01:18 17/01/2021

Người đàn ông Ấn Độ dành 72 giờ chung sống với 72 con rắn kịch độc

Một nhà nghiên cứu về loài bò sát tại Ấn Độ đã dành 72 tiếng đồng hồ để chung sống với 72 con rắn kịch độc để chứng minh loài động vật này chỉ cắn người khi bị khiêu khích.

Chú thích ảnh
Người đàn ông Ấn Độ dành 72 giờ chung sống với 72 con rắn kịch độc. Ảnh: OD

Theo trang Oddity Central (Anh), Neelam Kumar Khaire, nhà nghiên cứu về loài bò sát người Ấn Độ, đã dành 72 giờ đồng hồ để bầu bạn cùng 72 con rắn kịch độc khi ông còn trẻ. Ông đã chứng minh rằng loài động vật này chỉ cắn người khi bị khiêu khích và đã lập kỷ lục Guinness trong quá trình nghiên cứu này.

Kỳ tích huyền thoại của ông Khaire được xác nhận từ năm 1980, khi ông còn là một nhân viên lễ tân 28 tuổi tại một khách sạn ở thành phố Pune, Ấn Độ. Ông Khaire đã quyết định thách thức kỷ lục do Peter Snyemaris, một người Nam Phi thiết lập vào một năm trước đó, khi đã trải qua 50 giờ sống chung với 18 con rắn độc và 6 con rắn bán độc ở Johannesburg. 

Ông Khaire tin rằng người Ấn Độ xứng đáng lập kỷ lục thế giới về răn hơn, vì quốc gia này được mệnh danh là xứ sở của loài rắn. Bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương, cảnh sát và những người không không cho phép ông ta thực hiện kế hoạch của mình, vào ngày 20/1/1980, Neelam Kumar Khaire đã tự nhốt mình trong một chiếc phòng bằng kính với 72 con rắn kịch độc.

Neelam Kumar Khaire yêu rắn từ những năm đầu tuổi 20, khi đang làm quản lý một nhà nghỉ ở Matheran, gần Bombay. Rắn là những vị khách thường xuyên đến thăm nơi đó, dù các nhân viên khác chỉ đơn giản là giết rắn ngay khi thấy chúng, nhưng Khaire không bao giờ làm điều tương tự.

Chú thích ảnh
Ngày 20/1/1980, Neelam Kumar Khaire đã tự nhốt mình trong một chiếc phòng bằng kính với 72 con rắn kịch độc. Ảnh: wtffunfact.com

“Loài bò sát là những vị khách thường xuyên đến thăm tôi khi tôi ở Matheran. Tôi không muốn phải giết những sinh vật xinh đẹp như vậy. Hầu hết chúng đều vô hại. Vì vậy, tôi bắt đầu bắt và thả chúng ở những ngọn đồi Sahyadri. Có lần tôi bắt được một con rắn và đưa nó đến Viện nghiên cứu Haffkin ở Bombay. Tôi được biết rằng nó rất độc và quá rủi ro khi tiếp xúc với nó. Song, tôi đã lấy hết can đảm để làm điều này và nỗi ám ảnh của tôi với rắn bắt đầu”, ông Khaire nói với tờ India Today.

Chàng trai trẻ yêu rắn kể từ đó đã tạo một công viên rắn nhỏ ở sân sau nhà mình. Người đàn ông cũng lên kế hoạch thành lập một công viên rắn thực sự hoàn chỉnh với một trung tâm nghiên cứu. Khaire mong muốn lập kỷ lục Guinness mới chỉ là để tạo kỳ tích thu hút các nhà đầu tư.

Mặc dù đơn vị tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới đã viết thư cho Khaire nêu chi tiết toàn bộ quy tắc cho nỗ lực của ông. Họ cũng chỉ rõ rằng kỷ lục của ông vẫn sẽ được coi là hợp lệ kể cả khi Khaire dành nửa giờ bên ngoài lồng kính mỗi ngày. Thế nhưng chàng trai 28 tuổi đã từ chối làm việc đó và ở trong chiếc phòng kính tại sân thể thao BJ Medical College, thành phố Pune, suốt 72 giờ liên tiếp.

Ông Khaire và 72 con rắn - trong đó có 27 con rắn hổ mang mắt đơn, 24 con rắn hổ mang chúa Russell, 9 con rắn hổ mang Ấn Độ, 8 con rắn cạp nong và 4 con rắn thông thường - đã chung sống hòa thuận trong 3 ngày đêm trong phòng kính. Người đàn ông Ấn Độ đôi khi cũng phải nhẹ nhàng nhấc chúng ra khỏi người ông, khi chúng quá tò mò và bắt đầu leo lên người Khaire, nhưng ông chưa một lần bị rắn cắn.

Kết thúc 72 giờ đồng hồ, Neelam Kumar Khaire đã phá kỷ lục cũ và ghi tên mình vào sách kỷ lục Guinness. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu trong cuộc phiêu lưu của ông. Kỳ tích đã biến kế hoạch xây dựng công viên rắn của người đàn ông này thành hiện thực. Năm 1986, với sự hỗ trợ của một cơ quan chính phủ Pune Municipal Corporation, ông đã xây dựng Công viên rắn Katraj, sau này được gọi là Công viên động vật học Rajiv Gandhi.

Ông Khaire cũng là người Ấn Độ đầu tiên thành lập trại nuôi dưỡng động vật mồ côi và đã cống hiến cả cuộc đời mình cho động vật. Hiện ông đang nỗ lực truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tương lai về việc tôn trọng thiên nhiên và môi trường. Cũng chính vì mục tiêu đó, ông đã thành lập Trường học vì Môi trường, Phát triển Nông thôn và Khuyến nông Uttara.

Hải Vân/Báo Tin tức