05:09 26/05/2014

Người dân sông Ba chủ động chống lũ

... bên cạnh sự chủ động của đồng bào, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh và nhất là ở địa bàn có dân sinh sống ven bờ sông Ba, cũng đã sớm chủ động mọi phương án tối ưu trong công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

Sau vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013 - 2014, bà Rơ Ô H'Nhum, dân tộc J'rai, ở làng Jứ Ma Uôk (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, Gia Lai) đã bán một ít thóc, để sắm hai chiếc xuồng nhỏ, mỗi chiếc có trị giá 1,5 triệu đồng. “Tôi mua xuồng để sử dụng vào việc vận chuyển người và tài sản gia đình đến nơi an toàn mỗi khi lũ về”, bà Rơ Ô H'Nhum tâm sự.


Nhà bà Rơ Ô H'Nhum ở ngay cạnh bên bờ sông Ba, năm nào cũng vất vả bởi những cơn lũ bất chợt đổ về, mực nước lên nhanh không xoay xở kịp. Bà nói: "Như năm ngoái, có trận lũ về nước dâng cao hơn nửa nhà, không có xuồng để đưa người di tản kịp thời, nên đành phải bám víu vào cái nóc nhà để chờ lực lượng đến ứng cứu. Cũng may là cái nhà mới được gia cố chắc chắn nên không bị nước cuốn trôi".

 

Đưa người dân an toàn vào bờ. Ảnh: báo Gia lai


Nhà ông Nay Hen, Bí thư Đảng ủy xã Ia Broái, cũng có đến 4 chiếc xuồng đang úp ngay ngắn dưới sàn nhà, chuẩn bị cho cuộc "vượt lũ" trong mùa mưa tới, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản cho gia đình và hỗ trợ cho cộng đồng. Ông Hen cho biết: “Ý thức phòng tránh lũ của người dân trong xã đã dần được nâng cao, gần như các hộ dân sống ven bờ sông Ba đều mua sắm thuyền để sử dụng, gia cố lại nhà ở chắc chắn hơn, không để bị động mỗi khi lũ về. Cả xã hiện nay có đến hơn 200 chiếc xuồng tránh lũ lớn nhỏ các loại do dân tự trang bị, nhờ vậy các cơn lũ năm trước người dân trong xã không bị cô lập, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của”.


Không riêng gì ở xã Ia Broái, các xã, phường khác thuộc các huyện vùng hạ lưu sông Ba như Ayunpa, Konchoro, Krôngpa... cũng chủ động mọi phương án phòng, chống thiên tai có hiệu quả nhất. Ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con sinh sống ven bờ sông Ba tự mua sắm xuồng, gia cố lại nhà ở, các cấp chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch thực hiện phương án di dời đối với những hộ dân sống trong vùng trọng điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng.

 

Gia đình bà Rơ Ô H'Nhum chuẩn bị sẵn 2 chiếc xuồng để phòng lũ. Ảnh: vov


Về phía mình, huyện Ia Pa đã tổ chức rà soát, xây dựng phương án di dời cho 240 hộ dân ở 2 buôn Jứ Ma Hoét và Jứ Ma Uôk (xã Ia Broái) đến nơi an toàn trong mùa mưa lũ. Thị xã Ayunpa đã xây dựng đề án di dời 75 hộ dân thường xuyên bị ngập lụt tại buôn A Ma Dương, phường Sông Bờ. Các địa phương còn chủ động phương án phân công người trực 24/24 giờ tại các địa bàn xung yếu trên địa bàn, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực theo phương châm "4 tại chỗ", đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.


Vào thời điểm này, thời tiết ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã có những cơn mưa đầu mùa xuất hiện rải rác, nhưng với cường độ mạnh và bất thường. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên, thời tiết trong khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Do vậy, bên cạnh sự chủ động của đồng bào, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh và nhất là ở địa bàn có dân sinh sống ven bờ sông Ba, cũng đã sớm chủ động mọi phương án tối ưu trong công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

 

 Văn Thông