02:20 15/02/2018

Người dân khắp mọi miền Tổ quốc náo nức chờ đón thời khắc giao thừa

Tối 15/2 (tối 30 Tết), tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, người dân đều háo hức chờ xem pháo hoa, đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

* Chiều tối 30 Tết, dòng người trên các tuyến đường di chuyển vào nội đô TP Hồ Chí Minh ngày một đông. Khu vực quanh các địa điểm vui chơi, trang trí đặc sắc như Hội hoa xuân công viên Tao Đàn, đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách Tết Mậu Tuất… là nơi được nhiều người dân hướng tới để tham quan và chờ đợi thời khắc chuyển giao năm mới.

Người dân TP Hồ Chí Minh du xuân và chụp ảnh lưu niệm tại đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Trong không khí  đón Xuân, các tuyến đường ở khu vực trung tâm Thành phố như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai, Đồng Khởi… được trang hoàng khá bắt mắt với cờ, băng rôn, hoa và đèn trang trí tạo nên không gian đầy tươi mới, tràn đầy khí thế.

Cùng chồng và 2 con đến tham quan đường hoa Nguyễn Huệ, chị Lê Thị Thùy Dương (quận Tân Bình) chia sẻ, đã thành  thói quen nhiều năm nay của gia đình, trong ngày cuối cùng của năm, gia đình luôn dành thời gian để đi tham quan đường hoa và chụp hình lưu niệm tại các địa điểm bày trí linh vật của năm.

Năm nay, TP Hồ Chí Minh bắn pháo hoa nên không khí chờ đón thời khắc giao thừa năm Đinh Dậu và Mậu Tuất càng thêm háo hức. Thành phố tổ chức bắn pháo hoa tại 7 điểm, được rải đều từ trung tâm Thành phố (đầu đường hầm sông Sài Gòn, khu vực Đầm Sen - quận 11) đến các khu vực ngoại thành như huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

Trong đó, khu vực trung tâm Thành phố vẫn là nơi người dân tập trung đông nhất để đón giao thừa. Bên cạnh địa điểm lý tưởng để ngắm pháo hoa tầm cao tại hầm sông Sài Gòn, khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách Tết Mậu Tuất (quận 1) mới khai mạc tối 13/2 nên thu hút rất nhiều du khách.

* Tại tỉnh Hải Dương, trong tiết trời se lạnh, nam thanh, nữ tú dắt tay nhau cùng xuống phố chào đón năm mới. Dọc các tuyến đường, nhiều em nhỏ được bố mẹ kiệu trên vai cũng đưa ánh mắt ngây thơ, háo hức ngắm nhìn đường phố lung linh ánh đèn.

Chợ hoa xuân tại thành phố Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Giao thừa năm nay, hòa chung với không khí xuân của cả nước, Hải Dương tổ chức bắn pháo hoa tại thành phố Hải Dương, và thị xã Chí Linh.

Gần 20 giờ, không khí thành phố Hải Dương trở nên tưng bừng náo nhiệt với những đoàn múa lân sư rồng của của thành phố biểu diễn trên các trục đường. Tiếng trống rộn rã cũng những chú lân, rồng với những bước múa uyển chuyển mang đến không khí ấm áp, khiến lòng người càng rộn rã khi mùa xuân đang gõ cửa. Đây là hoạt động truyền thống được thành phố Hải Dương tổ chức vào đêm giao thừa như một lời chúc tốt đẹp đến mỗi nhà trong dịp Tết đến, xuân về. 

Tại trung tâm thành phố Hải Dương, nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật cũng được tổ chức thu hút đông đảo người dân đến xem như tại Quảng trường 30-10, Quảng trường Độc lập… với các chương trình ca nhạc do các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên biểu diễn với những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đẹp giàu.

Càng gần đến thời khắc giao thừa, lượng người đổ ra đường tại thành phố Hải Dương lại càng đông. Nhiều ngôi chùa, đền tại thành phố Hải Dương như Đông Thuần, Phong Hanh, Ông Đống, đền Sượt... đông chật người, ai cũng mong thắp được nén hương cầu cho gia đình mình được may mắn, bình an, hạnh phúc trong năm mới.

