12:07 23/12/2014

Người dân đã bớt phiền hà vì thủ tục hành chính

Những nỗ lực mang tính đột phá của TP Hồ Chí Minh trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt, giảm phiền hà cho người dân. Những chuyển biến này, không chỉ có ở những địa bàn trung tâm thành phố, mà ngay cả những vùng ngoại thành xa xôi...

Những nỗ lực mang tính đột phá của TP Hồ Chí Minh trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt, giảm phiền hà cho người dân. Những chuyển biến này, không chỉ có ở những địa bàn trung tâm thành phố, mà ngay cả những vùng ngoại thành xa xôi, người dân cũng rất hài lòng… Tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần được điều chỉnh.

Đơn giản thủ tục nhờ một cửa liên thông

Theo báo cáo của UBND Thành phố, đến nay các sở - ngành của thành phố, 24/24 quận huyện, 322/322 phường xã thị trấn đã áp dụng cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định. Trong đó, 24/24 UBND quận, huyện đã triển khai quy trình liên thông hoàn chỉnh giữa UBND quận - huyện và UBND phường xã thị trấn đối với lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng kí mã số thuế…

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Bình Chánh.


Thống kê của các cơ quan chuyên môn cho thấy, thời gian trung bình để một doanh nghiệp làm nghĩa vụ thuế và đóng bảo hiểm… là khoảng 800 giờ/ năm, trong khi đó, con số này ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… chỉ mất trên dưới 300 giờ. Chỉ với so sánh nhỏ này cũng đủ hình dung thủ tục hành chính của chúng ta cần phải cải cách rất nhiều.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: 

Thành phố được trang bị hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) mạnh nhất cả nước song nhận thức và hiểu biết của cán bộ sở - ngành lại hạn chế, kéo theo hiệu quả cải cách thủ tục hành chính chưa cao. Đơn giản như việc dùng hộp thư điện tử nhưng cũng chỉ có 40% cán bộ sử dụng. Đây là con số rất thấp so với thời đại CNTT như hiện nay. Việc này giống như chúng ta trang bị một chiếc ô tô loại sang nhưng người dùng lại không biết sử dụng. Áp dụng CNTT sẽ giúp các sở - ngành tăng hiệu quả việc làm, giảm thời gian. Tuy CNTT chỉ là công cụ hỗ trợ liên thông kết nối chứ không phải là vấn đế quyết định cải cách thủ tục hành chính, nhưng là vấn đề quan trọng. Liên kết thông tin theo chiều rộng và chiều sâu giữa các sở - ngành, các sở - ngành, quận - huyện với UBND thành phố thì sẽ giải quyết tốt thủ tục hành chính. 

Ông Lê Hoài Trung, Giám đốc sở Nội Vụ
TP Hồ Chí Minh: 

Mô hình liên thông một cửa điện tử đã đạt được nhiều thành công, nhưng quá trình thực hiện còn thô sơ, chưa thông suốt, chưa áp dụng rộng rãi ở các sở, ngành mà mới thực hiện đại trà ở UBND các quận, huyện. Hiện nay, đường đi của “một cửa liên thông điện tử” tại một số quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn thủ công, hồ sơ được luân chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác chủ yếu vẫn là thủ công. Kiểu liên thông này thực chất là cán bộ làm thay dân, mang hồ sơ từ nơi này đến nơi khác chứ không phải là liên thông đúng nghĩa - liên thông điện tử.

Theo ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm Cục phải tiếp nhận hơn 50.000 hồ sơ liên quan đến thuế. Nếu thực hiện theo cách đến làm trực tiếp thì có những thủ tục thuế mỗi người dân sẽ phải gặp cơ quan không dưới 30 lần. Tuy nhiên, sau hơn một năm Cục thuế thực hiện việc kê khai thuế qua mạng thì tình trạng quá tải, chờ đợi làm hồ sơ tại cơ quan thuế đã giảm rõ rệt. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 100/500.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP thực hiện việc kê khai thuế qua mạng.

Trong các lĩnh vực khác như đất đai, xây dựng…, người dân cũng tiếp cận dịch vụ hành chính công qua mạng Internet. Người dân chỉ cần vào địa chỉ trang web của các địa phương là được hướng dẫn đầy đủ các thủ tục hành chính. Điều này giúp giảm sự bức xúc của người dân khi thực hiện các thủ tục, đỡ mất công sức và thời gian “chạy tới chạy lui, hỏi han” về các loại thủ tục, giấy tờ.

Một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính của thành phố có thể nói là UBND quận 1. Đây là đơn vị mạnh dạn áp dụng khảo sát mức độ hài lòng của người dân với cán bộ, công chức và có hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trễ hẹn mà không có lý do chính đáng. Trong quá trình thực hiện một cửa liên thông, quận 1 đã triển khai ứng dụng nhiều phần mềm công nghệ thông tin như quản lý hộ tịch, quản lý xử lý vi phạm hành chính, liên thông phối hợp giải quyết công việc giữa các phòng ban, đơn vị liên quan… để luân chuyển dữ liệu quản lý, giảm số lần đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ áp dụng phần mềm liên thông giữa Chi cục Thuế với Phòng Kinh tế quận, quy trình đăng ký thuế chỉ còn mất 30 phút thay vì 10 ngày như trước đây, thậm chí có thể cấp mã số thuế ngay trong ngày đối với hộ kinh doanh.

