07:12 08/07/2022

Người dân Sri Lanka bỏ xó ô tô, chuyển sang đi xe đạp

Hai tuần qua, bác sĩ Thusitha Kahaduwa đã cất ô tô trong ga ra và đạp xe nhiều giờ đồng hồ đi khắp thủ đô Colombia để thăm khám cho bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Thusitha Kahaduwa đạp xe đi làm do không mua được nhiên liệu. Ảnh: Reuters

Bác sĩ 41 tuổi này nằm trong số nhiều ngàn người dân Sri Lanka, phần lớn là các trí thức trung lưu, buộc phải chuyển sang đạp xe đi làm, đi chợ, sau khi đất nước Nam Á này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi tuyên bố độc lập nên 1948. 

“Đầu tiên là phải xếp hàng 2-3 tiếng chờ đổ xăng. Lần cuối tôi đến trạm xăng là khoảng 3 tuần trước, tôi đã phải xếp hàng đến 3 ngày. Tôi đành mua xe đạp trong nỗi tuyệt vọng”, bác sĩ Kahaduwa trả lời hãng tin Reuters. 

Kho dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka đã gần như chạm đáy, đồng nghĩa với việc không thể nhập khẩu phân bón, thực phẩm và thuốc men cho 22 triệu dân. Hai tuần qua, quốc gia này không hề tiếp nhận thêm lô hàng nhiên liệu mới nào. Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa trường học, cho nhân viên làm việc tại nhà cũng như chỉ sử dụng nhiên liệu cho các dịch vụ thiết yếu. 

Chú thích ảnh
Bác sĩ Thusitha Kahaduwa và phương tiện đi lại mới. Ảnh: Reuters

Do đó, số lượng xe đạp trên các đường phố của thủ đô tài chính Colombo đã tăng vọt. Tuy nhiên, với lượng hàng hạn chế và nhu cầu tăng cao, giá xe đạp đã tăng hơn hai lần. Một số nhà bán lẻ cho biết mặt hàng phụ tùng, phụ kiện như mũ bảo hiểm, khóa dây cũng rơi vào cảnh khan hiếm. 

Ông Victor Perera cho biết thông thường cửa hàng của ông bán được khoảng 20 chiếc xe đạp mỗi tháng. Nhưng từ tháng 5 vừa qua, doanh số bán hàng đã tăng gấp 10 lần. “Vì không mua được xăng, mọi người đều muốn mua xe đạp”, ông Perera nói. 

Hiện quốc gia này chưa có nguồn cung xe đạp mới do các nhà chức trách đã hạn chế nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu để bảo tồn lượng ngoại hối còn lại càng lâu càng tốt. Ông Perera nói thêm: “Vì nhập khẩu xe đạp bị cấm nên các nhà nhập khẩu đã bán số xe còn lại với giá cao”. 

Chú thích ảnh
Đông đảo khách hàng tìm mua xe đạp. Ảnh: Reuters

Chính phủ Colombo sẽ trình kế hoạch tái cơ cấu nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 8 và sau đó tiếp tục đàm phán về gói cứu trợ 3 tỷ USD trong tương lai. Tín hiệu trên cho thấy cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka còn lâu mới kết thúc.

Vì vậy, bác sĩ Kahaduwa cùng nhiều người khác đang chuẩn bị cho một kịch bản dài hơi. "Tôi không nghĩ rằng các vấn đề của đất nước sẽ sớm được giải quyết. Ít nhất thì bây giờ tôi cũng được thể dục nhiều hơn”, ông chia sẻ. 

Chú thích ảnh
Khách hàng đợi mua lốp xe mới. Ảnh: Reuters

Theo Cơ quan Thống kê và Tổng điều tra Sri Lanka, kinh tế sụt giảm trong 3 tháng đầu năm do tác động xấu của tình trạng lạm phát và giá đồng nội tệ giảm. Lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hồi năm 2021, nhưng được bãi bỏ sau đó, cũng gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp. Sản lượng gạo của Sri Lanka trong quý I năm nay giảm 33%. Cơ quan này cũng cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu hiện nay cũng gây tác động nghiêm trọng đến ngành vận tải và công nghiệp.

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Sri Lanka đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập cách đây 74 năm. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra trong những tuần gần đây khi nước này rơi vào tình trạng thiếu lương thực, giá nhiên liệu tăng vọt và cắt điện trên diện rộng.

Giá tiêu dùng tăng 54,6% trong tháng 6 so với một năm trước đó, trong đó chi phí giao thông vận tải tăng 128% so với tháng trước và chi phí thực phẩm tăng 80% trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng cây trồng và dầu thô.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Reuters)