* Trái với không khí hối hả, tất bật những ngày giáp Tết, từ chiều 30 Tết Nguyên đán 2018, không khí Xuân tại thành phố Ninh Bình sôi động nhưng lại rất yên bình như vốn có của thành phố du lịch hiền hòa. Chập tối, sau bữa cơm tất niên chiều, nhiều người dân Ninh Bình đã cùng ra đường đón Tết, mọi người tập trung đông ở các trung tâm văn hóa, nơi có chương trình biểu diễn nghệ thuật "Mừng Đảng, mừng Xuân" để đón xem.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Ninh Bình điều tiết giao thông tại ngã ba Tam Giác, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN

Tối 30 Tết, Ninh Bình lất phất mưa Xuân, hạt mưa giăng giăng, bay bay không làm ướt áo mà chỉ tô vẽ thêm cho những ánh đèn nhấp nháy mờ ảo, khiến cho không gian thêm tĩnh lặng để đón một mùa Xuân mới tràn về.

Tại khu vực Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, các nghệ sỹ, diễn viên và bộ phận phụ trách âm thanh, ánh sáng đang tích cực tập luyện những tiết mục chính để trình diễn trong đêm Giao thừa đón Tết. Mặc dù 22h15 chương trình mới chính thức bắt đầu, nhưng theo quan sát của chúng tôi, dường như mọi ngả đường đều như muốn đổ về khu vực này; nườm nượp người xe qua lại tấp nập. Tại đây, sau khi được hưởng thụ các tiết mục ca - múa - nhạc đặc sắc, hấp dẫn, người dân thành phố Ninh Bình còn được chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm trung kéo dài 15 phút trong đêm Giao thừa.

Trên các trục đường chính của thành phố cũng như các con phố nhỏ đều được trang hoàng cờ, hoa, đặc biệt là hệ thống đèn nhấp nháy, đèn lồng luôn rực sáng, tạo nên cảnh quan lung linh, huyền ảo, hòa quyện nhiều sắc màu. Lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố Ninh Bình phối hợp với các lực lượng của Công an tỉnh Ninh Bình tích cực tuần tra, chốt chặn tại các nút giao phức tạp, các địa điểm tập trung đông người để giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông.

* Sau mấy đợt mưa rét kéo dài, trời đất cũng như chiều lòng người, ngày 15/2 (30 Tết) tiết trời thay đổi, nắng ấm thuận tiện cho mọi người vui Xuân, đón Tết. Năm nay, Thừa Thiên - Huế tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa tầm cao tại Kỳ Đài Huế, huyện Nam Đông và Khu du lịch Lugama Lăng Cô phục vụ nhân dân và khách du lịch.

Kỳ đài Huế được chiếu sáng đêm 30 Tết để mọi người thưởng ngoạn cảnh đẹp Huế về đêm. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Tối 30 Tết, người dân Huế và du khách tề tựu đông vui trước quảng trường Ngọ Môn, hết sức thích thú với việc "Thắp sáng Kỳ đài Huế" bằng 1.000 đèn led bao bọc xung quanh và xuyên suốt Kỳ đài Huế theo công nghệ hiện đại để thắp sáng và tạo điểm nhấn độc đáo cho Huế về đêm.

Sự kiện này cũng tạo nên một quảng trường văn hóa mỗi đêm theo trục Kỳ đài - quảng trường Ngọ Môn  nhằm phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh. Mọi người đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng việc thắp sáng Kỳ đài, còn muốn chờ đợi việc tái hiện bắn đại bác trên Kỳ đài, sự kiện chỉ có trong sử sách và tồn tại dưới triều Nguyễn. Đây là một sự kiện còn nhằm mục đích vinh và bảo tồn giá trị lịch sử của Kỳ đài Huế.

* Tối 30 Tết, các tuyến đường chính của thành phố và các huyện trên địa bàn tỉnh Bến Tre rực rỡ đèn hoa. Sắc đỏ của cờ Tổ quốc dọc dài trên khắp các tuyến đường chính hòa cùng dòng người đi đường háo hức chờ đón thời khắc giao thừa.

Người dân Bến Tre mua hoa chiều 30 Tết. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Vào lúc này thời tiết ở Bến Tre rất mát mẻ, nhiều người dân tranh thủ giờ chót đến Hội hoa xuân, đường Hùng Vương, thành phố Bến Tre để mua những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ… về trưng Tết.