Nhằm giảm bớt thời gian đi lại cho người dân, UBND quận 3 còn có sáng kiến phối hợp với Bưu điện TP Hồ Chí Minh thực hiện dịch vụ tiếp nhận và chuyển kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đến tận nhà cho người dân. Khi có yêu cầu, nhân viên bưu điện sẽ đến tận nhà khách hàng hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ chuyển trực tiếp cho UBND quận 3 giải quyết theo quy trình của từng loại hồ sơ và đến tận nhà giao lại kết quả.

Người dân hài lòng

Không chỉ tại các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh, mà tại các địa phương ngoại thành cũng có những thay đổi tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính. Theo ông Phạm Văn Lũy, Chủ tịch xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), chính quyền xã đã quán triệt tinh thần “ba không, bốn tự, năm phải” đối với cán bộ, công chức của xã. Theo đó, cán bộ công chức khi tiếp xúc, làm việc với dân phải tuân thủ tinh thần “ba không” là không nhũng nhiễu dân, không lạnh nhạt với dân, không từ chối các yêu cầu hợp pháp của dân. “Bốn tự” là tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức; tự học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tự phê bình và phê bình góp ý đồng nghiệp và tự tiếp thu sửa chữa, hoàn thiện bản thân. “Năm phải” là phải gần dân, trọng dân; phải nghe dân, tin dân; phải lịch sự trong giao tiếp với dân; phải khiêm tốn, trung thực; phải tận tình, hết lòng vì dân. Những quy định này được in dán nổi bật ngay tại các phòng tiếp công dân.

UBND xã Tân Nhựt còn quy định, nếu người dân phát hiện những cán bộ, nhân viên nào sai phạm đều có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại di động của lãnh đạo xã được niêm yết công khai tại UBND xã. Cũng nhờ thực hiện đúng tinh thần này nên những tiêu cực được hạn chế rất nhiều và tạo được sự đồng thuận rất lớn từ người dân. Xã Tân Nhựt còn thành lập Ban tư vấn pháp luật miễn phí nhiều luật sư có kinh nghiệm để giúp đỡ bà con. Khác với trước kia, khi hồ sơ của người dân còn thiếu một số giấy tờ nào đó, nhân viên sẽ trả lại, yêu cầu bổ sung, khiến người dân sẽ mất rất nhiều công sức. Khi triển khai dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, nhân viên tiếp nhận hồ sơ phát hiện hồ sơ có những bất hợp lý phải điện thoại xin lỗi do sơ suất khi tiếp nhận và người dân được hướng dẫn để bổ sung giấy tờ, tránh tình trạng hồ sơ bị trả lại nhiều lần.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân của xã tỏ ra rất hài lòng với cách làm việc mới này của xã. Ông Hà, một người dân vừa nhận được kết quả hồ sơ xin phép xây dựng, vui mừng cho biết, năm nay ông đã 60 tuổi, chữ nghĩa không rành nên rất ngại về thủ tục giấy tờ. Vì vậy khi dành dụm được tiền xây nhà thì điều ông Hà lo nhất là việc làm thủ tục xin phép xây dựng. Tuy nhiên,nhờ được ban tư vấn pháp luật của xã hướng dẫn tận tình những thủ tục, giấy tờ nên thời gian nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng chỉ mất hai tuần đã giải quyết xong và ông cũng không phải đi lại nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, quan điểm của lãnh đạo huyện là không để bất cứ người dân nào bị phiền hà mỗi khi thực hiện các thủ tục hành chính.Tuy nhiên, Bình Chánh là một địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, trong khi nhân lực và vật lực lại có nhiều hạn chế. Công tác cải cách thủ tục hành chính vì đó cũng còn nhiều bất cấp, như tỷ lệ hồ sơ trả về do chưa đúng các quy định của pháp luật còn nhiều, lực lượng cán bộ dù đã được tạo điều kiện để nâng cao trình độ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, tính chất liên thông vẫn còn thủ công, cán bộ xã, huyện phải làm thay dân nhiều công đoạn, do chưa áp dụng được công nghệ thông tin vào việc cải cách thủ tục hành chính. Dù vậy, với những nỗ lực của địa phương, nhất là việc thành lập các tổ tư vấn pháp lý như ở Tân Nhựt, đã giúp huyện giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà đất, xây dựng, tư pháp nhanh và thuận lợi hơn, hạn chế được tình trạng quá tải, hoặc dồn ứ hồ sơ tại các bộ phận.

Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại,Thành phố đã giải quyết 325.475/375.981 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 88%. Tuy số lượng hồ sơ rất lớn nhưng nhiều quận, huyện có tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt mức trên 95% như quận 6, 8, 10, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè, Củ Chi... Hiện đã có 7 sở - ngành và 24 quận huyện tham gia cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ cho công dân trên bảy lĩnh vực, tác động tích cực đến cải cách hành chính của thành phố.

Quang Hiền