỹ địa thế của hang, Bác quyết định cùng 3 đồng chí bảo vệ sang ở tại đó. Từ khi Bác chuyển sang Chùa Hang ở và làm việc, mỗi tối cụ Ma Đình Tương đến báo cáo công việc ở Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện và những việc Bác giao. Trong đó có những việc quan trọng như kế hoạch bảo vệ ATK Định Hóa nói chung (gồm Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Kạn) và đặc biệt là bảo vệ ATK Định Hóa, cùng nhiệm vụ bắt liên lạc với đồng chí Trần Đăng Ninh.

Ngày ngày, sau khi đi học về, ông Ma Đình Khoa được mẹ dặn sang với Bác để giúp Bác một vài việc vặt và xem Bác có cần gì thêm. Những kỷ niệm Bác nhờ đi mua cân cá mắm hay lần duy nhất dẫn Bác đi vãn cảnh địa phương và được Bác mua cho gói kẹo như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông Khoa.

Chỉ được ở gần Bác trong một thời gian ngắn, song ký ức về Người luôn in đậm trong trái tim ông. Ông kể: “Bác còn tặng tôi một cuốn sổ nhỏ có ghi dòng chữ “Tặng cháu Khoa làm kỷ niệm” và căn dặn thêm “cháu phải cố gắng học tập cho giỏi, để sau này trở thành người cán bộ tốt phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân”, những lời căn dặn đó trở thành nguồn động viên to lớn để tôi phấn đấu học tập và công tác sau này”.

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, ông Ma Đình Khoa trở về công tác tại Ủy ban Xây dựng cơ bản của tỉnh. Trải qua nhiều cương vị công tác, trong đó cao nhất là chức vụ Bí thư Ban Cán sự, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Thái giai đoạn 1992-1996. Dù ở bất kỳ cương vị nào ông cũng luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nay đã dù đã 77 tuổi đời, với 53 năm tuổi Đảng, ông vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu, không ngừng dặn dò các con, cháu phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngàn hoa dâng Bác” tại Thái Nguyên nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Lan Anh/TTXVN

Không chỉ riêng ông Mông Đức Ngô và ông Ma Đình Khoa, hình ảnh của vị Cha già dân tộc luôn sống mãi trong lòng mỗi người con Thái Nguyên. Sau khi giải phóng Thủ đô, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội. Tuy đã chia tay với ATK, Bác vẫn dành cho đồng bào các dân tộc Thái Nguyên tình cảm đặc biệt. Chỉ sau 2 tháng sau ngày trở về tiếp quản Thủ đô, tháng 12/1954, Bác đã đến tham dự và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang.

Sau đó, Bác đã đến với nhân dân xã Đồng Tiến (huyện Phổ Yên), Người đã ân cần thăm hỏi đời sống của các gia đình nông dân. Cũng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 1955, Bác đến chúc Tết và động viên anh em bộ đội, công nhân, cán bộ công trường đập Thác Huống (huyện Phú Bình), nơi máy bay Pháp ném bom phá hỏng ngày 12/6/1952 . Ngày 2/3/1958, Bác trở lại Thái Nguyên lần thứ 3 thăm kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay là xã Đào Xá, huyện Phú Bình) xem chiếc máy bơm tự động chạy bằng sức nước, rồi động viên đồng bào tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống. Sau đó, Bác đến thăm một số hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đại Từ.

Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Quan tâm đến Thái Nguyên, đến Khu Gang thép, chỉ 4 ngày sau (ngày 8/6/1959), Bác Hồ đã đến thăm công trường lần thứ nhất. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác động viên anh chị em là những người đi trước. Bác khen kết quả xây dựng bước đầu của công trường và ân cần nhắc nhở anh, chị em đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng Khu Gang thép.

Ngày 13/3/1960, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào trong tỉnh trong cuộc họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa. Ngày 31/12/1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý.

Ngày 31/12/1963, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh), Bác nhắc nhở giáo viên, học viên phải dạy tốt, học tốt, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng cần, khi tổ chức giao...

Những tình cảm chân thành, những lời căn dặn chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi khi Người về thăm mảnh đất Thái Nguyên luôn được người dân nơi đây ghi lòng tạc dạ. 70 năm đã trôi qua, người dân Thái Nguyên vẫn luôn nhớ về hình ảnh của Bác Hồ kính yêu.

Thu Hằng (TTXVN)