Các hàng quán dọc đường Hùng Vương đông đúc hơn ngày thường vì phục vụ người dân ăn uống, trò chuyện chờ đến giờ xem Chương trình văn nghệ Mừng xuân đón giao thừa và bắn pháo hoa bắt đầu diễn ra lúc 22 giờ 30 phút.

Giao thừa Mậu Tuất, điểm bắn pháo hoa của thành phố Bến Tre được tổ chức tại công viên Hoàng Lam, phường 7, thành phố Bến Tre. Công viên sát sông Bến Tre và có không gian thoáng, rộng rãi, là điểm xem pháo hoa lý tưởng trong đêm giao thừa của thành phố. Sân khấu, ánh sáng cho đêm giao thừa kết hợp bắn pháo hoa đã được Trung tâm văn hóa tỉnh Bến Tre chuẩn bị từ nhiều ngày trước với 120 giàn pháo hoa tầm thấp tại điểm bắn pháo hoa Hoàng Lam.

* Hòa trong không khí cả nước đón xuân mới Mậu Tuất 2018, mỗi gia đình người dân Đà Nẵng cũng đang tất bật dâng lên ông bà, tổ tiên những sản vật quê nhà để cầu cho gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.

Nhiều gia đình đi vui xuân chờ đón thời khắc giao thừa tại đường hoa Bạch Đằng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

20 giờ đêm giao thừa Tết Mậu Tuất 2018, trên các tuyến đường của thành phố như Lê Duẩn, Lê Lợi, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Linh… tấp nập người xe lại qua. Đây là những du khách cũng như người dân đang du xuân, chờ xem pháo hoa trong thời khắc chuyển giữa năm cũ và năm mới. Những con đường dẫn vào trung tâm thành phố được trang hoàng ánh điện từ nhiều loại đèn mang màu sắc khác nhau tạo ra hình ảnh như những bông hoa đang vươn mình khoe sắc đón xuân.

Tại các “điểm nhấn” như vườn hoa trước UBND thành phố cũ (đường Bạch Đằng) cũng như công viên APEC (đường 2/9), vườn hoa phía Tây cầu Rông… nhiều gia đình cũng như các đôi trẻ đến đây tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Đặc biệt, có cả du khách trong và ngoài nước cũng tới địa điểm này để ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của Tết cổ truyền Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Quý (80 tuổi, trú An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng) tâm sự: "Thật không thể tin được, từ những con đường nhỏ hẹp, những ngôi nhà tạm bợ bên bờ sông Hàn, đời sống ngời dân còn gặp rất nhiều khó khăn… thế mà với sự quyết tâm của lãnh đạo cũng như nhân dân thành phố đã đưa lại diện mạo mới cho ngày hôm nay. Chỉ còn ít phút nữa là bước sang năm mới Mậu Tuất 2018, chúng tôi, những người hưu trí đang tiếp tục nỗ lực, đồng thuận cùng lãnh đạo và nhân dân thành phố xây dựng một Đà Nẵng giàu đẹp hơn, an yên hơn".

Người dân và du khách đi vui xuân đón giao thừa tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tại các điểm bắn pháo hoa trong thời khắc giao thừa như cầu Nguyễn Văn Trỗi; khu vực trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và khu vực trước Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang, người dân và du khách đổ về ngày càng đông hơn để mong muốn tận mắt chứng kiến những bông hoa nhiều màu sắc tung bay trên bầu trời và cùng ước nguyện cho bản thân, gia đình và người thân một năm mới mạnh khỏe - hạnh phúc và thành công.

* Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là bước sang năm Mậu Tuất 2018, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk đang rộn ràng đón Xuân sang.

Chúng tôi gặp chị H’Hoan Êban người dân tộc Êđê, năm nay gần 50 mùa rẫy, ở buôn Cuôr Đăng, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) đang xem chương trình văn nghệ bắn pháo hoa mừng đón Giao thừa tại Quảng trường 10/3 thành phố Buôn Ma Thuột.

Chị H’Hoan Êban hồ hởi nói, cứ sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, gia đình đều dành ra một khoản tiền để sắm thêm đồ dùng sinh hoạt, mua quần áo mới cho các thành viên trong gia đình mặc đón năm mới. Trước kia người Êđê chỉ có ngày vui, ngày sum họp cùng buôn làng trong các dịp lễ truyền thống như ăn mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, cầu mưa, cầu mùa trước và sau mỗi vụ thu hoạch… Sau này, sống hòa nhập với các dân tộc anh em, người Êđê có thêm niềm vui đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Còn già làng Ama Hoan Niê ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) thì cho rằng, trong năm qua do biến đổi của thời tiết, mưa, nắng bất thường lại thêm vật tư phân bón, xăng dầu tăng cao, trong khi đó, giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp kéo dài làm cho sản xuất nông nghiệp càng thêm khó khăn.

Bước sang năm mới, già làng Ama Hoan cầu mong Yàng (trời) cho mưa thuận gió hòa, giá nông sản tăng lên, trong đó có giá cà phê, hồ tiêu để đồng bào dân tộc Êđê trong buôn trong xã có thêm của “ăn của để” làm giàu cho gia đình, cho buôn làng. Tết cổ truyền là dịp để đồng bào trong buôn, trong xã có thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm nương rẫy vất vả; anh em, họ hàng, các Ama, Amí (các ông, các bà) có cơ hội gặp nhau , chúc nhau sức khỏe, ăn nên làm ra, nhà văn hóa buôn cũng đã chuẩn bị các bộ cồng chiêng để mừng năm mới...

* Hòa chung niềm hân hoan chào đón năm mới Mậu Tuất 2018 trên cả nước, không khí trước giờ giao thừa tại phố núi Gia Lai cũng rất rộn ràng, nhộn nhịp.

Tại quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku) chương trình Lễ hội giao thừa mừng xuân Mậu Tuất 2018 thu hút hàng nghìn người xem với các tiết mục ca múa nhạc tổng hợp, biểu diễn cồng chiêng, múa rồng và 15 phút bắn pháo hoa.

Lễ hội giao thừa năm nay của tỉnh Gia Lai có sự góp mặt của 30 nghệ nhân múa xoang, trình diễn cồng chiêng người dân tộc thiểu số làng Pleiku Roh. Các nghệ nhân người Jrai tái hiện lại không gian văn hóa cồng chiêng trong bài “Mừng lúa mới”.

Anh Siu Thưm, Đội trưởng đội cồng chiêng làng Pleiku Roh cho biết: “Bài chiêng chúng tôi trình diễn trong lễ hội giao thừa Mậu Tuất 2018, nhịp điệu rộn ràng, vui tươi với ý nghĩa cầu chúc mọi người năm mới nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, mùa màng bội thu. Qua đó, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên và cũng thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc tỉnh Gia Lai”.

Không khí hân hoan cùng thời tiết đêm giao thừa se lạnh khiến người dân đổ ra đường ngày một đông. Thành phố Pleiku trang hoàng lộng lẫy cờ hoa, điện chiếu sáng khắp các nẻo đường. Tại các nhà thờ, công viên, quán ăn, quán cà phê cũng chật kín người. Đặc biệt, dòng người đổ về chùa, tịnh xá xin lộc đầu năm cũng ngày một đông đúc.

* Hòa với niềm vui chung của người dân cả nước trước thời khắc thiêng liêng đón Xuân Mậu Tuất 2018, không khí đón giao thừa của người dân tại tỉnh Bình Dương đang diễn ra thật rộn rã.

Đường hoa Tết tại Thành phố Mới Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Ngay tại Công viên Bạch Đằng nằm bên sông Sài Gòn (thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một), khá đông các đôi bạn và gia đình trẻ đã tập trung cùng nhau chụp những cảnh đẹp để ghi lại thời khắc chuyển xuân.

Trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức bắn pháo hoa tại 9 điểm ở 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để người dân trong tỉnh được thuận tiện chiêm ngưỡng.

Đáng chú ý nhất là điểm bắn tại Trung tâm Thành phố Mới Bình Dương (phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một) là điểm tập trung nhiều người dân đến xem bắn pháo hoa nhiều nhất. Không chỉ tổ chức bắn pháo hoa, tại đây còn là nơi tỉnh Bình Dương tổ chức Hội hoa Xuân Mậu Tuất 2018. Ngay từ lúc 18 giờ, chương trình văn nghệ Đêm hội giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức cũng đã khai mạc tại nơi đây.

PV TTXVN tại các địa phương